Tết năm nay, nguồn hàng hóa phục vụ tiêu dùng được các doanh nghiệp chuẩn bị đa dạng chủng loại, giá cả ổn định, nhất là các mặt hàng thiết yếu, không khí mua bán đã tấp nập, nhộn nhịp hơn.
Những ngày gần đây, lượng khách đến trung tâm thương mại, siêu thị mua sắm rất đông, không khí tấp nập, nhộn nhịp hơn các nhóm hàng như bánh, mứt, kẹo… hàng Việt chiếm đa số. Các siêu thị cũng chuẩn bị lượng nhân viên, hệ thống thanh toán đảm bảo người dân mua sắm thuận tiện, dễ dàng.
Theo báo cáo của các doanh nghiệp, các đơn vị phân phối đã xây dựng kế hoạch và ký kết các hợp đồng khai thác hàng hóa phục vụ Tết tăng trung bình từ 7-25% tùy từng mặt hàng so với cùng kỳ Tết năm 2023, trong đó trọng tâm là các mặt hàng lương thực, thực phẩm. Tại các điểm bán, lượng hàng hóa được tăng cường 15-40% sẵn sàng phục vụ của người dân (trong đó, tỷ lệ hàng Việt Nam chiếm 90%).
Để đáp ứng nhu cầu mua sắm, từ đầu tháng 10/2023, hệ thống Aeon đã chủ động chuẩn bị hàng hóa phong phú, dồi dào, với giá cả ổn định. Đáng chú ý, hệ thống này sẽ kéo dài thời gian hoạt động và mở cửa xuyên Tết để phục vụ khách hàng đến vui chơi, mua sắm trong những ngày nghỉ Tết. Trong khi đó, hệ thống WinCommerce, đơn vị chủ quản chuỗi siêu thị WinMart và cửa hàng tiện lợi WinMart+/WIN, sẽ mở cửa đến 12h ngày 30 Tết và hoạt động trở lại vào ngày mùng 4 Tết.
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Tổng Giám đốc chuỗi WinMart cho biết, để chuẩn bị cho Tết Nguyên đán 2024, đơn vị đã làm việc với các nhà cung cấp, đàm phán và kiểm tra kỹ chất lượng nguồn hàng hóa cho dịp Tết này.
"Chúng tôi có những giải pháp liên quan tới kiểm soát chất lượng đầu vào, từ công tác nhập khẩu cho tới kiểm soát các nhà cung cấp. Với hệ thống phân phối của chúng tôi, chúng tôi tự quản lý kiểm soát từ đầu vào, do vậy việc kiểm soát chất lượng hàng hóa được thực hiện đầy đủ..." - ông Dũng cho biết.
Những ngày gần đây, lượng khách đến trung tâm thương mại, siêu thị mua sắm rất đông, không khí tấp nập, nhộn nhịp hơn các nhóm hàng như bánh, mứt, kẹo… hàng Việt chiếm đa số
Là một trong những chuỗi siêu thị lớn, chuỗi siêu thị bán lẻ của Central Retail gồm GO!, Big C, Tops Market đã chuẩn bị nguồn hàng hóa dồi dào, và nhiều chương trình khuyến mại hấp dẫn. Năm nay, GO!, Big C chỉ đóng cửa duy nhất ngày mùng 1 Tết, và mở cửa hoạt động trở lại bình thường từ ngày mùng 2 Tết.
Ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc siêu thị Big C Thăng Long cho biết: "Chúng tôi đang có hàng ngàn chương trình áp dụng các sản phẩm bình ổn giá... Để kích cầu mua sắm, chúng tôi có chương trình khuyến mại Tết, có rất nhiều các giải thưởng hấp dẫn...".
Song song với việc sản xuất, dự trữ hàng hóa phục vụ thị trường, các doanh nghiệp, hệ thống phân phối đã triển khai chương trình khuyến mại nhằm kích cầu mua sắm của người tiêu dùng. Tại hệ thống của Liên hiệp HTX Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op), chương trình “Đến Co.op chở Tết về” đáng trong giai đoạn tăng tốc về đích. Từ nay đến ngày 09/02, Co.opmart, Co.opXtra... tung ra thị trường Tết hơn 2.000 sản phẩm Tết được khuyến mại, đặc biệt những sản phẩm thời vụ Tết.
Ông Nguyễn Ngọc Thắng, Giám đốc vận hành hoạt động Co.opmart, Giám đốc Marketing Saigon Co.op cho biết, Saigon Co.op đã đưa đặc sản của các vùng miền, sản phẩm OCOP vào các mẫu giỏ quà Tết để phục vụ nhu cầu mua sắm đa dạng của người tiêu dùng.
Theo ông Thắng: "Năm nay, Saigon Co.op đưa sản phẩm đặc sản vùng miền, đặc biệt là sản phẩm OCOP, các sản phẩm được lồng ghép trong những túi quà hướng về an sinh xã hội. Riêng về nhóm hàng nhãn riêng của Saigon Co.op, chúng tôi đã đưa những nhóm mặt hàng đặc thù riêng, những món quà mà hướng về tiêu dùng hằng ngày, hướng về an sinh xã hội để làm sao cho người dân tiếp cận được những sản phẩm vừa bình ổn giá, vừa chất lượng, đặc biệt nữa là giá hợp lý".
Tại Hà Nội, năm 2024, TP.Hà Nội đã chuẩn bị hàng trăm nghìn tấn sản phẩm hàng hoá, ước tính tổng giá trị gần 41.000 tỷ đồng. Sở Công Thương Hà Nội cho biết, đến nay đã có hơn 1.300 điểm bán hàng của các đơn vị phân phối, bán lẻ đăng ký mở cửa bán hàng phục vụ người dân từ ngày mùng 1 đến ngày mùng 5 Tết, từ mùng 6 Tết trở đi các hệ thống hoạt động bình thường phục vụ người dân.
Bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, qua nắm bắt tình hình và đi kiểm tra thực tế, các doanh nghiệp đã chấp hành rất nghiêm túc chỉ đạo của Thành phố về công tác chuẩn bị nguồn cung hàng hóa.
"Các doanh nghiệp cũng đã dự trữ một lượng hàng tăng hơn gấp 3 lần so với lượng giao chỉ tiêu của Sở Công Thương thành phố Hà Nội. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra thị trường cũng như là kiểm tra chất lượng về an toàn thực phẩm, thành phố cũng đã chỉ đạo các sở, ngành tăng cường kiểm tra về công tác an toàn thực phẩm theo chức năng, nhiệm vụ của mình..." - bà Phương Lan nêu rõ.
Để tăng sức mua của người dân, các hoạt động kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại, hỗ trợ tiêu thụ các mặt hàng trong dịp Tết được thực hiện đồng bộ và hiệu quả, bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) khẳng định, nguồn hàng phục vụ Tết Nguyên đán 2024 rất dồi dào không chỉ về số lượng mà còn phong phú chủng loại. Cùng với đó, giá cả hàng hóa được dự báo sẽ không có nhiều biến động.
Theo bà Nga: "Đối với việc cung ứng hàng hóa đã có văn bản chỉ đạo cho các doanh nghiệp mà thường cung ứng những mặt hàng sử dụng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán như các doanh nghiệp xăng dầu, hàng hóa thiết yếu, lương thực thực phẩm, phải bảo đảm được nguồn cung, phải bảo đảm an toàn thực phẩm và giá cả bình ổn để giúp cho người tiêu dùng Việt Nam với mọi mức thu nhập có thể có được một cái Tết an vui và đầy đủ hàng hóa với mức chi tiêu hợp lý nhất".
Theo Bộ Công Thương, trong dịp Tết Nguyên đán năm nay, sức mua dự kiến tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Cùng với chuần bị đầy đủ hàng hóa, cơ quan chức năng cũng đẩy mạnh các giải pháp kiểm tra, kiểm soát thị trường, đấu tranh với các hành vi buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, đặc biệt là vi phạm về an toàn thực phẩm.
Theo Bá Toàn/VOV1 - 08/02/2024
https://vov.vn/kinh-te/thi-truong-hang-hoa-ngay-giap-tet-suc-mua-tang-hang-hoa-doi-dao-post1076365.vov