Cập nhật: 21/02/2024 11:29:00
Xem cỡ chữ

Vào đêm ngày 14, rạng sáng ngày 15 tháng giêng âm lịch tức ngày 23-24/2 tới, Lễ hội Khai ấn đền Trần tại phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định sẽ diễn ra. Trước lễ Khai ấn đền Trần, sáng nay tại Nam Định, diễn ra nghi lễ "rước nước, tế cá" - một trong những nghi lễ nghi quan trọng khuyến nông, khuyến ngư, nhằm tri ân tổ tiên nhà Trần - vương triều khởi nghiệp từ nghề chài lưới.

Nghi lễ "rước nước, tế cá" bắt đầu từ đền Cố Trạch, kiệu rước nước được đưa tới trước giếng Giồng. Ông chủ tế dùng gàu múc nước từ giếng lên, rồi đậy nắp chóe, phủ vải điều. Song song với quy trình lấy nước, đội ngư dân tích cực bắt cá và lựa chọn những con to, khỏe nhất, thả lên kiệu Long Ngư và đưa về tế. Cá được chọn tế gồm cá Long Ngư (tức cá chép) và cá Chiều Đầu (tức cá quả).

Theo truyền thuyết, tên 2 loài cá này gắn với tên hai vị tổ họ trần là Trần Kinh và Trần Lý. Sử sách ghi lại, lần cuối cùng nghi lễ "rước nước tế cá" được cư dân ở đây thực hiện là vào năm 1914, nghi lễ này giờ đây được phục hồi đáp ứng niềm mong mỏi của nhân dân.

le hoi den tran 2024 le ruoc nuoc, te ca - nhac nho truyen thong to tien hinh anh 1

Nghi lễ "rước nước, tế cá" bắt đầu từ đền Cố Trạch

le hoi den tran 2024 le ruoc nuoc, te ca - nhac nho truyen thong to tien hinh anh 2

Ông chủ tế dùng gàu múc nước từ giếng lên, rồi đậy nắp chóe, phủ vải điều.

Ông Trần Khắc Hiếu, phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định cho biết: "Rước nước, tế cá" là nghề cha ông của chúng tôi từ thời Trần cho đến nay, đã để mai một đến hàng trăm năm nay rồi mà khôi phục lại. Chúng tôi cảm thấy "rước nước, tế cá" này nên được duy trì mãi mãi".

Đoàn rước đưa kiệu nước và cá về đền Thiên Trường và thực hiện lễ tế, nước trong bình được chuyển sang các bát, dâng lên bàn thờ và tiến hành tế nước. Sau khi tế xong, lộc nước này được ban cho con cháu uống để nhắc nhở không quên nguồn gốc tổ tiên. Sau lễ tế, cá được phóng sinh ra sông Hồng. Nghi lễ khôi phục được thực hiện trên nguyên tắc người dân tham gia phải là chủ nhân tổ chức lễ hội.

Cụ Trần Huy Chiến, Trưởng từ đền Trần, phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định cho hay: "Xa xưa, các cụ thấy rằng, cụ tổ của mình là dân chài lưới "quăng chài, thả lưới, buông câu, đăng đó, vó lờ" lênh đênh trên sông nước. Từ đất Quảng Ninh, cứ trên bờ sông ta đi về hương Tức Mặc. Cụ thấy mảnh đất đẹp, có vượng khí, có linh khí thì cắm sào dừng chân, lập nghiệp và xây dựng miếu ở đây. Lễ "rước nước tế cá" cũng là nhằm tri ân công đức tổ tiên chúng ta là dân chài lưới. Nghi lễ để lại truyền thống cho con cháu nhà Trần tại hương Tức Mặc (Phủ Thiên Trường). Tôi thấy đã thấm đẫm qua nhiều thế hệ. Cho nên việc phục dựng lại những nghi lễ ấy đối với con cháu nhà Trần thì rất thành thạo vì đã được đời này chuyền qua kia trăm năm".

le hoi den tran 2024 le ruoc nuoc, te ca - nhac nho truyen thong to tien hinh anh 3

Đây là một nghi lễ quan trọng nhằm khuyến nông, khuyến ngư

le hoi den tran 2024 le ruoc nuoc, te ca - nhac nho truyen thong to tien hinh anh 4

Sau lễ tế, cá được phóng sinh ra sông Hồng

Việc nghiên cứu tổ chức nghi lễ "rước nước, tế cá" được thực hiện nhằm đảm bảo trả lại cho lễ hội Khai ấn đền Trần vai trò là một lễ hội truyền thống có nhiều ý nghĩa nhân văn và lịch sử cần được trao truyền cho hậu thế. Điều này được nhiều người dân và du khách thập phương hưởng ứng.

Được phục dựng lại từ năm 2014, nghi lễ "rước nước, tế cá" được khôi phục sau 100 năm bị thất truyền đã trở thành nghi lễ quan trọng trong Lễ hội khai ấn Đền Trần, tỉnh Nam Định vào những ngày đầu xuân.

Theo Lại Hoa/VOV1 – 21/2/2024

https://vov.vn/van-hoa/le-hoi-den-tran-2024-le-ruoc-nuoc-te-ca-nhac-nho-truyen-thong-to-tien-post1078000.vov