Cập nhật: 12/02/2024 11:13:00
Xem cỡ chữ

Những ngày đầu Xuân Giáp Thìn 2024, tại các di tích lịch sử văn hóa của tỉnh Hưng Yên, mỗi ngày có hàng nghìn lượt người đến tham quan, chiêm bái các di tích thắng cảnh.

Người dân và du khách đến tham quan, chiêm bái tại đền Trần, thành phố Hưng Yên. (Ảnh: Đinh Văn Nhiều/TTXVN)

Người dân và du khách đến tham quan, chiêm bái tại đền Trần, thành phố Hưng Yên. (Ảnh: Đinh Văn Nhiều/TTXVN)

Những ngày đầu Xuân Giáp Thìn 2024, tại các di tích lịch sử văn hóa như Khu di tích Quốc gia Đặc biệt Phố Hiến, thành phố Hưng Yên; Di tích Quốc gia Đặc biệt chùa Thái Lạc và chùa Nôm ở huyện Văn Lâm; Di tích Quốc gia Đặc biệt đền An Xá ở huyện Tiên Lữ… mỗi ngày có hàng nghìn lượt người đến tham quan, chiêm bái các di tích thắng cảnh.

Những ngày này tại các địa danh thuộc Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Phố Hiến như chùa Chuông, đền Mẫu, đền Trần, đình chùa Hiến, Văn Miếu Xích Đằng… có rất đông du khách đến tham quan, chiêm bái, cầu sức khỏe, bình an đến với gia đình.

Trưởng Ban Quản lý di tích tỉnh Hưng Yên Nguyễn Thị Thu Hường cho biết vào thế kỷ 16-17, Phố Hiến, tỉnh Hưng Yên, là một thương cảng cổ nổi tiếng của Việt Nam, là một đô thị trải dài theo bờ tả ngạn sông Hồng. Cùng với kinh đô Thăng Long - nơi phồn vinh nhất nước, Phố Hiến là một đô thị nổi bật đứng ở vị trí thứ hai với câu ca: “Thứ nhất kinh kỳ, thứ nhì Phố Hiến.” Bang giao cùng thiên hạ, Phố Hiến là thương cảng lớn nhất Đàng Ngoài, nơi hội tụ giao lưu của các thương gia đến từ các nước Hà Lan, Anh, Pháp, Trung Hoa...

Khu di tích Phố Hiến cũng là một quần thể các công trình kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu mang những dấu ấn riêng, thể hiện những giá trị độc đáo trong hệ thống đô thị cổ Việt Nam. Phố Hiến khởi nguồn trong thời kỳ hưng thịnh được dân bản địa và thương nhân nước ngoài xây dựng nên các công trình kiến trúc tuyệt vời như bến cảng, thương điếm, đền đình chùa. Trong đó, nhiều công trình mang mang vẻ đẹp đặc trưng văn hóa Việt, một số công trình có sự kết hợp hài hòa tinh xảo với kiến trúc phương Tây nhưng vẫn mang đậm hồn Việt.

Phố Hiến ngày nay vẫn còn nhiều công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo, minh chứng cho thời kỳ phát triển rực rỡ của một "Tiểu Tràng An" xưa, là di sản vô giá của kho tàng văn hóa dân tộc và nhân loại. Nổi bật trong đó là những công trình kiến trúc thuần Việt như Chùa Chuông, chùa Nễ Châu, đình chùa Hiến, đền Mẫu, đền Trần, đền Mây, đền Kim Đằng, Văn Miếu Xích Đằng...

ttxvn_cac_diem_di_tich_o_hung_yen_hut_khach_dip_dau_xuan_moi_giap_thin.jpg

Người dân và du khách đến tham quan, chiêm bái tại chùa Chuông, thành phố Hưng Yên. (Ảnh: Đinh Văn Nhiều/TTXVN)

Bên cạnh đó, Phố Hiến còn có những công trình kiến trúc của người Việt kết hợp với kiến trúc Trung Hoa và phương Tây như Đông đô Quảng Hội, đền Thiên Hậu, chùa Phố, Võ Miếu. Chính những nét độc đáo này đã tạo nên quần thể khu di tích quốc gia đặc biệt Phố Hiến in sâu trong lòng du khách.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Hường, để tạo điều kiện thuận lợi cho du khách đến tham quan, chiêm bái dịp đầu năm mới, Ban Quản lý di tích tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương trong việc đảm bảo an ninh, an toàn tại các địa điểm di tích, qua đó góp phần bảo lưu những giá trị văn hóa truyền thống cổ xưa trên đất Phố Hiến-Hưng Yên.

Anh Đinh Ngọc Tú, ở huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định chia sẻ năm nào cũng vậy, đến sáng mùng 2 Tết anh lại cùng vợ con về quê ngoại Hưng Yên để ăn Tết. Trước khi về nhà ngoại, anh cùng vợ con đã ra đền Mẫu, ở thành phố Hưng Yên để cầu sức khỏe, bình an cho gia đình.

Còn đối với chị Nguyễn Thị Lan, phường Quang Trung, thành phố Hưng Yên, đền Mẫu là ngôi đền mang nhiều nét kiến trúc độc đáo và được bao phủ bởi bóng của 3 cây cổ thụ gồm đa, sanh, si xoắn bện vào nhau rất đặc biệt và vững chãi như bàn tay của mẹ đón các con trở về. Đền Mẫu là biểu tượng cao đẹp về truyền thống nhân nghĩa của người Phố Hiến- Hưng Yên nên năm nào cũng vậy cứ đến mùng 2 Âm lịch, chị lại ra đền để cầu những điều tốt lành đến với gia đình.

ttxvn_cac_dia_diem_di_tich_o_hung_yen_hut_khach_dip_dau_nam_moi1.jpg

Người dân và du khách đến tham quan, chiêm bái tại đền Mẫu, thành phố Hưng Yên. (Ảnh: Đinh Văn Nhiều/TTXVN)

Theo Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia Đăng Duy Bài, làng Nôm chính là “biểu trưng” của văn hóa làng Việt, nơi bao chứa một quần thể di tích cổ kính gồm cổng làng, giếng nước, sân đình, chùa Nôm, những ngôi nhà truyền thống và độc đáo nhất chính là chiếc cầu đá. Đây chính là “báu vật trăm năm” của Hưng Yên còn lưu giữ được những nét văn hóa đặc sắc và tiêu biểu đại diện cho di sản văn hóa làng ở Bắc bộ. Làng Nôm chính là khởi nguồn, dung dưỡng và trao truyền các giá trị di sản văn hóa quốc gia.

Thay vì về quê Nam Định ăn Tết như mọi năm, năm nay gia đình anh Mai Xuân Hải, trú tại huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên, đã chọn làng Nôm là địa điểm du Xuân dịp đầu năm mới. Anh Hải cho biết làng Nôm còn lưu giữ được nhiều nét cổ kính với cây đa, bến nước, sân đình nên dịp đầu năm mới anh cùng vợ con đến đây để tham quan, trải nghiệm và giúp các con hiểu được những giá trị truyền thống, những hương vị của làng quê xưa.

Tỉnh Hưng Yên hiện có 1.802 di tích lịch sử văn hóa; trong đó có 3 di tích, khu di tích được xếp hạng Di tích Quốc gia Đặc biệt, 175 di tích và cụm di tích được xếp hạng cấp Quốc gia, 7 hiện vật, nhóm hiện vật được công nhận là Bảo vật Quốc gia, cùng hàng ngàn tài liệu, hiện vật, cổ vật có giá trị.

Hưng Yên còn là nơi lưu giữ hơn 500 lễ hội truyền thống mang đậm văn hóa, phong tục Việt như Lễ hội Văn hóa dân gian Phố Hiến (thành phố Hưng Yên), Lễ hội Chử Đồng Tử-Tiên Dung (Khoái Châu), Lễ hội cầu mưa ở Lạc Hồng (Văn Lâm), Lễ hội đền Đậu An (Tiên Lữ)..., cùng hàng trăm làng nghề truyền thống như Hương xạ thôn Cao, đan đó Thủ Sỹ, hoa - cây cảnh Văn Giang, đúc đồng Lộng Thượng. Tỉnh cũng có nhiều đặc sản nổi tiếng hấp dẫn du khách như: nhãn lồng, gà Đông Tảo, bún thang lươn, chè sen long nhãn.

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hưng Yên Đỗ Hữu Nhân cho biết để những di tích lịch sử, lễ hội truyền thống thực sự trở thành nét đẹp văn hóa của địa phương, thời gian qua, Sở đã tăng cường các hoạt động quản lý lễ hội, quản lý di tích; triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 13-NQ/TU của Tỉnh ủy về chương trình bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, di tích lịch sử gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2020-2025.

Trong số đó, trọng tâm là quan tâm công tác bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa; chú trọng phục hồi những nghi lễ truyền thống, khai thác các trò chơi dân gian, những nét văn hóa bản sắc của từng địa phương trong tổ chức lễ hội và xác định đây là nhiệm vụ quan trọng để di tích, lễ hội được giữ gìn, truyền lại cho các thế hệ sau; phấn đấu xây dựng Hưng Yên trở thành trung tâm di sản văn hóa đặc sắc tại khu vực Đồng bằng sông Hồng và cả nước, một điểm đến an toàn, thân thiện và hấp dẫn./.

Theo (TTXVN/Vietnam+)– 12/2/2024

https://www.vietnamplus.vn/cac-dia-diem-di-tich-lich-su-o-hung-yen-hut-khach-dip-dau-nam-moi-post927559.vnp#google_vignette