Khách quốc tế có nhiều cơ hội hiểu hơn về nét đẹp truyền thống Tết Việt trên đất Cố đô qua các chương trình tour tham quan nhà dân, trải nghiệm nấu bánh chưng, bánh tét, đi chợ sắm Tết.
Những ngày giáp Tết Giáp Thìn 2024, nhiều hoạt động tái hiện văn hóa truyền thống, phong tục ngày Tết xứ Huế đặc sắc, hấp dẫn đã được các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch tại Thừa Thiên-Huế tổ chức.
Đặc biệt, khách quốc tế có nhiều cơ hội được tương tác, hiểu hơn về nét đẹp truyền thống Tết Việt trên đất Cố đô qua các chương trình tour tham quan nhà dân, trải nghiệm nấu bánh chưng, bánh tét, đi chợ sắm Tết.
Tết Huế trong lòng khách quốc tế
Những ngày này, khắp các con phố xứ Huế tràn ngập không khí rộn ràng. Làn khói nghi ngút của những nồi bánh chưng xanh báo hiệu Tết Giáp Thìn 2024 đang đến gần.
Tại Trầm Homestay (phường Kim Long, thành phố Huế), gia chủ cùng những người dân và khách quốc tế đang quây quần bên nhau để gói bánh chưng, bày biện mâm cúng Tất niên và chơi các trò chơi dân gian.
Nhiều du khách quốc tế tỏ ra thích thú và cảm thấy ấm áp khi được cùng mọi người chuẩn bị ngày Tết như một đại gia đình.
Tuy gặp khó khăn trong ngôn ngữ giao tiếp nhưng dưới thao tác chỉ dẫn từ tốn của các dì, các mẹ, những vị khách ngoại quốc đã có thể tự tay gói cho mình những chiếc bánh chưng vuông vức, chắc chắn với lá dong, lạt tre.
Du khách quốc tế tham gia chơi các trò chơi dân gian. (Ảnh: Tường Vi/TTXVN)
Du khách Anton Schoderboeck (đến từ Australia) cho hay, anh đặc biệt ấn tượng khi mọi người tiết lộ rằng để có được một chiếc bánh chưng, họ đã phải chuẩn bị, tuyển chọn nhiều nguyên liệu cầu kỳ và công đoạn luộc bánh cũng rất công phu. Tuy vậy, mọi người vẫn không mệt mỏi mà vui vẻ cùng nhau trang trí nhà cửa, làm nhiều món ăn truyền thống cho dịp này.
Chị Đinh Thị Phương Thy, chủ cơ sở Trầm Homestay tiết lộ nhân dịp Tết đến, cơ sở tổ chức các hoạt động trải nghiệm phong phú để du khách muôn nơi, đặc biệt là khách quốc tế được tham gia, tự tay làm bánh chưng, bánh tét, viết chữ thư pháp.
Các không gian tái hiện nét đẹp văn hóa Tết của người dân xứ Huế đảm bảo vui tươi, ấm áp, thân thiện với khách du lịch. Sau khi được nấu chín, 300 cặp bánh chưng, bánh tét sẽ được trao tặng cho những hoàn cảnh khó khăn, neo đơn, lang thang trên địa bàn thành phố.
"Đó là cách mà chúng tôi muốn lan tỏa văn hóa Tết Việt nói chung và Tết Huế nói riêng vươn xa khỏi lãnh thổ đất nước hình chữ S; đồng thời giới thiệu đến bạn bè năm châu về truyền thống "tương thân tương ái," "lá lành đùm lá rách" của người Việt" - chị Thy bộc bạch.
Đa dạng trải nghiệm Tết
Đầu năm 2024, ngành Du lịch Cố đô Huế đón nhận nhiều tin vui khi được khách du lịch quốc tế bình chọn là một trong những điểm đến văn hóa hàng đầu thế giới, là một trong những điểm đến ở châu Á mà du khách không thể bỏ qua trong hành trình du lịch năm 2024.
Tổ chức đa dạng trải nghiệm Tết dành cho những vị khách nước ngoài dịp Tết Nguyên đán chính là cách ngành Du lịch tỉnh Thừa Thiên-Huế quảng bá, chứng minh cho những bình chọn này.
Không chỉ các cơ sở kinh doanh dịch vụ hay lưu trú, nhiều doanh nghiệp lữ hành đã tung ra thị trường các tour thiết kế trải nghiệm văn hóa độc đáo dịp Tết nhằm gây ấn tượng với du khách và tạo hiệu ứng tốt cho năm mới.
Du khách quốc tế được tặng chữ dịp Tết. (Ảnh: Tường Vi/TTXVN)
Điển hình như Chương trình tham quan nhà dân từ ngày 29 Tết của Công ty Cổ phần Du lịch Hà Nội - Chi nhánh Huế. Tại đó, du khách sẽ được hòa mình vào không khí Tết cổ truyền, cùng người dân gói bánh, làm mứt, đi chợ sắm sửa, trang trí nhà và đi tảo mộ.
Bà Dương Thị Công Lý, Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch Hà Nội-Chi nhánh Huế cho biết, du khách rất hào hứng khi nghe giới thiệu những trải nghiệm này bởi họ được khám phá nét đẹp văn hóa ngày Tết của Việt Nam trên mảnh đất giàu truyền thống văn hóa Cố đô Huế. Hiện đã có đoàn du khách Thụy Sỹ với hàng chục người xác nhận tham gia chương trình trải nghiệm này.
Lượng khách du lịch đến Thừa Thiên-Huế trong tháng đầu tiên của năm 2024 tăng hơn 25% so với cùng kỳ năm 2023, đặc biệt là khách quốc tế. Du lịch Cố đô hứa hẹn sẽ nóng lên dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 vì đây là thời gian cao điểm của du lịch.
Theo Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên-Huế Nguyễn Văn Phúc, công suất đặt phòng hiện nay của các resort, khách sạn, cơ sở lưu trú đạt 65%. Các điểm di tích, du lịch sẽ đón khoảng 100.000 lượt khách trong 9 ngày (từ 7-15/2); trong đó, khách quốc tế chiếm 55%. Lượng khách sẽ tăng đột biến từ mùng 2-4 Tết.
Để đáp ứng nhu cầu của khách khám phá văn hóa Cố đô, ngành Du lịch địa phương khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở chuẩn bị phong phú hoạt động chào đón, tạo dấu ấn với khách bằng ẩm thực cổ truyền, nghi lễ truyền thống đặc sắc.
Ngoài ra, các đơn vị lữ hành đưa vào chương trình tour những hoạt động du Xuân, hội chợ, lễ hội truyền thống như: Vật làng Sình, Đu tiên từ mồng 1 Tết để giới thiệu đến các khách du lịch - ông Nguyễn Văn Phúc cho biết.
Sau nhiều năm tu bổ, điện Thái Hòa và điện Kiến Trung (Đại nội Huế) sẽ mở cửa đón khách tham quan dịp Tết Giáp Thìn. Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế sẽ có các chương trình nhằm đưa du khách trở về với Tết Hoàng Cung xưa. Đây là những gợi ý hấp dẫn cho chuyến hành trình du Xuân của du khách, đặc biệt là khách quốc tế muốn tìm hiểu về di tích văn hóa thế giới.
Mỗi địa phương, đơn vị đều có những không gian lễ hội cổ truyền riêng. Việc tổ chức các hoạt động tái hiện khung cảnh Tết xưa, Tết Huế với nhiều trải nghiệm nhằm làm đa dạng, phong phú hơn nữa các hoạt động văn hóa truyền thống, vui chơi, giải trí… giúp Tết truyền thống của Việt Nam đến gần hơn với du khách, đặc biệt là khách quốc tế đến Thừa Thiên-Huế dịp đầu năm mới./.
Theo (TTXVN/Vietnam+) – 9/2/2024
https://www.vietnamplus.vn/khach-quoc-te-trai-nghiem-tet-co-truyen-viet-nam-tren-dat-co-do-hue-post927286.vnp