Cập nhật: 18/06/2024 14:28:00
Xem cỡ chữ

Để phục vụ phát triển du lịch, thành phố Hạ Long đang xây dựng thực hiện các đề án nhận diện thương hiệu của mình, trở thành thành phố của lễ hội và hoa.

Màn trình diễn Drone light xếp hình đầy ấn tượng tại lễ khai mạc Carnaval Hạ Long. (Ảnh: Đức Hiếu/TTXVN)

Màn trình diễn Drone light xếp hình đầy ấn tượng tại lễ khai mạc Carnaval Hạ Long. (Ảnh: Đức Hiếu/TTXVN)

Hạ Long (Quảng Ninh), thành phố Di sản đang hướng tới thu hút được 10 triệu khách du lịch năm 2024. Để phục vụ phát triển du lịch, thành phố Hạ Long đang xây dựng thực hiện các đề án nhận diện thương hiệu của mình, trở thành thành phố của lễ hội và hoa.

Thành phố của hoa

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hạ Long Nguyễn Ngọc Sơn cho hay, việc xây dựng Hạ Long trở thành thành phố của hoa nhằm chỉnh trang diện mạo đô thị, nâng cao chất lượng sống của nhân dân, tạo cảnh quan đô thị đẹp, đẳng cấp hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Đồng thời tạo lập và xây dựng nhận diện thương hiệu “Hạ Long - Thành phố của hoa” gắn với “Hạ Long - Thành phố của lễ hội.”

Theo đề án "Hạ Long - Thành phố của hoa," trong giai đoạn năm 2024-2025, thành phố xây dựng, cải tạo được ít nhất 3 tuyến đường hoa do Nhà nước thực hiện và cải tạo nâng cấp các tuyến đường hoa thuộc khu vực trung tâm du lịch của thành phố do các chủ đầu tư (ngoài nhà nước) thực hiện; thực hiện cải tạo nâng cấp Công viên hoa Hạ Long; đầu tư xây dựng mới 3 điểm ngắm cảnh.

Giai đoạn 2026-2030, thành phố sẽ xây dựng kế hoạch, lộ trình để triển khai đầu tư các dự án, hạng mục các công trình còn lại, đáp ứng mục tiêu của đề án. Mỗi phường xây dựng ít nhất 1 vườn hoa hoặc đường hoa, phố hoa, cầu hoa, tháp hoa... 100 % cơ quan, công sở, trường học, cơ sở tổ chức kinh doanh về du lịch, thương mại trên địa bàn thành phố đảm bảo mỹ quan trụ sở, trong đó chú trọng đến việc trồng hoa, cây xanh trong khuôn viên, bố trí các loài cây, hoa theo mùa.

Thành phố đề xuất một số mô hình để các địa phương, cơ quan, đơn vị nghiên cứu thực hiện như: “Đường hoa-phố hoa,” “Điểm hoa,” “Vịnh Hoa,” “Làng hoa,” “Lớp hoa.” Các loại cây, hoa được đề xuất trong đề án đều là những loại cây đặc trưng của thành phố hoặc những loài phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng địa phương, như: các loại cây thân gỗ gồm bằng lăng, phượng vĩ, phượng vàng, tường vi...; cây dây leo gồm sử quân tử, đăng tiên, hoàng thảo, tử đằng, ti-gôn...; cây bụi gồm ngọc bút, mai chỉ thiên, ngũ sắc...

Tổng kinh phí triển khai xây dựng đề án "Hà Long - Thành phố của hoa" đoạn 2024 -2025 trên 43 tỷ đồng, giai đoạn 2026-2030 khoảng 270 tỷ đồng.

Thành phố của lễ hội

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hạ Long Nguyễn Ngọc Sơn cho hay, thành phố có nguồn tài nguyên du lịch văn hóa, lịch sử rất phong phú và độc đáo với 96 di tích lịch sử-văn hóa-danh thắng, đặc biệt là vịnh Hạ Long được UNESCO 3 lần ghi danh là Di sản thiên nhiên thế giới. Thành phố hiện có 13 lễ hội truyền thống và hiện đại, một số lễ hội truyền thống vừa qua đã được phục dựng, bảo tồn, phát huy.

Đề án “Hạ Long - Thành phố của lễ hội” dự kiến được triển khai năm 2025 với mục tiêu xây dựng Hạ Long trở thành trung tâm du lịch quốc gia, mang tầm quốc tế.

ttxvn_khai_mac_carnaval_ha_long_1806-2.jpg

Màn thực cảnh kết hợp các tàu thuyền biễu diễn tại lễ khai mạc Carnaval Hạ Long. (Ảnh: Đức Hiếu/TTXVN)

Để thực hiện đề án, Hạ Long sẽ phục dựng và tổ chức lại một số lễ hội truyền thống: Lễ mừng cơm mới của người Tày xã Dân Chủ, Lễ Đại Phan của dân tộc Sán Dìu thành phố Hạ Long, Lễ hội chùa Lôi Âm; Lễ hội đền Cái Lân; Lễ hội chùa Long Tiên.

Thành phố nâng cấp quy mô một số lễ hội truyền thống như Hội làng Bằng Cả, Lễ hội Đền vua Lê Thái Tổ...; xây dựng hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng di sản văn hóa phi vật thể đối với Lễ hội Đền Đức Ông Trần Quốc Nghiễn (năm 2025), Lễ hội đền Vua Lê Thái Tổ (năm 2027).

Thành phố sẽ tổ chức một số lễ hội, sự kiện văn hóa du lịch mới: Lễ hội đua thuyền buồm thể thao và thuyền rồng truyền thống thành phố Hạ Long; Lễ hội hoa anh đào và Tuần văn hóa Nhật Bản tại Hạ Long; Lễ hội dù bay có động cơ và dù lượn; Lễ hội Trăng rằm và trình diễn ánh sáng nghệ thuật bên vịnh Di sản; Ngày di sản vịnh Hạ Long; Lễ hội hoa Xuân Hạ Long; Lễ hội hoa tại thiên đường hoa Quảng La, Lễ hội mùa ổi chín...

Một trong điểm nhấn của thành phố là Lễ hội Carnaval Hạ Long. Đây là lễ hội cấp tỉnh, được tổ chức thường niên. Đặc biệt, trong kỳ nghỉ lễ 30/4-01/5 vừa qua, thành phố đón tiếp 198 đoàn đại biểu trong và ngoài nước trong Lễ hội Carnaval Hạ Long 2024.

Lễ hội cũng thu hút gần 7.000 người dân, du khách xem trực tiếp tại khán đài và trên 300 nghìn lượt người tham gia trải nghiệm qua hệ thống màn hình Led và có mặt tại khu du lịch Bãi Cháy tận hưởng không khí của chương trình lễ hội.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hạ Long chia sẻ, qua việc triển khai các đề án Thành phố lễ hội và hoa, Hạ Long kỳ vọng du lịch thành phố sẽ có những bước chuyển mình tích cực hơn nữa, tạo ra ngày càng nhiều sản phẩm du lịch đặc sắc, đẳng cấp, thu hút khách du lịch, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng của nền kinh tế và là một trong những động lực để xây dựng thành phố Hạ Long “Giàu đẹp, kiểu mẫu, hiện đại, văn minh, nghĩa tình,” thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ mà tỉnh đã giao.

Theo Ủy ban Nhân dân thành phố Hạ Long, trong 6 tháng đầu năm 2024, tổng khách du lịch đến Hạ Long ước đạt hơn 5,2 triệu lượt, tăng 27% so cùng kỳ 2023. Tổng thu từ du lịch ước đạt 11.588 tỷ đồng, tăng 27% so cùng kỳ 2023. Du lịch của thành phố Hạ Long đang trên đà phục hồi rất nhanh sau COVID-19./.

Theo  (TTXVN/Vietnam+)

https://www.vietnamplus.vn/quang-ninh-ha-long-xay-dung-thuong-hieu-thanh-pho-le-hoi-va-hoa-post959708.vnp