Cập nhật: 23/02/2024 07:30:00
Xem cỡ chữ

Tối 22/2, tức ngày 13 tháng Giêng, tại Di tích Quốc gia đặc biệt Khu lăng mộ và đền thờ các vị vua nhà Trần (Hưng Hà, Thái Bình) đã chính thức diễn ra Khai mạc lễ hội đền Trần tỉnh Thái Bình năm 2024.

Tiết mục văn nghệ mở đầu buổi tối khai mạc Lễ hội Đền Trần huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Tiết mục văn nghệ mở đầu buổi tối khai mạc Lễ hội Đền Trần huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Lễ hội đền Trần Thái Bình tại Di tích quốc gia đặc biệt Khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần là hoạt động văn hóa tâm linh đầu Xuân được tổ chức hằng năm nhằm tưởng nhớ, tri ân công lao to lớn của các bậc tiền nhân trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ đất nước.

Đặc biệt trong lễ khai mạc năm nay có màn trình chiếu ánh sáng 3D-Mapping: 'Hào khí Đông A - Tiếng vọng ngàn năm". Tiết mục tái hiện lại những trận đánh oanh liệt của quân và dân nhà Trần trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước trước những vó ngựa ngoại bang xâm lăng. Vở diễn còn khẳng định một "Hào khí Đông A" luôn vang vọng.

Phát biểu tại buổi khai mạc, bà Trần Thị Bích Hằng- Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Bình nhấn mạnh vùng đất Long Hưng - Hưng Hà là nơi phát tích, dựng nghiệp Vương triều Trần. Nơi đây chứa đựng những dấu ấn lịch sử, gắn chặt với Triều đại nhà Trần, là nơi gia tộc nhà Trần dấy nghiệp, cũng là nơi yên nghỉ của các liệt tổ nhà Trần.

vnp_2.JPG

Bà Trần Thị Bích Hằng- phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Bình phát biểu tại buổi lễ khai mạc. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước hào hùng của dân tộc Việt Nam, nhà Trần là một trong những triều đại huy hoàng để lại nhiều chiến công hiển hách với 3 lần chiến thắng giặc Nguyên Mông.

Sức mạnh của nước Đại Việt thời nhà Trần bắt nguồn từ sức sống mãnh liệt, từ nền văn hóa hàng ngàn năm của dân tộc, từ lòng yêu nước, chí khí đấu tranh bất khuất, trí thông minh, sáng tạo được tôi luyện trong quá trình chống giặc ngoại xâm.

Bởi lẽ đó, Lễ hội mang đậm giá trị nhân văn, dấu ấn văn hóa, có ý nghĩa lịch sử lớn lao, kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, thể hiện nét văn hóa đặc sắc của mảnh đất, con người Thái Bình và vùng đất Long Hưng - Hưng Hà.

Lễ hội đền Trần đã được khôi phục và duy trì vào ngày 13 tháng Giêng hằng năm theo đúng định lệ cổ truyền với nhiều lễ thức cổ truyền mang đậm tính nhân văn cùng những trò chơi, trò diễn dân gian truyền thống có cội nguồn từ thời Trần như tục thi cỗ cá, tục rước nước cùng nhiều mỹ tục khác đã được duy trì nghiêm cẩn và bền vững.

Trước buổi tối khai mạc diễn ra, các nghi lễ truyền thống như Tế mở cửa đền, Lễ dâng hương tại khu lăng mộ các vua Trần, Lễ rước nước đã được tổ chức vào buổi chiều ngày 22/2/2024.

Lễ rước nước được coi là nghi lễ quan trọng nhất, tái hiện cuộc sống trước kia của tổ tiên nhà Trần trước khi lên làm vua gắn với nghề chài lưới trên sông nước. Ngày nay, nghi lễ này đã trở thành nghi thức gắn với tín ngưỡng cầu nước, cầu cho mùa màng tươi tốt cũng như báo công đến các vị vua của cư dân vùng châu thổ sông Hồng sau một năm sản xuất.

Đối với phần hội, có rất nhiều hoạt động sôi nổi, ngoài duy trì các hoạt động như năm 2023 gồm: Triển lãm nhiếp ảnh mỹ thuật, thi pháo đất, thi gói bánh chưng, thi cỗ cá, thi kéo lửa nấu cơm cần, kéo co..., Ban tổ chức năm nay đưa thêm vào lễ hội một số hoạt động độc đáo khác như: Liên hoan hát văn, hội thi viết thư pháp, thi têm trầu cánh phượng, giải vật cầu, cờ tướng.

Ông Nguyễn Tiến Bộ (Hưng Hà, Thái Bình) chia sẻ: “Năm nào tôi cũng tham gia lễ hội đền Trần, đặc biệt năm nay rất ấn tượng với màn trình diễn nghệ thuật tái hiện các trận đánh của vương triều nhà Trần.”

Lễ hội sẽ được tổ chức trong 05 ngày, từ ngày 22/02/2024 đến ngày 26/02/2024 (tức ngày 13 đến ngày 17 tháng Giêng)./.

Theo (Vietnam+) – 22/2/2024

https://www.vietnamplus.vn/khai-mac-le-hoi-den-tran-tinh-thai-binh-vang-vong-hao-khi-dong-a-post928770.vnp