Cập nhật: 14/04/2024 16:43:00
Xem cỡ chữ

Tết Té nước (Bun Huột Nặm) là nét văn hóa đẹp của người Lào cư trú tại huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên. Trong lễ hội, mọi người té nước lên người nhau để cầu mong may mắn.

Người dân hòa trong không khí vui tươi của Tết Té nước. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Người dân hòa trong không khí vui tươi của Tết Té nước. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Trời Điện Biên tháng Tư nắng vàng rực trải khắp các đỉnh đồi. Lác đác vài cánh ban cuối mùa còn sót lại trên cây, rung rinh như những cánh bướm.

Đó cũng là lúc bà con dân tộc Lào xã Núa Ngam, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên phấn khởi đón mừng Tết Té nước (Bun Huột Nặm, hay Bun Pi May), nghi lễ đón mừng năm mới của người Lào được tổ chức vào ngày 14/4.

'Nước sẽ gột rửa những điều xấu xa'

Từ sáng sớm, chị Lò Thị Cương, người Lào ở bản Na Sang 1, xã Núa Ngam đã chuẩn bị bộ váy áo đẹp nhất, vắt chiếc khăn phạ biềng qua vai, cẩn thận quàng chiếc thắt lưng khểm khắt ngang hông để chuẩn bị dự hội.

Chị Cương háo hức lắm vì năm nay tỉnh long trọng tổ chức Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ và Năm Du lịch Quốc gia Điện Biên 2024 nên quy mô lễ hội lớn hơn những năm trước, bà con ở các địa phương lân cận và du khách mọi miền đổ về Núa Ngam cũng rất đông. Trước lễ hội cả tháng trời, chị Cương cùng đội văn nghệ xã đã tập luyện một số tiết mục múa hát để biểu diễn trong dịp này.

vnp_tenuoc0.jpg

Chị Lò Thị Cương, người Lào ở bản Na Sang 1, xã Núa Ngam (bìa phải) tham gia biểu diễn văn nghệ. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

“Bun Huột Nặm là ngày lễ lớn của người Lào, mọi người té nước vào nhau với niềm tin rằng nước sẽ gột rửa những điều xấu xa, không may mắn. Chúng tôi tự hào vì đã lưu giữ được lễ hội truyền thống của dân tộc,” chị Cương nói.

Dân tộc Lào, một trong 19 dân tộc sinh sống trên địa bàn tỉnh Điện Biên hiện đang lưu giữ nhiều nét văn hóa đặc sắc, trong đó có Tết Té nước. Theo tiếng Lào, “Bun” là lễ hội hay còn có nghĩa là phúc, “huột” là té, “nặm” là nước. “Bun huột nặm” được hiểu là lễ hội té nước hoặc Tết Té nước.

Bun Huột Nặm là sự kiện có ý nghĩa quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng dân tộc Lào ở Điện Biên. Từ năm 2015, Tết Té nước đã được các cấp chính quyền địa phương và nhân dân trong bản phục dựng nguyên bản, tổ chức vào đúng thời điểm Tết truyền thống của người Lào (từ ngày 14/4 đến ngày 16/4 Dương lịch) nhằm góp phần tái hiện lại yếu tố văn hóa truyền thống và trở thành nếp sống, phong tục của người dân nơi đây.

Để chuẩn bị cho lễ hội, người Lào ở bản Na Sang 1, Na Sang 2 đã trang hoàng những con đường quanh nhà rực rỡ cờ hoa.

vnp_tenuoc2.jpg

Người Lào ở Lai Châu (áo đen bên trái) và người Lào ở Điện Biên tay bắt mặt mừng trong ngày Tết. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Tết Té nước có các hoạt động chính là cúng bản, cúng tổ tiên, ông bà cũng là tống tiễn mùa khô, tẩy rửa những điều xui xẻo trong năm cũ cho bản làng, cầu mong mưa thuận gió hòa, vạn vật sinh sôi, phát triển, mùa màng bội thu, bản làng bình yên, mọi người dồi dào sức khỏe, gặp nhiều may mắn trong năm tiếp theo.

Người dân quây quần ở bãi đất trống trước nhà văn hóa để khai hội bằng màn biểu diễn văn nghệ, tiếp đó bà mo và những người phụ nữ có uy tín trong cộng đồng bày lễ vật cúng tế thần linh.

Bài khấn có nội dung: “Ai ai cũng đều gội đầu bằng lá thơm, tắm rửa cho sạch sẽ. Từ nay không còn những chuyện không may. Từ nay chỉ nghe tiếng cồng chiêng vang vọng núi rừng, nghe tiếng hát mừng năm mới. Cùng nhau sống thọ trăm năm. 10 năm không ốm. 20 năm không đau. Không bao giờ phải dùng thuốc thang. Mình cùng làm ruộng cho lúa nặng bông, nuôi trâu trắng sừng cứng như bạc, nuôi trâu đen sừng cứng như vàng, thân trâu chắc như gỗ lim rừng…”

Sau lễ cúng, những người già sẽ thực hiện nghi thức buộc chỉ cổ tay cho tất cả người dân, du khách cùng tham gia lễ hội.

vnp_ minh hoa.jpg

Bà mo Lường Thị Sao May chủ trì lễ tế ở bờ suối. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Bà Lường Thị Sao May, người chủ trì lễ tế cho biết những sợi chỉ ngũ sắc mang theo lời cầu chúc may mắn, bình an, không ốm đau bệnh tật.

Sau lễ cúng thần linh, bà mo Lường Thị Sao May cùng đội nghi lễ đến từng nhà dân trong bản để thực hiện nghi thức xin nước mưa (só nặm phạ phốn). Gia chủ cũng té nước lên đoàn người với ý nghĩa cầu mong cho mọi người gặp nhiều may mắn.

Tiếp đó, đoàn người mang lễ vật ra khu vực suối Nậm Núa để dâng tế lễ vật, cúng mời thần suối hưởng lễ. Tất cả bà con dân bản cùng lội xuống suối tắm, té nước vào nhau để cầu chúc những điều tốt đẹp.

Phần hội là lúc mọi người cùng múa lăm vông, chơi những trò chơi dân gian truyền thống như rùa ấp trứng, hổ vồ lợn, rắn bắt ngóe, rồng rắn lên mây… Người dân trong bản cùng du khách thập phương tụ hội tại bãi đất trống để vui chơi, reo hò cổ vũ theo tiếng trống, tiếng chiêng làm cho không khí ngày Tết thêm tưng bừng, sôi động.

Tiềm năng phát triển du lịch văn hóa

Bà mo Lường Thị Sao May khẳng định Tết Té nước là niềm tự hào của người dân tộc Lào bản Na Sang. Lễ hội thể hiện sự đoàn kết trong cộng đồng, là sự nhắc nhở con cháu về truyền thống tốt đẹp của cha ông.

“Thông qua Tết Té nước, chúng tôi muốn các dân tộc trong tỉnh và du khách gần xa biết đến mảnh đất, thiên nhiên nơi chúng tôi sinh sống, đặc biệt là nét đẹp văn hóa độc đáo của cộng đồng người Lào,” bà May nói.

lothilenh.jpg

Bà Lò Thị Lênh, người Thái ở xã Thanh Yên (bìa phải) cùng các chị em của mình dự hội. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Trong số du khách đến với lễ hội có bà Lò Thị Lênh, 50 tuổi, người Thái ở xã Thanh Yên, huyện Điện Biên. Dù chỉ cách xã Núa Ngam 20km nhưng đây là lần đầu tiên bà đến với Tết Té nước.

“Tôi được biết năm nay lễ hội được tổ chức với quy mô lớn nên đã rủ các chị em mình cùng tham gia. Tôi thấy lễ hội rất vui. Ngay khi bước qua cổng chào, tôi đã được các phụ nữ Lào vẩy nước lên người và chào ‘sa bai đi’. Ai càng bị ướt thì càng có nhiều may mắn,” bà Lênh hồ hởi nói.

Ông Nông Quang Thắng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Điện Biên, Trưởng Ban Tổ chức lễ hội cho hay Tết Té nước là lễ hội truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa, ý nghĩa tâm linh tín ngưỡng của cộng đồng người Lào trên địa bàn. Lễ hội gắn liền với quá trình lập bản, sinh sống và phát triển của người Lào tại đây.

z5346940505303_a9a7d18927f70af45992aba7ccb8e097.jpg

Bà Lường Thị Sao May buộc chỉ cổ tay cho đại biểu tham dự. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, ông Thắng cho hay nhân Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ và Năm Du lịch Quốc gia Điện Biên 2024, Tết Té nước năm nay có nhiều điểm mới, được tổ chức với quy mô lớn hơn, được quảng bá sâu rộng nên cũng thu hút nhiều du khách hơn những năm trước.

Theo đó, lễ hội năm nay nhận được sự quan tâm tham dự của lãnh đạo nhiều ban ngành tỉnh Điện Biên, cộng đồng người Lào ở các địa phương lân cận. Người dân và du khách về dự còn được tham quan triển lãm các sản phẩm OCOP, đồ thủ công mỹ nghệ, ẩm thực đặc sản của các xã, các dân tộc anh em trên địa bàn huyện Điện Biên.

“Đến bản Na Sang, xã Núa Ngam vào dịp diễn ra Tết Té nước, du khách sẽ được hòa mình trong những nghi thức truyền thống, tìm hiểu thêm về văn hóa bản địa, tham gia các trò chơi dân gian. Tết Té nước của dân tộc Lào là điểm sáng để phát triển du lịch của huyện Điện Biên và tỉnh Điện Biên,” ông Thắng nói./.

Theo (Vietnam+) – 14/4/2024

https://www.vietnamplus.vn/doc-dao-nghi-le-te-nuoc-cau-may-trong-tet-bun-huot-nam-cua-nguoi-lao-o-dien-bien-post940182.vnp