Cập nhật: 04/02/2024 10:11:00
Xem cỡ chữ

Tết Giáp Thìn 2024 này, ở bất cứ nơi đâu trên mọi miền Tổ quốc, những không gian văn hóa, di tích lịch sử, lễ hội đều rực rỡ sắc màu xuân.

Tổ chức thi gói bánh chưng tại Chương trình Tết Sum vầy - Xuân chia sẻ năm 2024 do Liên đoàn Lao động TP Hà Nội tổ chức. Ảnh: nhandan.vn

Ở những không gian đó, bao tập tục truyền thống ngày Tết như thờ cúng gia tiên, tranh Tết, câu đối Tết, chúc Tết... được tái hiện. Chúng ta đã đi qua một năm 2023 khó khăn, chứng kiến bao thăng trầm của tình hình thế giới và khu vực.

Những chuyến xe “0 đồng” của tổ chức công đoàn đang đưa lao động hoàn cảnh khó khăn về quê đón Tết. Chương trình “Tết sum vầy” của hệ thống tổ chức công đoàn sau 10 năm tổ chức trên quy mô toàn quốc đã tạo sức lan tỏa rộng khắp, trở thành sự kiện nổi bật, là niềm mong đợi của người lao động cả nước mỗi dịp Tết đến Xuân về.

Nhưng, lửa thử vàng, gian nan thử sức, càng trong khó khăn và thử thách, trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam càng được trui rèn và tỏa sáng. Việt Nam đã khẳng định hình ảnh, vị thế một đất nước độc lập, tự chủ, phát triển năng động, là bạn bè thủy chung, chân thành, là đối tác tin cậy, là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, là điểm đến tươi đẹp, an toàn, thân thiện, giàu lòng mến khách.

Vì thế, Tết Giáp Thìn 2024 là “Tết triệu sắc Việt, xuân vạn sinh sôi” ngập tràn muôn sắc hoa, cùng các hoạt động văn hóa, vui chơi, giải trí đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc trên mọi miền Tổ quốc.

Tết đến thêm rộn ràng phố thị, làng quê. Những con đường từ quê đến phố, nơi đâu cũng nhộn nhịp, ồn ào và rực rỡ sắc mầu. Nhưng ở bất cứ nơi đâu trên bước đường bươn chải mưu sinh, vào dịp này, mỗi người đều khao khát về lại chốn quê nhà để đoàn viên sum họp cùng người thân, bên ly trà, tấm bánh cùng trao đổi bao câu chuyện thân tình. Những chuyến xe dường như cũng vội, ngang qua những cánh đồng bát ngát, lướt qua những vườn cây xum xuê quả ngọt, xuyên những cây cầu vắt qua những dòng sông rộng... trong tiết xuân đẹp tựa bức tranh.

Trong đó, những chuyến xe “0 đồng” của tổ chức công đoàn đang đưa lao động hoàn cảnh khó khăn về quê đón Tết. Chương trình “Tết sum vầy” của hệ thống tổ chức công đoàn sau 10 năm tổ chức trên quy mô toàn quốc đã tạo sức lan tỏa rộng khắp, trở thành sự kiện nổi bật, là niềm mong đợi của người lao động cả nước mỗi dịp Tết đến Xuân về.

Tinh thần nhân văn, đoàn kết là điểm nhấn của chương trình. “Tết sum vầy” cũng mang Tết sớm đến với người lao động bằng các hoạt động đã trở thành nền nếp như: Chợ Tết Công đoàn; hỗ trợ các chuyến xe/chuyến bay “0 đồng” đưa, đón lao động hoàn cảnh khó khăn; tổ chức các hoạt động vui Xuân, đón Tết đầm ấm, vui tươi cho những người lao động không về quê đón Tết tại các doanh nghiệp, khu chế xuất, khu công nghiệp, khu nhà trọ...

10 năm qua, hơn 168 nghìn chương trình “Tết sum vầy” đã được tổ chức ở tất cả bốn cấp công đoàn, thu hút hơn 29 triệu lượt đoàn viên, người lao động tham gia với hơn 24,1 triệu lượt đoàn viên, người lao động khó khăn được tặng quà, tổng số tiền hơn 17.210 tỷ đồng.

Biển rộng sông dài giang sơn hùng vĩ, dáng hình đất nước thân yêu trải mấy ngàn năm cha ông gây dựng và đánh đổi bằng máu xương. Tổ quốc rộng dài tựa như bức tranh thủy mặc. Từ đồng bằng đến những núi non trập trùng và nơi biển rộng ngân nga tiếng sóng, những đảo chìm đảo nổi ngoài khơi... chờ đón Xuân về.

Muôn hoa nở bừng tươi trong gió ngân nắng tỏa, để lòng người dâng lên bao khát vọng cùng niềm yêu thương rạo rực. Con Lạc cháu Hồng, dòng giống Rồng Tiên, dẫu trải qua biết bao gian khó, vẫn rạng ngời truyền thống văn hiến, ý chí kiên cường và lòng quả cảm, tinh thần quyết tâm, tự lực, tự cường.

Tình yêu quê hương xứ sở luôn là một điều giản dị, gần gũi và tự nhiên, là nhu cầu là khao khát tự thân của mỗi người. Vì thế, người Việt dù thế hệ nào, ở bất cứ đâu đều luôn là một phần máu thịt, một bộ phận không thể tách rời của Tổ quốc; đều có thể đóng góp cho đất nước theo cách riêng của mình.

Giá trị của ngày Tết không nằm ở thời đại, thời gian, không gian mà nó luôn mang giá trị vô hình là đoàn viên, là sum vầy, còn được trở về nhà ăn Tết cùng gia đình là còn hạnh phúc.

Bởi thế, chỉ cần thấy những cành đào, cành mai hoa nở rộ, nghe những giai điệu nhạc xuân du dương, chắc chắn mỗi người đều có ý nghĩ muốn trở về nhà-nơi những người thân thương nhất đang ngóng đợi. Xưa nay, chưa một ai quên lãng việc về nhà ăn Tết, dù chỉ là đón một cái Tết thật đơn sơ nhưng ấm áp. Tết vẫn vẹn nguyên như vậy, nếu mỗi chúng ta đón nhận nó theo cách đơn sơ, giản dị nhất - một mâm cơm, một mẩu chuyện, một tách trà cùng một nhà hạnh phúc.

Sum vầy bên người thân trong gia đình vào mỗi dịp Tết đến, Xuân về, chúng ta càng thêm thấm thía những hy sinh, vất vả của các chiến sĩ nơi biên giới, hải đảo vẫn đang ngày đêm canh giữ từng tấc đất, biển trời dấu yêu của Tổ quốc, những cán bộ ngành y tế vẫn trực đêm ngày để cứu chữa bệnh nhân nặng, cấp cứu, các công nhân vẫn miệt mài vượt nắng, thắng mưa bảo đảm tiến độ sản xuất trên các công trình trọng điểm, các lực lượng chức năng túc trực giữ gìn sự bình yên cuộc sống.

Cuộc đời này phải biết tri ân sự hy sinh của người khác, để biết sống tử tế và làm những điều tốt đẹp cho mọi người, cho xã hội, để Tết thêm ý nghĩa. Tết là để sum vầy, đoàn viên và sẻ chia, để rồi tạo ra tâm thế, niềm tin và ước vọng tốt đẹp, sự khởi đầu mới của mỗi người, mỗi gia đình, mỗi dòng tộc, mỗi miền quê hay phố thị cho một năm mới ■

Theo Khoa Điềm/VOV-Tây Nguyên - 04/02/2024

https://nhandan.vn/gia-tri-cua-tet-post795196.html