Virus cúm gia cầm luôn có sự biến đổi. Ngoài ra, chính thói quen thích ăn gia cầm tươi sống của người dân cũng khiến cho dịch cúm gia cầm dễ lây lan thành dịch, đe dọa sức khỏe của con người.
Chợ Thành Công - một trong những chợ truyền thống lâu đời ở Hà Nội. Hiện chợ cũng phân chia rạch ròi giữa khu bán thịt lợn bò tươi sống, khu bán rau, hải sản và giết mổ gia cầm. Tại khu bán gà, vịt sống thì điều mà phóng viên nhận thấy rõ là nơi giết mổ rất gần với nơi đổ phế thải rất mất vệ sinh. Tuy nhiên, điều này không làm cho việc buôn bán ở đây hạ nhiệt.
“Từ tết đến giờ giá gà giảm, mỗi ngày bán được mấy chục con. Người dân mua rồi nếu có nhu cầu thì giết mổ ngay tại chợ. Anh nhập gà từ một hộ chăn nuôi nhỏ lẻ rồi mang ra chợ bán. Không phân biệt được gà cúm nhưng chắc không sao vì nếu đã bị thì đã bị rồi” – Anh N.T.H – một người chuyên bán gà sống lâu năm ở chợ này cho biết.
Còn người tiêu dùng, vì sở thích muốn ăn gà tươi nên họ vẫn có thói quen ra chợ mua gà sống rồi giết mổ ngay tại chợ. Thậm chí có người còn giết mổ ngay tại nhà vì cho rằng ăn như vậy, gà sẽ tươi ngon hơn.
Hiện ở nước ta chỉ có khoảng gần 20% cơ sở chăn nuôi và giết mổ gà, vịt được cơ quan thú y giám sát. Như vậy, phần lớn gà, vịt được giết mổ ở các cơ sở tự phát. Theo PGS.TS Lê Văn Năm – Phó Chủ tịch Hiệp hội Gia cầm VN, chính thói quen thích ăn đồ tươi sống của người dân khiến cho virus cúm gia cầm dễ lây lan thành dịch.
Nguy cơ lây lan dịch cúm gia cầm từ các cơ sở chăn nuôi, giết mổ nhỏ lẻ, tự phát
“Nguy cơ lây lan dịch thông qua buôn bán, quần áo, dụng cụ thiết bị chăn nuôi mang đi từ xa. Trong số các loại gia cầm sống, đàn vịt, ngan nguy hiểm nhất. Theo thống kê giám sát của Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, hầu như nhà nào cũng mang virus cúm, có thể đàn gia cầm đấy không bị bệnh nhưng lại mang đi nơi khác, dưới tác động yếu tố thúc đẩy của môi trường, nhiệt độ, khí hậu, thời tiết… nó làm tăng độc lực sẽ khiến khả năng kháng bệnh của đàn gia cầm giảm đi và bị nhiễm bệnh nên việc tiêu thụ gia cầm sống cũng là một trong những yếu tố truyền lây virus cúm từ nơi này sang nơi khác” – PGS.TS Lê Văn Năm cho biết.
Mới đây, thông tin một nam sinh 21 tuổi ở Khánh Hòa mất vì nhiễm cúm A/H5N1 khiến nhiều người không khỏi xót xa. Điều đáng nói, đây không phải là trường hợp đầu tiên ở nước ta tử vong vì loại virus cúm này. Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, từ năm 2003 đến nay, cả nước có 128 người nhiễm cúm A/H5N1, trong đó 65 người tử vong (chiếm tỷ lệ hơn 50%).
Hiện, 83 người tiếp xúc với nam sinh trên đang được cách ly và theo dõi sức khỏe. Theo điều tra dịch tễ, khu vực nơi sinh sống của nam sinh không có hiện tượng gia cầm ốm, chết. Tuy nhiên, trước đó, bệnh nhân có đi bẫy chim hoang dã.
Vì sao dịch cúm gia cầm dễ lây lan thành dịch và gây nguy hiểm đến tính mạng con người?
Cúm gia cầm gây ra bởi các chủng cúm A, (H1N1, H5N1, H7N9...) thường chỉ lây nhiễm cho các loài chim hoang dã và gia cầm nuôi, một số chủng trong số đó có thể lây nhiễm cho người. Theo PGS.TS Lê Văn Năm, đây là thể cúm nguy hiểm bởi tính phổ biến rộng rãi trên toàn thế giới, dễ lây giữa người và động vật, khả năng tồn tại của các chủng virus cúm A rất lớn. Với đặc tính liên kết gen và trượt gen khiến cho các chủng virus cúm thường xuyên biến đổi. Khi virus cúm A vào cơ thể hay động vật trước sẽ không ngăn cản virus cúm A vào sau. Các loại virus cúm này liên kết thành chủng mới có độc tính khác nhau, có thể là nhẹ hơn nhưng phần lớn là nặng hơn chủng cúm ban đầu.
“Độ mẫn cảm về virus cúm của mỗi con người là rất khác nhau, có những người không liên quan gì đến virus cúm nhưng bỗng nhiên bị virus cúm vì virus cúm đang tồn dư rất nhiều ở trong động vật, trong môi trường, động vật hoang dã, gia súc như lợn… nên không may có những người quá mẫn thì sẽ bị nặng.
Lịch sử đại dịch cúm từ cuối năm 1918 có tới gần 70 triệu người chết vì cúm, dịch cúm Hồng Kông năm 1997, minh chứng khoa học đã chứng minh, trong một tác động nào đó, dưới tác động của các yếu tố, thúc đẩy của môi trường, ví dụ như rét quá thì sức đề kháng của con người nói chung giảm, từ đó với sự tăng độc lực của virus cúm làm cho khả năng lây nhiễm từ người sang người cao hơn là hoàn toàn có cơ sở. Vì vậy, với những người đã tiếp xúc với bệnh nhân nhiễm cúm gia cầm thì nên cần cách ly và theo dõi thường xuyên” – PGS.TS Lê Văn Năm nhận định.
Vì vậy, để phòng bệnh, người dân nên tích cực tự mình giữ mình, hạn chế tiếp xúc, mua bán gia cầm tươi, động vật sống, hạn chế tiếp xúc trong những khu vực buôn bán gia cầm thủy cầm.
Người dân nên mua sản phẩm thực phẩm tươi sống ở siêu thị, những nơi bảo quản ở nhiệt độ phù hợp, thoáng mát và an toàn, ăn chín uống sôi, tuyệt đối không nên ăn tiết canh và chế biến đúng cách…
Theo Mai Hương/VOV2 - 03/04/2024
https://vov.vn/suc-khoe/nguy-co-lay-lan-dich-cum-gia-cam-tu-thoi-quen-cua-nguoi-dan-post1086693.vov