Cập nhật: 01/05/2024 07:46:00
Xem cỡ chữ

Mùa tuyển sinh năm nay, nhiều trường đại học vẫn tiếp tục ưu tiên xét tuyển sớm những thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế. Vì vậy, với các học sinh THPT, có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế sẽ có nhiều cơ hội trúng tuyển hơn. Nhiều ý kiến cho rằng, xét tuyển sinh bằng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế đang là xu hướng và vẫn là phương thức tuyển sinh được nhiều trường áp dụng.

Mặc dù chưa thi tốt nghiệp trung học phổ thông, nhưng Hoàng Lê Kiên, học sinh lớp 12I1 trường THPT Chu Văn An, Hà Nội đã đủ điều kiện trúng tuyển sớm vào Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội qua bài thi đánh giá năng lực. Với lợi thế về ngoại ngữ, lại sở hữu chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế IELTS, em đã trải qua một bài phỏng vấn hoàn toàn bằng tiếng Anh để chinh phục chương trình song bằng tại ngôi trường này.

chung_chi_ngoai_ngu.jpg

"Việc học tiếng Anh thì đầu tiên là giúp em có thể có được những chứng chỉ, giúp em đủ điều kiện được tham gia vào vòng thi vào ngành học đó. Các chứng chỉ SAT, IELTS cũng quan trọng nhất trong bài phỏng vấn ngày hôm đó"- Kiên nói.

Với những thí sinh có lợi thế về ngoại ngữ, ngoài tham gia vào một số kỳ thi đánh giá năng lực riêng của các trường đại học, các học sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế cũng có thêm nhiều cơ hội trước ngưỡng cửa tuyển sinh. Theo đề án tuyển sinh năm 2024 mà các trường đại học đã công bố, nhiều trường đại học vẫn ưu tiên xét tuyển sớm thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, trong đó có các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế như IELTS, TOEFL. Theo ông Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Kinh tế quốc dân, việc ưu tiên xét tuyển sớm với các thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế là xu hướng trong vài năm gần đây. Tuy nhiên, các trường đều sẽ áp dụng phương thức xét chứng chỉ ngoại ngữ kết hợp với các tiêu chí khác để đảm bảo đánh giá đúng chất lượng thí sinh.

"Các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế thông dụng ví dụ như IELTS hoặc TOEFL kết hợp với các tiêu chí khác, ví dụ như kết hợp với 2 môn thi, hoặc kết hợp với đánh giá năng lực để tuyển sinh đầu vào đối với đại học chính quy- chúng ta phải nói chính xác như thế thì cũng đã trở nên phổ biến. Trong những năm gần đây thì chỉ tiêu dành cho phương thức này có xu hướng càng ngày càng tăng lên"- ông Triệu nói.

Việc các trường đại học lựa chọn phương án tuyển người giỏi ngoại ngữ khiến những thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế ngày càng có nhiều cơ hội lựa chọn vào các trường đại học, đặc biệt là các trường Top đầu. Bà Nguyễn Thị Cúc Phương, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Nội cho rằng, các trường đại học được tự chủ trong tuyển sinh nên mỗi phương thức xét tuyển mà các trường áp dụng đều nhằm tuyển được những thí sinh phù hợp cho các chương trình đào tạo. Trong thời gian tới, sẽ không trường đại học nào bỏ phương thức xét tuyển bằng chứng chỉ ngoại ngữ, bởi đây là xu hướng phù hợp để sinh viên sau khi ra trường có thể hội nhập quốc tế.

"Chúng ta đang cố gắng hết sức để hội nhập quốc tế và muốn hội nhập được thì chúng ta phải có ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh. Khi sinh viên vào học trong trường rồi thì lúc ra trường bắt buộc phải có chuẩn đầu ra ngoại ngữ, nếu đã có chứng chỉ IELTS từ 5.5 trở lên thì có thể đạt chuẩn đầu ra luôn. Tiếp đó nữa là cơ hội việc làm. Chúng tôi đã làm thống kê khi kiểm định, họ thống kê bằng kênh độc lập thì thấy rằng là các cháu mà học chuyên ngành bằng ngoại ngữ là có mức lương khi mới ra trường là thường cao hơn so với các cháu mà không làm chủ về ngoại ngữ", Bà Phương nói.

Tuy vậy, trước việc xét tuyển bằng chứng chỉ ngoại ngữ ngày càng trở nên phổ biến và các thí sinh sở hữu chứng chỉ này cũng có nhiều lợi thế hơn so với các học sinh còn lại, nhiều ý kiến cho rằng, các trường đại học chỉ nên dành một tỷ lệ nhất định cho việc xét tuyển bằng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế. Điều này nhằm đảm bảo công bằng giữa các phương thức tuyển sinh, giữa các đối tượng học sinh.

Theo Minh Hường/VOV1 - 1/5/2024

https://vov.vn/xa-hoi/giao-duc/tuyen-sinh-2024-xet-tuyen-bang-chung-chi-ngoai-ngu-quoc-te-van-la-xu-huong-post1092282.vov