Cập nhật: 13/03/2024 09:03:00
Xem cỡ chữ

Với điều kiện tự nhiên ưu đãi, hiện nay việc nhân rộng và phát huy thế mạnh cây dược liệu đang được nhiều địa phương trong tỉnh quan tâm đẩy mạnh trồng và phát triển. Việc làm này vừa mang lại giá trị kinh tế vừa lưu giữ các bài thuốc, hình thành nguồn nguyên liệu đáp ứng nhu cầu sản xuất thuốc đông y.

Công tác trồng và phát triển cây dược liệu hiện nay được phân bổ chủ yếu tại huyện Tam Đảo và xen kẽ nhiều mô hình ươm, trồng vườn thuốc từ hộ dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số tìm kiếm đưa về nhà gây giống. Các loại cây dược liệu quý như: trà hoa vàng, ba kích, cà gai leo, cát sâm, khôi nhung… đều được cung cấp kiến thức về quy trình, kỹ thuật sản xuất áp dụng thực tế với điều kiện của địa phương.

Đối với vườn ươm cây, nguyên liệu ươm cây giống được chọn lọc, xử lý nhằm loại bỏ tác nhân gây hại, đi đôi với các điều kiện nhiệt độ, ánh sáng, tạo thuận lợi cho cây sinh trưởng phát triển. Kỹ thuật chăm sóc nhiều cây dược liệu được nhân rộng đến các địa phương như: Minh Quang, Yên Dương, Tam Quan, Đạo Trù huyện Tam Đảo và một số địa phương của huyện Lập Thạch, Sông Lô đã cho thu nhập tốt, tạo nguồn nguyên liệu chất lượng.

Cùng với đó, hội viên Hội Đông y tỉnh tích cực bảo tồn, phát triển các loài dược liệu quý như: ba kích, sa nhân, khôi nhung, cà gai leo, hoàng đằng, cốt toái bổ... với tổng diện tích hơn 100 ha. Nhiều sản phẩm từ dược liệu chế biến thành phẩm đã hỗ trợ điều trị, chăm sóc sức khỏe có chứng nhận kiểm định được giới thiệu trên sàn thương mại điện tử, quảng bá hình ảnh đặc trưng đối với nhiều Làng văn hóa kiểu mẫu.

Tiến Trang