Cập nhật: 03/02/2024 07:42:00
Xem cỡ chữ

Chính phủ Ukraine cho biết, họ chỉ có thể duy trì tài chính trong vài tháng nữa nhưng cảnh báo có thể rơi vào khủng hoảng kinh tế với sự sụp đổ của đồng nội tệ nếu như dòng viện trợ của phương Tây vẫn bị kẹt như hiện nay.

Kịch bản Ukraine khủng hoảng kinh tế, sụp đổ tài chính cận kề

Trong bối cảnh thiếu tiền, nhân lực và thiết bị cho cuộc xung đột với Nga, chính phủ Ukraine tuyên bố họ có thể xoay sở về mặt tài chính trong vài tháng nữa mà không cần viện trợ từ Mỹ và phương Tây. Tuy nhiên, nếu dòng viện trợ này tiếp tục bị trì hoãn, Ukraine có thể đối mặt với khủng hoảng kinh tế toàn diện, theo giới chức Ukraine và các nhà phân tích.

ukraine dung truoc tham hoa kinh te khi can kiet vien tro tu phuong tay hinh anh 1

Người già Ukraine tiếp nhận viện trợ thực phẩm. Ảnh: Nytimes.

Kịch bản khủng hoảng có thể như sau: Nhân viên nhà nước bị mất việc hoặc không được trả lương. Người hưu trí, vốn đã phải sống tằn tiện, có thể trượt sâu vào tình trạng đói nghèo hơn nữa nếu mức lương hưu không được nâng lên để theo kịp đà lạm phát. Bảo tàng, rạp hát, các viện nghiên cứu của chính phủ cũng như các trường đại học có thể phải đóng cửa.

Nhà hàng, cửa hàng bách hóa và một loạt các doanh nghiệp khác hiện vẫn mở cửa tại những thành phố Ukraine cách xa tiền tuyến. Thế nhưng, nếu thiếu viện trợ tài chính, toàn bộ nền kinh tế sẽ trục trặc do chính phủ hết tiền để cung cấp cho một loạt đối tượng và cơ quan.

Xung đột Nga - Ukraine diễn ra không chỉ trong lĩnh vực đạn pháo, tên lửa và UAV mà còn cả trong nền kinh tế của hai nước. Các lệnh trừng phạt của phương Tây là nhằm hạn chế nguồn lực của Nga, còn các gói viện trợ của phương Tây nhằm duy trì sức mạnh của Ukraine. Giới chuyên gia cho rằng một khủng hoảng kinh tế nếu xảy ra ở Ukraine sẽ phá hoại năng lực tác chiến của nước này.

Orysia Lutsevych, trưởng chương trình Ukraine tại tổ chức nghiên cứu Chatham House nói: “Chính kinh tế quyết định ai thắng trong chiến tranh”.

Người dân Ukraine vốn đã bị căng thẳng về kinh tế do xung đột quân sự với Nga. Họ hiện không được chuẩn bị cho tình huống khủng hoảng tài chính. Trong một cuộc thăm dò dư luận do Hội Chữ thập Đỏ tổ chức vào tháng 11/2023, có tới 42% người Ukraine được hỏi nói rằng thu nhập của họ không đủ để đáp ứng các nhu cầu cơ bản bao gồm lương thực và tiền nhà ở.

Ukraine cần tới viện trợ của phương Tây để trang trải 1/4 ngân sách quốc gia năm 2024 nhưng lại đối mặt với vô số trở ngại nếu muốn nhận được viện trợ đó.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Biden đang chật vật xin Quốc hội nước này thông qua gói viện trợ quân sự, nhân đạo và tài chính trị giá 60 tỷ USD dành cho Ukraine.

Nếu Ukraine không nhận được các gói viện trợ trên, sự ổn định kinh tế của nước này có thể bắt đầu sụp đổ.

Serhiy Marchenko, bộ trưởng tài chính của Ukraine, cảnh báo về nguy cơ khủng hoảng tài chính cận kề. Ông nói: “Đạt được ổn định kinh tế vĩ mô không phải điều dễ dàng. Mất nhiều thời gian để thúc đẩy niềm tin ở các doanh nghiệp và các công dân của Ukraine”.

Bên cạnh đó, Ukraine cũng tự tạo cho mình nhiều vấn đề, với nạn tham nhũng kinh niên khiến các đồng minh phương Tây của họ hoài nghi liệu tiền quyên góp của mình có được dùng đúng việc hay không.

Người dân lãnh đủ, các giải pháp không thay thế được viện trợ của phương Tây

Triển vọng u ám về quỹ tiền của chính phủ là một trong các yếu tố gây lo lắng cho Olena Bondarenko, một bà mẹ đơn thân 30 tuổi đang làm việc cho một công ty tư nhân ở Zaporizhzhia. Chị chỉ có mức thu thập ít ỏi là 201 USD/tháng, cộng thêm khoản trợ cấp 135 USD mỗi tháng dành cho những người phải rời bỏ nhà cửa, như trong trường hợp chị này là một căn hộ ở thị trấn tiền tuyến Orikhiv, đã bị đạn pháo làm hư hại.

Đã vậy, chính phủ Ukraine vừa công bố cắt các khoản trợ cấp nói trên để tiết kiệm khoảng 530 triệu USD trong năm nay (2024). Điều này khiến Bondarenko lo ngại sẽ phải trở về quê dưới bom đạn do không còn được trợ giúp về tài chính nữa.

Iryna Vereshchuk, một bộ trưởng Ukraine phụ trách tình hình các lãnh thổ do Nga kiểm soát, cho biết việc cắt giảm nói trên là cần thiết do ngân sách chính phủ đang giảm.

Bộ trưởng Tài chính Ukraine Marchenko xác nhận với tờ Wall Street Journal rằng Ukraine có thể cũng phải trì hoãn một số khoản lương chính phủ và tăng vay mượn trong nước để kéo dài năng lực tài chính trong cả tháng 2 này.

Ukraine dựa vào viện trợ nước ngoài để đảm bảo một nửa ngân sách hàng năm của mình. Các nhà tài trợ cấm Ukraine sử dụng số tiền đó cho quân đội. Về khía cạnh quân sự, Ukraine nhận được các khoản viện trợ riêng rẽ từ cả Mỹ và EU.

Viện trợ dân sự trang trải các khoản chi như chi lương cho giáo viên, lương hưu trí và chăm sóc y tế cho người dân. Về điểm này, Ukraine đã nhận 13,5 tỷ USD từ EU và dự kiến nhận 11 tỷ USD từ Mỹ trong năm nay.

Bộ trưởng Marchenko cho biết, Ukraine có thể tự xoay sở được trong quý I năm 2024 bằng việc đảo quỹ giữa chính quyền trung ương và địa phương, tăng thuế và cắt giảm chi tiêu. Một phần của kế hoạch này là sử dụng ngân quỹ của địa phương, như tiền thuế mà binh sĩ đã trả. Tuy nhiên, điều này có thể gây khó khăn cho hoạt động của chính quyền địa phương.

Bộ trưởng Marchenko bổ sung rằng chính phủ sẽ áp thêm thuế mới lên các ngân hàng, cắt giảm chi phí tài sản cố định, ngoại trừ những thứ dành cho quân đội, hoãn những thứ như sửa đường hay mua toa tàu hỏa.

Ngoài ra, Ukraine còn tiến hành vay nội địa, vay từ bên trong chính nước này, thông qua việc phát hành 3 loại trái phiếu.

Tymofiy Mylovanov - Chủ tịch trường Kinh tế Kiev, cho biết thêm rằng chính phủ Ukraine hiện chưa lấp các chỗ trống việc làm trong khu vực công và tránh chi một số tiền cho giáo dục đại học.

Bất chấp các giải pháp này, Ukraine vẫn đối diện khó khăn lớn. Bộ trưởng Marchenko thừa nhận: “Cách duy nhất để bảo tồn sự ổn định kinh tế vĩ mô là sự ủng hộ từ Mỹ”.

Nếu không nhận được viện trợ từ Mỹ, ông Marchenko nói, Ukraine sẽ tìm kiếm viện trợ bổ sung từ các đồng minh khác, gia tăng vay tiền nội địa, hoặc thậm chí in thêm tiền để trang trải nhu cầu trước mắt, dù rằng điều này kéo theo lạm phát và phá giá đồng nội tệ hryvnia.

Bộ trưởng Marchenko vạch ra ác mộng sắp tới: Người dân đổ xô đi đổi tiền hryvnia sang USD hoặc euro, làm sụp đổ đồng nội tệ. Ông nói, “việc này có thể xảy ra trong một ngày và kéo dài một tuần”. Theo ông, hậu quả sụp đổ đồng hryvnia là “thảm họa”.

Bà Lutsevych, nghiên cứu viên của Chatham House nhận định: Cắt giảm ngân sách cho giáo dục, y tế và cơ sở hạ tầng như đường sá sẽ gây hại cho tăng trưởng kinh tế của Ukraine trong tương lai.

Serhiy Fursa, Phó Giám đốc hãng đầu tư Dragon Capital ở Kiev, chia sẻ: Ukraine tất yếu sẽ lệ thuộc vào viện trợ nước ngoài chừng nào chiến sự còn tiếp diễn. Ông nói, nếu khoản này biến mất, khủng hoảng tài chính sẽ khó tránh khỏi.

Theo VOV.VN  - 3/2/2024

https://vov.vn/the-gioi/ho-so/ukraine-dung-truoc-tham-hoa-kinh-te-khi-can-kiet-vien-tro-tu-phuong-tay-post1075373.vov