Mỹ và các nước châu Âu cam kết hỗ trợ Ukraine chống lại Nga và đã gửi nhiều thiết bị quân sự cho Kiev. Trên thực tế, những lô vũ khí phương Tây chuyển cho Kiev không phải là những hệ thống tốt nhất để sử dụng trong một cuộc xung đột.
Thiết giáp Pháp “không phù hợp” để chiến đấu
Pháp, một trong những nước viện trợ nhiều nhất cho Ukraine, đã cung cấp số lượng lớn xe bọc thép AMX-10RC cho Kiev.
Thực tế, AMX-10RC đã được sử dụng từ đầu những năm 1980 và lần nâng cấp gần đây nhất diễn ra vào năm 2000. Quân đội Pháp bắt đầu loại biên những phương tiện lỗi thời này vào năm 2021, một năm trước khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Xe thiết giáp AMX-10 RC của Pháp. Ảnh: Sputnik
Chính các binh sỹ Ukraine đã thừa nhận, những phương tiện này “không phù hợp” để chiến đấu.
Vào tháng 9/2023, tạp chí Forbes từng đăng tải bài viết có tiêu đề, xe bọc thép AMX-10RC “quá mong manh để có thể tấn công trực diện”. Kiểu tác chiến chủ yếu ở Ukraine là tác chiến chiến hào và Ukraine cần các vũ khí để đột phá phòng tuyến của Nga.
Những chiếc xe bọc thép hạng nhẹ, cũ kỹ của Pháp mà Ukraine nhận được không phù hợp với kiểu tác chiến như vậy và nhanh chóng trở thành “đống sắt vụn” trên chiến trường.
Bất chấp thực tế, Pháp vẫn chuyển những chiếc xe thiết giáp được miễn cưỡng gọi là “xe tăng hạng nhẹ” cho Ukraine. Điều này khiến nhiều người cho rằng, mục đích của Pháp là loại bỏ kho vũ khí lỗi thời để có lý do mua sắm các hệ thống hiện đại hơn.
Những chiếc xe tăng “huyền thoại” đời cũ
Cách đây một năm, một cuộc tranh luận lớn đã nổ ra giữa các thành viên NATO. Một bên dẫn đầu là Mỹ và Anh cùng các nước Đông Âu yêu cầu NATO cung cấp cho Ukraine loại xe tăng chiến đấu chủ lực (MBT) tiên tiến nhất trong kho vũ khí của phương Tây: Leopard-2 do Đức chế tạo.
Trước đó, các nước thành viên NATO mới chỉ cung cấp cho Ukraine chủ yếu các vũ khí cũ mà họ cố coi là những hệ thống có thể “thay đổi cuộc chơi”. Ba Lan và một số quốc gia châu Âu khác đã chuyển hầu hết xe tăng thời Liên Xô của họ, chẳng hạn như T-72 và PT-91 cũ cho Ukraine.
Tất nhiên, Nga cũng có hệ thống tương tự. Nhưng không giống như Ukraine, những hệ thống mà Nga sở hữu thường tiên tiến hơn so với Kiev. Moscow không khó tìm ra cách khắc chế những hệ thống vũ khí không hề xa lạ của đối phương.
Không nằm ngoài dự đoán, những vũ khí cũ từ thời Liên Xô mà các nước NATO bàn giao cho Ukraine không tạo ra nhiều khác biệt đối với cục diện xung đột.
Cận cảnh chiếc xe tăng Abrams bị Nga bắn cháy
Anh đã gửi 14 xe tăng Challenger-2 cho Ukraine. Tất cả đều là xe tăng chuẩn bị loại biên, chúng chỉ được tân trang lại trước khi gửi tới Kiev.
Mỹ cũng cam kết chuyển cho Ukraine khoảng 30 xe tăng Abrams. Nhưng cũng tương tự như Pháp và Anh, Mỹ gửi cho Ukraine những chiếc Abrams đời đầu đã lỗi thời, thậm chí còn bị gỡ bỏ một số công nghệ bảo vệ.
Ngay sau quyết định của Mỹ, Đức cũng đồng ý gửi khoảng 18 chiếc xe tăng Leopard-2 cho Ukraine. Tính đến tháng 1/2024, Ukraine đã mất phần lớn lô xe tăng Leopard-2 mà nước này nhận được trong năm 2023.
Trên thực tế, nhiều trường hợp là do lực lượng Ukraine bảo dưỡng không đúng cách, dẫn đến các vấn đề kỹ thuật khiến xe tăng không thể hoạt động.
F-16 cũng sẽ không hiệu quả ở Ukraine?
Để Ukraine thực sự có cơ hội đánh bại lực lượng Nga, họ cần có máy bay chiến đấu, đặc biệt là F-16. Hà Lan thông báo sẽ gửi 12 chiếc F-16 để “tăng thêm một lớp phòng thủ” cho Ukraine.
Kiev kỳ vọng những chiếc máy bay chiến đấu F-16 có thể giúp họ lật ngược tình thế. Nhưng cần phải nhìn thẳng vào sự thật rằng, những chiếc máy bay này thuộc thế hệ cũ. Khung thân của chúng đều đang ở giai đoạn cuối của vòng đời. Nếu triển khai ở tiền tuyến để đối phó với một lực lượng được đã được coi là cường quốc hạt nhân, chúng chắc chắn không thể đưa Ukraine đi đến chiến thắng.
Máy bay F-16 của Không quân Hà Lan. Ảnh: Getty
Máy bay F-16 cũng sẽ đòi hỏi phải có đội ngũ bảo trì được đào tạo bài bản, cơ sở vật chất phù hợp và sân bay đủ tiêu chuẩn. Cho dù phi công Ukraine đã được đào tạo để vận hành loại máy bay này, cũng sẽ mất nhiều thời gian để họ điều khiển chúng hiệu quả, nhất là trong thực chiến.
Theo thông tin mới nhất, F-16 có thể bay trên bầu trời Ukraine vào nửa cuối năm nay, nhưng sẽ chỉ có một số ít tiêm kích được triển khai tại một thời điểm.
Một lần nữa, những chiếc F-16 này cũng chỉ là những khí tài lạc hậu trong khi Nga đã sở hữu máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm.
“Bãi rác” của vũ khí phương Tây
Nhà phân tích địa chính trị người Mỹ Brandon J. Weichert, cho rằng, viện trợ của NATO chưa thực sự hữu ích với Ukraine. Cuộc xung đột đang diễn ra theo chiều hướng không có lợi cho Kiev. Các hệ thống mà họ được cung cấp đều quá cũ và quá ít về số lượng để tạo nên sự khác biệt.
Theo ông Weichert, thay vì khuyến khích Ukraine đàm phán để chấm dứt xung đột ngay ở giai đoạn đầu, các nước phương Tây lại yêu cầu Kiev tiếp tục chiến đấu. Nhưng sau 2 năm kể từ đó, cuộc chiến dường như đang diễn biến theo kịch bản Ukraine sẽ thất bại. Phương Tây chỉ đang kéo dài điều không thể tránh khỏi bằng cách trút những thiết bị cũ của họ vào chỗ trũng của Ukraine.
Theo Hoàng Phạm/VOV.VN (biên dịch) – 19/3/2024
https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/dang-sau-nhung-lo-vu-khi-phuong-tay-chuyen-den-ukraine-post1083378.vov