Cập nhật: 12/04/2024 08:07:00
Xem cỡ chữ

Theo các chuyên gia an ninh mạng, các chương trình trại hè được thiết kế nhắm vào đối tượng là các bậc phụ huynh. Khác với các chiêu trò trước đây, khi các đối tượng tìm cách liên hệ với nạn nhân để giăng bẫy, thì ở đây, người dùng lại là người chủ động tìm đến qua các quảng cáo trên mạng.

Còn hơn 1 tháng nữa là kết thúc năm học. Đây cũng là khoảng thời gian các bậc cha mẹ bắt đầu rục rịch đi tìm các khóa học hè cho con em mình. Trong thời điểm này, nhu cầu tìm các khóa học ngắn hạn, khóa học hè hay khóa học kỹ năng cho trẻ em đang dần tăng cao. 

Lợi dụng tâm lý này của các bậc phụ huynh, nhiều đối tượng, những kẻ lừa đảo đã thiết kế ra những “khóa học” đặc sắc, chạy quảng cáo rầm rộ trên các MXH như FB, Zalo, Telegram,.. nhằm dụ dỗ, thao túng tâm lý để chiếm đoạt tài sản. 

phu huynh can can trong khi tim kiem, dang ky khoa hoc he cho con hinh anh 1

Người dùng chủ động tìm đến qua các quảng cáo trên mạng

Cụ thể, mới đây nhất, khi nghiên cứu các khóa tu mùa hè cho con, chị H. (trú tại Hà Nội) có kết nối với tài khoản facebook “Tu Sinh Mùa Hè” để đăng ký. Sau đó, một người xưng là “Trưởng ban Tu sinh” gọi cho chị H., giới thiệu và cung cấp số và ảnh căn cước công dân của “Trưởng ban” để tạo niềm tin. Đối tượng đưa chị H. vào nhóm trên mạng xã hội Telegram và yêu cầu mua vật phẩm phong thủy nhằm tăng tương tác cho công ty vật phẩm phong thủy, vì họ là nhà tài trợ chính cho khóa tu. Khi mua vật phẩm, sau 3- 5 phút công ty sẽ hoàn lại tiền phụ huynh sẽ mua. Sau nhiều lần mua và được hoàn lại tiền vật phẩm, chị H được yêu cầu chuyển số tiền lớn hơn với lý do: sai thao tác, không chụp ảnh vật phẩm, phải hoàn thành thao tác, hoàn thành điểm tín nhiệm. Chỉ trong vòng 2 ngày, chị H đã bị các đối tượng chiếm đoạt 2,8 tỷ đồng.

Theo các chuyên gia an ninh mạng, đây là chiêu thức được thiết kế nhắm vào đối tượng là các bậc phụ huynh. Khác với các chiêu trò trước đây, khi các đối tượng tìm cách liên hệ với nạn nhân để giăng bẫy, thì ở đây, người dùng lại là người chủ động tìm đến qua các quảng cáo trên mạng. Và hình thức này đang dần trở lên phổ biến. Bởi, ngoài các khóa tu, thì nhiều hình thức lừa đảo nữa đang âm thầm diễn ra, nhằm “móc hầu bao” của các phụ huynh “nhẹ dạ, cả tin” như: Chương trình trại hè dưới hình thức “Học kỳ Công an, Học kỳ Bộ đội”, Chương trình “Trải nghiệm làm phi công nhí”,… 

Với mong muốn con mình được trải nghiệm nhiều kỹ năng sống, nên trong dịp này chị Đỗ Thị Dung, một phụ huynh ở Hà Nội có tìm hiểu trại hè kỹ năng học kỳ Công an nhân dân. Tuy nhiên, trong quá trình tìm kiếm trên mạng có rất nhiều website quảng cáo thông tin mời chào tham gia khóa học, khiến chị như rơi vào “ma trận” không biết đâu là trang chính thống, đâu là giả.

“Mình cũng đã thử hỏi một số trang thì các bạn ấy tư vấn rất nhiệt tình. Tuy nhiên, mình thấy thông tin không được cụ thể. Khi mình hỏi lại những điều mình còn nghi vấn, thì thường không nhận được câu trả lời và yêu cầu mình tải app mình chưa sử dụng bao giờ (telegram thì phải). Đến lúc này mình cảm thấy có gì đó không đúng lắm.”

Trước thực trạng này, đầu tháng 4, công an nhiều tỉnh thành phố trên cả nước đã đưa ra cảnh báo về các trang facebook mang tên “Trại hè kỹ năng”, “Học kỳ công an nhân dân”, tổ chức học kỹ miễn phí cho trẻ là lừa đảo. Bộ phận tuyển sinh của chương trình trại hè “Học làm công an”, do Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng phối hợp với Học viện Cảnh sát nhân dân tổ chức cũng liên tục nhận được cuộc gọi để xác định thông tin khóa học từ nhiều phụ huynh.

Ngay sau khi phát hiện vấn đề này, đơn vị tổ chức đã gửi cảnh báo đến nhà trường phụ huynh. Tuy nhiên, vẫn có nhiều phụ huynh bị lừa đảo nhiều triệu đồng.

Nên tìm hiểu và đăng ký chương trình trại hè qua trang web và fanpage chính thức

phu huynh can can trong khi tim kiem, dang ky khoa hoc he cho con hinh anh 2

Ông Lê Văn Phương, Trưởng phòng Tuyên truyền và Phát hành, Báo Thiếu niên Tiền Phong và Nhi đồng

Ông Lê Văn Phương, Trưởng phòng Tuyên truyền và Phát hành, Báo Thiếu niên Tiền Phong và Nhi đồng thông tin, năm nay có có rất nhiều fanpage giả mạo chương trình này để lừa đảo các nạn nhân. Ban Tổ chức cũng nhận được không dưới 10 thông tin của các trang fanpage giả mạo chương trình. Và trang fanpage giả mạo cũng rất đa dạng, rất nhiều hình thức.  Ông Lê Văn Phương cũng khẳng định, Báo Thiếu niên Tiền Phong và Nhi đồng chỉ ký một chương trình phối hợp duy nhất với Học viện Cảnh sát nhân dân. Chiêu trò của các đối tượng này là sao chép toàn bộ nội dung, hình ảnh của các cuộc thi uy tín về fanpage giả hòng lấy sự tin tưởng của phụ huynh và học sinh.

“Để thu hút phụ huynh, giáo viên đăng ký cho học sinh tham gia các trang này thường xuyên chạy quảng cáo để tăng tương tác. Khi nạn nhân cắn câu các đối tượng sẽ đưa vào nhóm chát hoặc nhắn tin, trò chuyện trên app nhằm che giấu hành tung. Tiếp đến, chúng yêu cầu phụ huynh muốn đăng ký cho con tham gia thì phải thực hiện các thử thách, nhiệm vụ với số tiền tăng dần để hỗ trợ cuộc thi. Nếu phụ huynh chuyển tiền thì các đối tượng sẽ chiếm đoạt và chặn liên lạc”- ông Phương nói.

Phân tích thêm thủ đoạn của các đối tượng này, anh Nguyễn Trọng Đại, thành viên Dự án chống lừa đảo cho biết, các kẻ lừa đảo thường sử dụng các trang mạng xã hội để quảng cáo rầm rộ các khóa học ngắn hạn với mức học phí hấp dẫn. Tiếp theo là sử dụng các thông tin lừa đảo. Các đối tượng có thể sử dụng các thông tin giả mạo về các tổ chức khóa học bao gồm cả giả danh các tổ chức giáo dục, hoặc trường học đã được biết đến để tạo uy tín, tin cậy và tăng tính thuyết phục. Thứ 3, kết hợp với những Trang thông tin giả mạo, những đối tượng lừa đảo còn sử dụng các kỹ thuật xã hội như tạo ra các nhóm cộng đồng, các hội nhóm trên mạng xã hội giả mạo hoặc sử dụng các bài đăng giả mạo trên mạng xã hội.

Về vấn đề này, Trung tá Đinh Thành An, khoa Toán – Tin học và Ứng dụng khoa học công nghệ trong phòng chống tội phạm của Học viện Cảnh sát nhân dân cho biết, các đối tượng lừa đảo thường dùng chiêu trò đánh vào nhu cầu cần một đơn vị quản lý con trong dịp hè của phụ huynh. Họ cũng thường dẫn dụ phụ huynh vào các diễn đàn như Telegram để hướng dẫn đăng ký và chuyển tiền cho họ. Một thủ đoạn mới là gửi cho phụ huynh những đường link giả mạo có mã độc, khiến người dùng bị xâm nhập và chiếm quyền kiểm soát thiết bị hoặc tài khoản ngân hàng.

phu huynh can can trong khi tim kiem, dang ky khoa hoc he cho con hinh anh 3

Trung tá Đinh Thành An- Học viện Cảnh sát nhân dân

Để tránh bị lừa đảo, cơ quan chức năng khuyến cáo phụ huynh nên tìm hiểu và đăng ký chương trình trại hè qua trang web và fanpage chính thức của Ban tổ chức. Mọi yêu cầu chuyển khoản vào tài khoản cá nhân hoặc thực hiện nhiệm vụ mới được tham gia chương trình trại hè đều là dấu hiệu của lừa đảo.

Các bậc phụ huynh cần kiểm tra và xác minh thông tin từ các nguồn đáng tin cậy trước khi đưa ra quyết định, cũng như không nên để bị áp đặt bởi áp lực thời gian hay cam kết hấp dẫn mà không được hỗ trợ bằng minh chứng cụ thể. Đặc biệt, hãy luôn cảnh giác với các ưu đãi quá hấp dẫn. Bên cạnh đó, cần thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin tội phạm để phòng ngừa. Khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cần báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất để giải quyết vụ việc theo quy định.

Theo Nguyễn Hiền/VOV.VN - 12/04/2024

https://vov.vn/phap-luat/phu-huynh-can-can-trong-khi-tim-kiem-dang-ky-khoa-hoc-he-cho-con-post1088542.vov