Lễ khai Xuân Hoàng thành Thăng Long là nghi lễ Tết tiêu biểu của cung đình xưa nằm trong chuỗi hoạt động Tết Việt chào Xuân Giáp Thìn 2024 do Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long-Hà Nội tái hiện.
Du khách tham quan điện Kính Thiên tại Hoàng thành Thăng Long. (Ảnh: TTXVN phát)
Ngày 18/2 (mùng 9 tháng Giêng), Lễ dâng hương khai Xuân Giáp Thìn 2024 tại Điện Kính Thiên - Khu Di sản Hoàng thành Thăng Long do Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long-Hà Nội phối hợp với Hội Di sản Văn hóa Thăng Long-Hà Nội tổ chức, đã diễn ra với nhiều nghi thức đặc sắc.
Đây là nghi lễ Tết tiêu biểu của cung đình xưa nằm trong chuỗi hoạt động Tết Việt chào Xuân Giáp Thìn 2024 do Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long-Hà Nội tái hiện.
Lễ dâng hương được tổ chức thường niên với ý nghĩa hướng về cội nguồn tiên tổ, tri ân công đức các bậc tiên đế, các vị vua anh minh, các bậc hiền tài có công với nước, đồng thời tôn vinh các giá trị truyền thống của Thăng Long-Hà Nội.
Nhiều nghi thức truyền thống được tổ chức trang trọng như: Lễ dâng hương, lễ khai ấn, tế lễ, lễ rước, biểu diễn trống hội và múa Rồng.Tham gia lễ dâng hương khai Xuân có các đại biểu Trung ương, thành phố Hà Nội.
Tham gia thực hành nghi lễ có các đội Rồng làng Triều Khúc (xã Tân Triều, huyện Thanh Trì); đội trống hội Đông Anh; đội tế nam Hoàng Mai; đội dâng hương nữ đình, đền Sở Thượng (phường Yên Sở, quận Hoàng Mai) cùng hội viên các Chi hội thuộc Hội Di sản Văn hóa Thăng Long-Hà Nội.
Chương trình mở màn bằng màn biểu diễn trống hội Thăng Long thể hiện khí phách hào hùng của Thăng Long-Hà Nội ngàn năm văn hiến và màn múa Rồng tái hiện hình ảnh con Rồng cháu Tiên, với mong ước mưa thuận gió hòa, nhân khang vật thịnh, quốc thái dân an, nêu cao tinh thần thượng võ và truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc.
Khu di tích Hoàng thành Thăng Long rực rỡ sắc Xuân, thu hút đông đảo du khách tham quan. (Ảnh: TTXVN phát)
Tiếp đến là lễ dâng hương của các đại biểu tại Điện Kính Thiên và nghi thức khai ấn bên trong Điện Kính Thiên.
Phần tế lễ diễn ra với đoàn rước từ Đoan Môn vào sân Điện Kính Thiên, biểu diễn trống hội và múa Rồng, hành lễ tế nam quan (dâng chúc văn lễ dâng hương), dâng hương nữ và lễ dâng hương của các đoàn.
Khu Di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long-Hà Nội có diện tích 20ha, bao gồm khu khảo cổ học 18 Hoàng Diệu và các di tích còn sót lại trong khu di tích thành cổ Hà Nội như Bắc Môn, Đoan Môn, Hậu Lâu, rồng đá điện Kính Thiên, nhà con rồng, nhà D67 và cột cờ Hà Nội.
Cụm di tích này được bao bọc bởi 4 con đường: phía Bắc là đường Phan Đình Phùng, phía Nam là đường Điện Biên Phủ, phía Đông là đường Nguyễn Tri Phương và phía Tây là đường Hoàng Diệu.
Khu di tích Hoàng thành Thăng Long được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới năm 2010, với những giá trị di sản, kiến trúc, văn hóa được kết tinh qua hàng nghìn năm lịch sử.
Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long-Hà Nội là nơi ghi đậm dấu ấn những giá trị biểu đạt văn hóa và những sự kiện mang tầm vóc ý nghĩa toàn cầu. Những giá trị nổi bật toàn cầu của khu di sản được ghi nhận bởi 03 đặc điểm nổi bật: chiều dài lịch sử văn hóa; tính liên tục của tài sản với tư cách là một trung tâm quyền lực, và các tầng di tích di vật đa dạng, phong phú.
Những di tích trên mặt đất và khai quật được trong lòng đất tại khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long-Hà Nội là minh chứng đặc sắc về quá trình giao lưu văn hóa lâu dài, là nơi tiếp nhận nhiều ảnh hưởng văn hóa từ bên ngoài, nhiều học thuyết, tư tưởng có giá trị toàn cầu của văn minh nhân loại, đặc biệt Phật giáo, Nho giáo, thuyết phong thủy, mô hình vương thành phương Đông, mô hình kiến trúc quân sự phương Tây, đến từ Trung Hoa, Champa, Pháp, để tạo dựng nên những nét độc đáo, sáng tạo của một Trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của một quốc gia vùng châu thổ sông Hồng.
Kết quả giao thoa, tiếp biến văn hóa đó được biểu đạt trong tạo dựng cảnh quan, qui hoạch các khu cung điện, trong nghệ thuật kiến trúc và nghệ thuật trang trí cung đình với diễn biến văn hóa đa dạng qua các thời kỳ lịch sử.
Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long-Hà Nội còn là minh chứng duy nhất về truyền thống văn hóa lâu đời của người Việt ở châu thổ sông Hồng trong suốt lịch sử liên tục 13 thế kỷ và vẫn được tiếp nối cho đến ngay nay.
Những tầng văn hóa khảo cổ, di tích kiến trúc và nghệ thuật của di sản phản ánh một chuỗi lịch sử nối tiếp nhau liên tục của các vương triều cai trị đất nước Việt Nam trên các mặt tư tưởng, chính trị, hành chính, luật pháp, kinh tế và văn hoá trong gần một ngàn năm.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dâng hương tại Điện Kính Thiên, Khu di tích Hoàng thành Thăng Long-Di sản văn hóa thế giới. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)
Ngoài ra, khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long-Hà Nội minh chứng rõ nét về một di sản có liên hệ trực tiếp với nhiều sự kiện trọng đại của lịch sử của một quốc gia dân tộc vùng Đông Nam Á trong mối quan hệ khu vực và thế giới.
Để thu hút du khách đến tham quan, Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long-Hà Nội xây dựng nhiều tour du lịch giúp khách khám phá, trải nghiệm các giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc. Các tour du lịch này phù hợp với từng nhu cầu của các đối tượng khách và thời gian khách tham quan ở đây.
Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long-Hà Nội đã nghiên cứu tái hiện nhiều nghi lễ cung đình dịp Tết Nguyên đán như Lễ cúng táo quân, lễ tiến lịch, lễ tiến xuân ngưu (lễ rước trâu đất và thần Câu mang), lễ phất thức (lau rửa và niêm phong ấn), lễ cáp hưởng (mời các vị tiên đế về ăn Tết), lễ thướng tiêu (dựng cây nêu), lễ khai hạ (hạ cây nêu), lễ khai ấn (mở ấn)...
Việc tái hiện nhằm phát huy giá trị các nghi lễ Tết tiêu biểu của cung đình cũng như các giá trị văn hóa Thăng Long-Hà Nội./.
Theo (Vietnam+) – 18/2/2024
https://www.vietnamplus.vn/khai-xuan-o-hoang-thanh-thang-long-phat-huy-gia-tri-van-hoa-thang-long-ha-noi-post928268.vnp