Cập nhật: 24/01/2024 07:41:00
Xem cỡ chữ

Vệ tinh LOTUSat-1 có trọng lượng 570kg, sử dụng công nghệ radar mới nhất với nhiều ưu điểm như phát hiện các vật thể có kích thước từ 1m trên mặt đất; khả năng quan sát cả ngày lẫn đêm.

Phương tiện phóng Epsilon-5 mang theo vệ tinh NanoDragon của Việt Nam đang bay vào vũ trụ. (Ảnh: Đào Thanh Tùng/TTXVN)

Phương tiện phóng Epsilon-5 mang theo vệ tinh NanoDragon của Việt Nam đang bay vào vũ trụ. (Ảnh: Đào Thanh Tùng/TTXVN)

Tiến sỹ Lê Xuân Huy, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), thông tin khoảng tháng 5/2024, Dự án Vệ tinh radar đầu tiên của Việt Nam (LOTUSat-1) sẽ hoàn thành; dự kiến được phóng lên quỹ đạo từ tháng 12/2024 đến tháng 2/2025.

Vệ tinh LOTUSat-1 có trọng lượng 570kg, sử dụng công nghệ radar mới nhất với nhiều ưu điểm như phát hiện các vật thể có kích thước từ 1m trên mặt đất; khả năng quan sát cả ngày lẫn đêm.

LOTUSat-1 có thể hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết khí hậu. Điều này đặc biệt có ý nghĩa ở Việt Nam nói riêng và vùng Đông Nam Á nói chung do khu vực này có đặc điểm hầu hết thời gian bị che phủ bởi mây và mù. Vệ tinh LOTUSat-1 sẽ hoạt động 5 năm trên quỹ đạo.

Để chuẩn bị cho việc khai thác vệ tinh sau khi phóng lên quỹ đạo vào năm 2025, Tiến sỹ Lê Xuân Huy cho biết khoảng tháng 9/2024, toàn bộ thiết bị mặt đất gồm Hệ thống ăngten, hệ thống vận hành, điều khiển vệ tinh và hệ thống xử lý dữ liệu vệ tinh phục vụ cho vận hành vệ tinh sẽ được hoàn thiện tại Trung tâm Vũ trụ Việt Nam ở Khu Công nghệ Cao Hòa Lạc, sẵn sàng đón nhận tín hiệu đầu tiên từ vệ tinh.

Theo Tiến sỹ Lê Xuân Huy, năm 2019, Trung tâm Vũ trụ Việt Nam và Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) đã hợp tác thực hiện dự án "Vệ tinh LOTUSat-1, thiết bị và đào tạo nhân lực." Dự án sử dụng vốn vay ODA từ Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA).

"Bên cạnh việc phát triển vệ tinh, Trung tâm Vũ trụ Việt Nam triển khai các lớp học chuyển giao công nghệ xử lý ảnh vệ tinh radar nhằm chuẩn bị sẵn sàng về mặt công nghệ, nhân lực cho các bộ ngành, đơn vị để khi vệ tinh được phóng lên quỹ đạo, các dữ liệu thu được sẽ được khai thác hiệu quả," Tiến sỹ Lê Xuân Huy cho biết thêm.

Cũng theo thông tin từ Viện Công nghệ Vũ trụ (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), một vệ tinh khác của Việt Nam đang hoạt động hiệu quả trên quỹ đạo là vệ tinh quang học quan sát trái đất đầu tiên của Việt Nam (VNREDSat-1).

Vệ tinh VNREDSat-1 là một hệ thống vệ tinh quan sát trái đất hoàn thiện bao gồm cả vệ tinh và các trạm điều khiển, thu nhận và xử lý ảnh từ vệ tinh. Vệ tinh có kích thước 600 mm x 570 mm x 500 mm, trọng lượng khoảng 120kg, được phóng thành công lên quỹ đạo vào ngày 7/5/2013. Đây là kết quả của dự án ODA do Chính phủ Pháp hỗ trợ Việt Nam.

Đến nay, vệ tinh VNREDSat-1 đã hoạt động trên quỹ đạo gấp đôi thời gian so với thiết kế, tiếp tục được vận hành, khai thác an toàn, hiệu quả, đem lại nguồn ảnh viễn thám phục vụ các nhu cầu về bảo đảm quốc phòng an ninh, phát triển kinh tế-xã hội, cũng như nghiên cứu và đào tạo.

Tại Việt Nam, từ năm 2006, Chiến lược Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã định hướng cho quá trình phát triển công nghệ vũ trụ ở nước ta.

Ngày 4/2/2021, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược Phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ vũ trụ đến năm 2030, mở đường cho sự phát triển về khoa học công nghệ vũ trụ trong giai đoạn mới.

Mục tiêu tổng quát của Chiến lược nhằm ứng dụng rộng rãi thành tựu của khoa học công nghệ vũ trụ; phấn đấu làm chủ được công nghệ thiết kế, chế tạo, tích hợp các cảm biến quang học, radar cho vệ tinh quan sát trái đất và phát triển thị trường, hỗ trợ khởi nghiệp dần hình thành nền công nghiệp vũ trụ của Việt Nam./.

Theo (TTXVN/Vietnam+) – 23/1/2024

https://www.vietnamplus.vn/nam-2025-se-phong-len-quy-dao-ve-tinh-radar-dau-tien-cua-viet-nam-post922600.vnp#google_vignette