Kim ngạch xuất khẩu năm 2024 được nhận định khả quan dựa trên những yếu tố tích cực của kinh tế toàn cầu, nhu cầu tiêu dùng tăng, tình trạng tồn kho giảm và khả năng tận dụng lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do…
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2023 mặc dù giảm 4,4% so với năm trước (ước đạt 355,5 tỷ USD), song vẫn có 35 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó có 7 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD. Dựa trên mục tiêu tăng trưởng GDP của cả nước năm 2024 ở mức 6% - 6,5%, Bộ Công Thương đặt mục tiêu tăng 6% kim ngạch xuất khẩu trong năm nay, tương ứng 377 tỷ USD, cán cân thương mại duy trì trạng thái thặng dư khoảng 15 tỷ USD.
Nhu cầu tiêu dùng tăng mở ra những đơn hàng mới
Kinh tế toàn cầu dần hồi phục, đơn hàng xuất khẩu đang được cải thiện kể từ quý IV/2023,… là những yếu tố để các DN tin tưởng bức tranh thị trường xuất khẩu 2024 khởi sắc hơn trong năm 2024. Ở lĩnh vực dệt may, ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Công ty CP May 10 khẳng định, DN sẽ tập trung và chủ động tìm kiếm, khai thác thị trường trong nước và quốc tế, lo đủ việc làm cho người lao động trong chiến lược đa dạng hóa thị trường, mặt hàng và khách hàng.
Bên cạnh đó, May 10 tiếp tục kiện toàn tổ chức, bộ máy theo hướng tinh gọn và hợp lý; tập trung công tác phục vụ cho sản xuất, nghiên cứu và chuyển đổi sản phẩm. “May 10 đẩy mạnh nghiên cứu sản phẩm mới, chất liệu mới, đồng thời đẩy nhanh tốc độ may mẫu, dập mẫu, chất lượng mẫu,... để làm các đơn hàng khó, kết cấu sản phẩm phức tạp, thời gian giao hàng nhanh,...”, ông Việt cho biết.
Dệt may Việt Nam có nhiều động lực mới về thị trường và đơn hàng trong năm 2024
Từ những dự báo sớm cho thấy có sự cải thiện của nền kinh tế thế giới, nhất là ở Mỹ với tín hiệu có thể có 3 đợt cắt giảm lãi suất lên tới 0,75% trong năm 2024, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho rằng, có nhiều yếu tố tích cực thúc đẩy tiêu dùng trở lại. “Các quốc gia cạnh tranh gặp nhiều vấn đề về lao động, xung đột vũ trang ở trong nước, trong khi Việt Nam là một điểm đến an toàn cũng là động lực mới cho đơn hàng dệt may có nhiều khả năng quay lại Việt Nam trong năm 2024”, Chủ tịch Vinatex nhận định.
Nhìn nhận về triển vọng xuất khẩu rau quả trong năm 2024, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) cho biết, dự báo trong năm 2024, xuất khẩu ngành hàng rau quả sẽ vượt con số 6 tỷ USD. Đặc biệt với thị trường Trung Quốc, ngành hàng này sẽ mở rộng hơn về mặt hàng, quy mô và thị phần trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ vẫn còn rất lớn.
Do đó, để nắm bắt cơ hội, các DN cần áp dụng nông nghiệp sản xuất tốt, đáp ứng tiêu chuẩn, quy định mới mà thị trường nhập khẩu đặt ra. “Các DN cần mở rộng thêm những mặt hàng rau quả xuất khẩu chính ngạch. Nhà nước, nông dân, DN, HTX tiếp tục phải liên kết chặt chẽ, tăng cường năng suất, chất lượng rau quả để đáp ứng yêu cầu của các quốc gia nhập khẩu”, ông Nguyên lưu ý.
Năm 2024, xuất khẩu ngành hàng rau quả được dự báo sẽ vượt con số 6 tỷ USD
Lợi ích từ các FTA tiếp tục được tận dụng
Bước sang năm 2024, tình trạng hàng tồn kho tại nhiều thị trường đang dần được khắc phục. Cùng với đó, các DN trong nước sẽ tiếp tục tận dụng những lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do cho xuất nhập khẩu,…đó là những thuận lợi cho thương mại hàng hóa của Việt Nam.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục hỗ trợ DN tận dụng cam kết trong các Hiệp định FTA để đẩy mạnh xuất khẩu, thông qua tuyên truyền về Quy tắc xuất xứ và cấp Giấy chứng nhận xuất xứ, cơ hội và cách thức tận dụng cơ hội từ các FTA.
“Bộ Công Thương sẽ tăng cường hoạt động cung cấp thông tin thị trường trên nền tảng số cho địa phương, hiệp hội ngành hàng, DN. Bộ cũng sẽ hỗ trợ xây dựng và triển khai hoạt động xúc tiến thương mại tập trung, quy mô lớn, mang tính liên kết vùng cho sản phẩm, ngành hàng có thế mạnh của vùng tại các thị trường mục tiêu”, ông Hải nói.
DN trong nước tiếp tục tận dụng những lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do
Nhận thấy dư địa cho hoạt động xuất khẩu năm 2024 còn rất lớn, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, Việt Nam mới tận dụng được khoảng 30% cơ hội từ các FTA, nên các DN cần nhanh chóng nắm bắt được cơ hội, tận dụng ưu đãi FTA để được hưởng nhiều lợi ích từ thuế suất thấp, ưu đãi từ cơ chế hỗ trợ giữa các thành viên ký kết FTA, thông qua việc gỡ bỏ rào cản phi thuế quan.
“Việc cấp bách lúc này vẫn là đẩy mạnh xúc tiến thương mại với vai trò, trách nhiệm của Bộ Công Thương, các Đại sứ quán cũng như Tham tán thương mại, trong việc giúp DN quảng bá sản phẩm, cung cấp thông tin thị trường cho DN. Đồng thời, cơ quan chức năng cũng cần tăng cường cảnh báo sớm, hỗ trợ DN trong phòng tránh các biện pháp phòng vệ thương mại”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nêu định hướng.
Cũng theo các chuyên gia thương mại, từ những nỗ lực trong đẩy mạnh đàm phán, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu sẽ tiếp tục đem lại nhiều lợi thế cạnh tranh hơn cho hàng xuất khẩu của Việt Nam, trong năm 2024 và những năm tiếp theo.
Mặc dù vậy, để đáp ứng mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu, các DN, Hiệp hội ngành hàng cũng mong muốn công tác hỗ trợ DN tiếp tục được triển khai theo hướng cụ thể, sâu sát theo từng thị trường và ngành hàng. Trong đó, sớm khắc phục những hạn chế của DN Việt Nam hiện nay như cách thức tiếp cận kinh tế tuần hoàn; sản xuất và tiêu dùng bền vững; cập nhật thông tin thị trường và khả năng tự chủ nguyên phụ liệu cũng như tăng cường năng lực sản xuất của DN.
Theo Nguyễn Quỳnh/VOV.VN – 8/2/2024
https://vov.vn/kinh-te/xuat-khau-nam-2024-ky-vong-khoi-sac-tu-nhung-tin-hieu-tich-cuc-post1074934.vov