Cập nhật: 17/05/2024 08:11:00
Xem cỡ chữ

Thay đổi chế độ ăn uống và lối sống có thể giúp cải thiện sức khỏe cho những người mắc bệnh viêm tuyến giáp. Để ngăn ngừa suy giáp, người bệnh cần tránh hoặc hạn chế tối đa những thực phẩm gây viêm trong cơ thể.

1. Mối liên hệ giữa chế độ ăn uống và bệnh viêm tuyến giáp

Viêm tuyến giáp là do tuyến giáp bị tấn công gây viêm và làm hỏng các tế bào tuyến giáp. Ngoài ra còn có một số nguyên nhân khác nhau tùy thuộc vào thể loại viêm.

Nguyên nhân phổ biến nhất là do bệnh tự miễn dịch. Hệ thống miễn dịch tấn công cơ thể thay vì bảo vệ. Các kháng thể tấn công tuyến giáp gây ra hầu hết các loại viêm tuyến giáp.

Viêm tuyến giáp Hashimoto là loại viêm tuyến giáp phổ biến nhất. Trong bệnh Hashimoto, hệ thống miễn dịch coi tuyến giáp là bất thường và sản sinh ra kháng thể chống lại tuyến giáp.

Các yếu tố môi trường như ô nhiễm, lối sống ít vận động, căng thẳng, thuốc men, thói quen ăn uống không lành mạnh và nhiễm trùng là tác nhân gây ra nhiều bệnh tự miễn như viêm tuyến giáp Hashimoto.

Nhiều nghiên cứu đã điều tra lợi ích của chế độ ăn uống đối với các bệnh tự miễn. Trọng tâm thường là tránh các loại thực phẩm góp phần gây viêm và ăn những thực phẩm giúp làm giảm tình trạng viêm.

Danh sách thực phẩm có hại với người viêm tuyến giáp - Ảnh 1.

Thực phẩm gây viêm có hại cho chức năng tuyến giáp.

Khi cơ thể bị viêm, nhiều kháng thể được tạo ra hơn, dẫn đến hoạt động của bệnh tự miễn tăng lên. Tình trạng viêm kéo dài sẽ tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh mạn tính. Các nghiên cứu cho thấy, tình trạng viêm có liên quan chặt chẽ đến sự thay đổi chức năng tuyến giáp ở bệnh nhân viêm tuyến giáp Hashimoto. Một số chất dinh dưỡng hoặc thói quen ăn kiêng có thể làm thay đổi mức độ tự kháng thể trong viêm tuyến giáp Hashimoto.

Có rất nhiều bằng chứng cho thấy thực phẩm gây viêm có thể gây mất cân bằng đường ruột, vi khuẩn phát triển quá mức, tăng tính thấm của ruột và stress oxy hóa, đồng thời phản ứng viêm này sẽ thúc đẩy sự xuất hiện của viêm tuyến giáp Hashimoto.

Để ngăn ngừa suy giáp hiệu quả hơn ở bệnh nhân viêm tuyến giáp Hashimoto, việc kiểm soát tình trạng viêm trong chế độ ăn uống là điều cần thiết.

2. Người bệnh viêm tuyến giáp cần tránh thực phẩm gây viêm

Bên cạnh những loại thực phẩm giúp chống viêm thì cũng có một số loại thực phẩm khác được biết là góp phần gây viêm và thúc đẩy quá trình viêm trong cơ thể như: thịt đỏ, thực phẩm chế biến sẵn, ngũ cốc tinh chế, đường tinh luyện, thức ăn chiên rán…

Theo ThS.BS. Nguyễn Xuân Tuấn, Giảng viên Đại học Y Dược - Đại học Quốc gia Hà Nội, người mắc bệnh viêm tuyến giáp nên kiêng ăn đường tinh chế, thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn nhanh, đồ ăn nhiều chất béo… bởi các loại thực phẩm này có thể gây viêm, làm trầm trọng thêm các triệu chứng tự miễn dịch.

Nên kiêng sữa và các sản phẩm từ sữa. Một số bệnh nhân Hashimoto kèm theo bệnh tự miễn có thể không dung nạp đường sữa hoặc nhạy cảm với sữa (lactose).

Cần hạn chế tiêu thụ cà phê và rượu bia, bởi vì caffeine trong cà phê làm giảm nồng độ tuyến giáp tự do trong máu. Còn rượu bia tác động tiêu cực đến chức năng tuyến giáp.

Tránh ăn nhiều thực phẩm giàu iốt như hải sản, rong biển… Việc hấp thụ quá nhiều iốt có thể làm trầm trọng thêm các vấn đề về tuyến giáp ở bệnh nhân Hashimoto. Tuy nhiên cũng không nên loại bỏ iốt hoàn toàn tránh gây mất cân bằng chức năng tuyến giáp.

Tránh tiêu thụ quá nhiều các loại rau họ cải như: bông cải xanh, bắp cải, súp lơ trắng… bởi rau họ cải có chứa hợp chất goitrogen có thể cản trở chức năng tuyến giáp bằng cách ức chế sự hấp thụ iốt. Nên nấu chín trước khi ăn…

Danh sách thực phẩm có hại với người viêm tuyến giáp - Ảnh 3.

Người bệnh viêm tuyến giáp nên tránh ăn đồ ngọt.

3. Danh sách thực phẩm có hại đối với người bệnh viêm tuyến giáp Hashimoto

  • Đường bổ sung và đồ ngọt: Đường tinh luyện, soda, nước tăng lực, bánh ngọt, bánh quy, kem, kẹo, ngũ cốc có đường…

  • Thức ăn nhanh và đồ chiên rán: Khoai tây chiên, xúc xích, gà rán, đồ nướng nhiều chất béo.

  • Ngũ cốc tinh chế: Bột mì trắng, bánh mì trắng, mì trắng, bánh mì tròn…

  • Thực phẩm và thịt chế biến kỹ: Thực phẩm đông lạnh, bơ thực vật, thịt nguội, thịt xông khói, xúc xích…

  • Các loại ngũ cốc và thực phẩm có chứa gluten: Lúa mì, lúa mạch, lúa mạch đen, bánh quy, bánh mì.

  • Trái cây có chỉ số đường huyết cao: xoài, nhãn, vải, dứa, nho…

  • Đồ uống: Sữa, rượu, bia, đồ uống có cồn…

  • Theo suckhoedoisong.vn - 15/05/2024

    https://suckhoedoisong.vn/danh-sach-thuc-pham-co-hai-voi-nguoi-viem-tuyen-giap-169240513144805123.htm