Ở tình trạng trĩ nhẹ có thể giảm bớt triệu chứng bệnh bằng cách thay đổi một số thói quen hàng ngày.
Bệnh trĩ về cơ bản chủ yếu có 2 loại, bao gồm trĩ nội và trĩ ngoại. Trường hợp người bệnh có cả hai, thì gọi là trĩ hỗn hợp.
- Trĩ nội: Búi trĩ gọi là trĩ nội khi nằm bên trong hậu môn (trên đường lược).
- Trĩ ngoại: Búi trĩ gọi là trĩ ngoại khi nằm ngay dưới da bên ngoài hậu môn.
Phân độ bệnh trĩ
- Đối với trĩ ngoại thì không có phân độ nặng nhẹ.
- Trĩ nội, hay phần nội của trĩ hỗn hợp được phân độ như sau:
Độ 1: Búi trĩ nằm hoàn toàn trong ống hậu môn và chưa bị lòi ra ngoài.
Độ 2: Búi trĩ lòi ra ngoài khi đi đại tiện, có thể tự chui vào sau đi tiêu.
Độ 3: Búi trĩ lòi ra ngoài khi đi tiêu và cần phải dùng tay đẩy vào.
Độ 4: Búi trĩ thường xuyên sa ra ngoài, ngay cả khi người bệnh không đi tiêu, như khi ngồi xổm, làm việc nặng hoặc đi lại nhiều. Lúc này trĩ gây nhiều khó khăn cho việc đại tiện và sinh hoạt.
Biểu hiện của bệnh trĩ và cách xử trí
Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh trĩ có thể bao gồm:
-
Có máu đỏ tươi trong phân, dính trên giấy vệ sinh hoặc trong bồn cầu.
-
Khối sưng đau sa ra ngoài hậu môn.
-
Đau rát hậu môn.
-
Ngứa hậu môn.
Những triệu chứng của bệnh trĩ có thể giống với một số bệnh lý khác như: Ung thư trực tràng, ung thư hậu môn, nứt hậu môn.
Cần làm gì để giảm bớt triệu chứng của bệnh trĩ?
Ở tình trạng trĩ nhẹ, các triệu chứng có thể giảm bớt bằng cách thay đổi một số thói quen hàng ngày, có thể áp dụng những cách sau:
- Ăn nhiều chất xơ: Trái cây, rau quả, ngũ cốc, chất xơ sẽ giúp làm mềm phân và tăng khối lượng phân, điều này sẽ làm giảm tình trạng rặn nhiều khi đi đại tiện, vì đây là một trong những nguyên nhân gây nên bệnh trĩ. Tuy nhiên, nên dung nạp chất xơ từng ít một và chia làm nhiều lần trong ngày để tránh các vấn đề về xì hơi.
- Uống nhiều nước: Uống từ 1,5 - 2 lít nước hàng ngày. Không nên uống thức uống chứa cồn và cafein.
- Tránh rặn: Giữ hơi và rặn trong khi đi đại tiện sẽ làm tăng áp lực lên các búi tĩnh mạch đoạn trực tràng thấp.
- Đi đại tiện ngay khi cần "giải quyết": Nếu bạn trì hoãn, cơn đau bụng đi tiêu sẽ trôi qua, phân sẽ khô hơn và khó đi tiêu hơn.
Bệnh trĩ thực chất là các tĩnh mạch ở cạnh hậu môn và phần dưới của trực tràng bị phình ra.
- Tập thể dục: Tập thể dục giúp ngăn ngừa táo bón, giảm đi phần trọng lượng cơ thể dư thừa góp phần hình thành nên bệnh trĩ. Tuy nhiên, nên tập các bài thể dục nhẹ nhàng như dưỡng sinh, đi bộ, chạy bộ… tránh các môn thể thao nặng như thể hình, cử tạ…
- Tránh ngồi hoặc đứng trong một khoảng thời gian dài: Ngồi quá lâu, đặc biệt là ngồi lâu trong nhà vệ sinh có thể làm tăng áp lực lên tĩnh mạch.
- Ngâm hậu môn trong nước ấm: Có thể ngâm hậu môn trong nước ấm pha muối loãng từ 10 - 15 phút mỗi lần, 2 - 3 lần mỗi ngày. Ngâm hậu môn sẽ giúp người bệnh dễ chịu, giảm tình trạng ngứa, sưng đau hậu môn.
Lưu ý: Ngâm trong bồn tắm hoặc một chiếc thau to, ngồi hẳn mông xuống ngâm, không được ngồi xổm.
- Sử dụng thuốc bôi theo tư vấn của bác sĩ để giảm bớt sự khó chịu: Tránh sử dụng các sản phẩm có chứa steroid, vì sử dụng lâu dài có thể gây mỏng da quanh hậu môn.
Nếu những cách trên không làm giảm triệu chứng, búi trĩ không biến mất, bị chảy máu hoặc đau dữ đội, hãy đến gặp bác sĩ để được điều trị bằng các biện pháp can thiệp như:
- Thắt búi trĩ bằng dây thun.
- Liệu pháp làm xơ hóa búi trĩ.
- Cắt búi trĩ bằng một số phương pháp phẫu thuật.
Cần lưu ý triệu chứng chảy máu khi đi cầu là một dấu hiệu của các bệnh lý về đường ruột khác, chẳng hạn như ung thư đại tràng hay ung thư hậu môn. Việc đi khám không chỉ giúp điều trị bệnh trĩ nhanh hơn, giảm các biến chứng, mà còn giúp loại trừ các nguyên nhân bệnh lý nghiêm trọng khác.
Lời khuyên của thầy thuốc
Một số thay đổi trong chế độ ăn uống và thói quen hàng ngày có thể giúp bạn phòng ngừa bệnh trĩ, cũng như ngăn ngừa bệnh trĩ tái phát.
- Mỗi ngày bổ sung đủ 20 - 40 gram chất xơ để đảm bảo hệ tiêu hóa khỏe mạnh và giảm táo bón. Một số thực phẩm giàu chất xơ như: Quả bơ, mâm xôi, táo, lê, chuối, việt quất, dâu tây, cà rốt, củ dền, khoai lang, bông cải xanh, các loại đậu, yến mạch, diêm mạch, hạt chia, hạnh nhân...
- Mỗi ngày nên uống từ 1,5 - 2 lít nước để hạn chế táo bón.
- Tập thể dục thường xuyên sẽ giúp hệ tiêu hóa khỏe mạnh và giúp bạn đi cầu đều đặn hơn. Mỗi ngày hãy dành từ 20 - 30 phút để vận động.
- Nếu bạn thừa cân béo phì, việc giảm cân sẽ giúp giảm áp lực lên các tĩnh mạch ở trực tràng và hậu môn.
- Tránh đứng hoặc ngồi lâu, đặc biệt là ngồi lâu khi đi cầu.
Hầu hết các trường hợp bị bệnh trĩ không nặng và có thể tự khỏi bằng cách thay đổi một số thói quen và thực hiện chế độ ăn tốt cho hệ tiêu hóa. Tuy nhiên, bệnh trĩ có thể gây ra những cơn đau và gây bất tiện trong cuộc sống hàng ngày. Thời gian kéo dài của bệnh trĩ ở mỗi người không giống nhau. Nếu bệnh trĩ của bạn kéo dài, không có dấu hiệu cải thiện hoặc gây khó chịu thì hãy đến gặp bác sĩ để được điều trị.
Theo suckhoedoisong.vn - 07/03/2024
https://suckhoedoisong.vn/cach-giam-trieu-chung-cua-benh-tri-tai-nha-169240305200832727.htm