Nga dự kiến đến năm 2030, xuất khẩu phi tài nguyên, phi năng lượng sẽ tăng lên 248,1 tỷ USD, trong đó sản phẩm công nghiệp sẽ chiếm 192,9 tỷ USD, sản phẩm nông nghiệp - 55,2 tỷ USD.
Chất lúa mỳ lên tàu để đưa đi xuất khẩu tại cảng Rostov-on-Don, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Kênh truyền hình Izvestia đưa tin, Nga có kế hoạch thành lập các khu công nghiệp, trung tâm vận tải và hậu cần ở những quốc gia châu Phi và Đông Nam Á. Xuất khẩu phi tài nguyên cũng sẽ được chuyển hướng các nước Mỹ Latinh.
Các biện pháp này được đưa ra trong khuôn khổ dự án quốc gia cập nhật “Hợp tác quốc tế và xuất khẩu.” Các sản phẩm phi năng lượng, phi tài nguyên bao gồm rau, trái cây, ngũ cốc, kim loại quý, hóa chất, phân bón...
Nội các Nga dự định kéo dài dự án quốc gia “Hợp tác quốc tế và xuất khẩu” đến năm 2030 sau thời hạn ban đầu vào năm 2024.
Từ năm 2018, tổng chi phí cho dự án đã lên tới hơn 950 tỷ ruble (khoảng 10,6 tỷ USD), nhằm tăng khối lượng thương mại với Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEU) lên 1,5 lần, cũng như tăng khối lượng đầu tư lẫn nhau giữa các nước.
Trọng tâm của dự án quốc gia cập nhật vẫn là xuất khẩu phi tài nguyên, phi năng lượng - cung cấp các sản phẩm nông nghiệp (ngũ cốc, rau, trái cây và các loại khác), cũng như hàng công nghiệp - hóa chất, phân bón, đá, gang và thép, kim loại màu và kim loại quý.
Chính phủ dự kiến đến năm 2030, xuất khẩu phi tài nguyên, phi năng lượng sẽ tăng lên 248,1 tỷ USD, trong đó sản phẩm công nghiệp sẽ chiếm 192,9 tỷ USD, sản phẩm nông nghiệp - 55,2 tỷ USD. Hết năm 2023 tổng xuất khẩu phi nguyên liệu, phi năng lượng của Nga đạt 146,3 tỷ USD (giảm 23% so với năm 2022).
Bộ Công Thương Nga cho biết trong lần cập nhật này, dự án chuyển hướng xuất khẩu phi tài nguyên, phi năng lượng sang các thị trường thân thiện và tạo cơ hội tiếp cận các quốc gia mới.
Trong số các thị trường hứa hẹn, Bộ đã nêu tên các quốc gia châu Phi, Đông Nam Á và châu Mỹ Latinh. Bộ cũng nêu ra nhiệm vụ chính mà các cơ quan chức năng phải đối mặt - triển khai những công cụ liên quan để hỗ trợ các nhà xuất khẩu.
Trong số đó có việc thành lập các trung tâm vận tải và hậu cần, khu công nghiệp và cơ sở hạ tầng khác ở các nước thân thiện, bao gồm cả những hướng mới. Ngoài ra cần triển khai các hành lang vận tải và hậu cần quốc tế ưu tiên (MTLK) - tuyến đường biển phía Bắc và hành lang Bắc-Nam, cũng như MTLK theo hướng châu Mỹ Latinh và châu Phi.
Ông Maxim Chereshnev, thành viên Hội đồng “Doanh nghiệp Nga,” Chủ tịch Hội đồng Phát triển Ngoại thương, quan hệ thương mại và kinh tế quốc tế đánh giá, quyết định tập trung vào thị trường châu Phi, Đông Nam Á và châu Mỹ Latinh là hợp lý và tự nhiên trong tình hình hiện nay. Những quốc gia này có thị trường nội địa rộng lớn và hợp tác với họ có thể mang lại lợi ích đáng kể cho doanh nghiệp Nga.
Theo Tổng cục Hải quan Liên bang, vào năm 2023, mặt hàng xuất khẩu chính vẫn là khoáng sản, bao gồm cả dầu mỏ - chiếm 61% tổng lượng xuất khẩu.
Hơn nữa, theo Trung tâm Xuất khẩu Nga, các vị trí xuất khẩu tiếp theo vẫn là nông sản - 10% (43 tỷ USD), hóa chất (27,2 tỷ USD), máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải và các hàng hóa khác (22,9 tỷ USD), gỗ, sản phẩm bột giấy và giấy (9,9 tỷ USD), sản phẩm dệt may và giày dép (1,7 tỷ USD). Trong 10 năm qua, từ 2013 đến 2022, xuất khẩu phi tài nguyên, phi năng lượng của Nga đã tăng hơn 1/3.
Ông Maxim Chereshnev cho biết, Nga đặt mục tiêu xuất khẩu nhiều sản phẩm có giá trị cao hơn, tức là hàng hóa cuối cùng, ra nước ngoài. Theo ông, xuất khẩu nông sản của Nga đã có mặt ở hầu hết các quốc gia thân thiện, ngoại trừ Indonesia và Brazil.
Ông Georgiy Ostapkovich, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Thị trường tại Trường Kinh tế Cao cấp, nói rằng quyết định của chính quyền “định hướng lại toàn bộ hoạt động hậu cần từ Tây sang Đông và Nam” là hoàn toàn đúng đắn.
Theo ông, đầu tư của Nga phát triển cơ sở hạ tầng ở các khu vực này sẽ phụ thuộc vào khối lượng xuất khẩu và chủng loại hàng hóa và là chủ đề đàm phán giữa các nước./.
Theo (TTXVN/Vietnam+) – 27/5/2024
https://www.vietnamplus.vn/dong-nam-a-diem-den-moi-cua-xuat-khau-phi-tai-nguyen-tu-nga-post955663.vnp