Lễ Nghinh Ông có từ năm 1955, là một tín ngưỡng dân gian được phổ biến, trao truyền qua các thế hệ ngư dân đi biển, với mong muốn cầu cho quốc thái dân an, biển lặng, gió hòa.
Ngày 29/4, tại thị trấn Trần Đề, Ủy ban Nhân dân huyện Trần Đề (Sóc Trăng) tổ chức Lễ hội Nghinh Ông Nam Hải năm 2024.
Đây là một trong những lễ hội lớn ở khu vực duyên hải Tây Nam Bộ, được tổ chức với mong muốn cầu cho quốc thái dân an, biển lặng, gió hòa, ngư dân đánh bắt được nhiều tôm cá, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Lễ Nghinh Ông Nam Hải năm 2024 được tổ chức từ ngày 29/4-1/5 (tức từ 21-23/3 âm lịch), có hai phần chính là lễ rước Ông và lễ tế truyền thống. Ngoài ra, còn có các hoạt động như: hội thi cắm hoa và trưng bày mâm ngũ quả, hội thi vẽ tranh chủ đề “Em yêu Trần Đề," diễu hành “Đạp xe vì môi trường," các trò chơi dân gian.
Theo Ban Tổ chức, Lễ hội Nghinh Ông Nam Hải (huyện Trần Đề) được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia năm 2019.
Lễ Nghinh Ông có từ năm 1955, là một tín ngưỡng dân gian được phổ biến, trao truyền qua các thế hệ ngư dân đi biển, với mong muốn cầu cho quốc thái dân an, biển lặng, gió hòa, ngư dân đánh bắt được nhiều tôm cá, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Anh Trần Quốc Trí (huyện Trần Đề) cho biết Lễ hội Nghinh Ông được xem là phong tục truyền thống của ngư dân ở huyện Trần Đề và các vùng lân cận. Cứ tới ngày 21/3 âm lịch, ngư dân gác lại công việc đi biển để chuẩn bị lễ Nghinh Ông, mong một mùa biển mới thêm bình an, thuận lợi.
Năm nay, Huyện ủy, Ủy ban Nhân dân huyện Trần Đề hỗ trợ tổ chức và mở rộng quy mô lễ Nghinh Ông. Ngoài sự tham gia của ngư dân địa phương, lễ hội thu hút khá đông du khách đến tham gia, tạo không khí vui tươi, ấm áp nên mọi người đều phấn khởi, hào hứng, hứa hẹn một mùa biển thật bội thu.
Bà Trần Cẩm Tú, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Trần Đề cho biết năm nay, lễ hội được tổ chức nâng tầm lên cấp huyện nên thu hút hàng ngàn khách du lịch ở các tỉnh ven biển Tây Nam Bộ như, Trà Vinh, Bến Tre, Long An, Bạc Liêu, Cà Mau...
Lễ hội được tổ chức nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của người dân, đồng thời quảng bá hình ảnh, con người, sản vật của huyện Trần Đề nói riêng, tỉnh Sóc Trăng nói chung đến với người dân cả nước.
Cùng với đó, lễ hội góp phần tuyên truyền, nâng cao ý thức của nhân dân trong giữ gìn, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, gắn kết hoạt động du lịch, phát triển kinh tế xã hội ở địa phương.
Nghi thức cúng bái tại Lễ hội Nghinh Ông Nam Hải. (Ảnh Tuấn Phi/TTXVN)
Lãnh đạo Ủy ban Nhân dân huyện Trần Đề cũng cho biết nhằm nâng cao nhận thức người dân trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị Di sản Văn hóa Phi vật thể, Ủy ban Nhân dân huyện đã xây dựng Đề án bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia lễ hội Nghinh Ông giai đoạn 2023-2028 và được Ủy ban Nhân dân tỉnh phê duyệt.
Mục tiêu của đề án là hằng năm, tổ chức định kỳ lễ hội Nghinh Ông, nâng tầm quy mô tổ chức lễ hội, bảo tồn và phát huy giá trị các nghi lễ trong lễ hội; kịp thời biểu dương, khen thưởng cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản Lễ hội Nghinh Ông.
Cùng với đó, tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ, đào tạo, bồi dưỡng thực hành lễ thức Nghinh Ông cho nghệ nhân; nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác kiểm kê, sưu tầm, tư liệu về lễ hội Nghinh Ông.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Trần Đề Trịnh Văn Bé, giai đoạn 2023-2028, địa phương triển khai các giải pháp nhằm bảo tồn, phát huy giá trị Lễ hội Nghinh Ông, đồng thời nghiên cứu, đề xuất chính sách đãi ngộ đối với các nghệ nhân nắm giữ và truyền dạy vốn di sản văn hóa trong cộng đồng./.
Theo (TTXVN/Vietnam+) - 29/04/2024
https://www.vietnamplus.vn/soc-trang-le-hoi-nghinh-ong-nam-hai-thu-hut-du-khach-den-huyen-tran-de-post942802.vnp