Hải Vân Quan là một đồn lũy quân sự trấn thủ tại đỉnh đèo Hải Vân với nhiều công trình gồm hệ thống thành lũy, nhà kho, trụ sự, pháo đài thần công, được xếp hạng Di tích Quốc gia năm 2017.
Sau thời gian thực hiện trùng tu, từ ngày 1/8/2024, di tích Hải Vân Quan sẽ bắt đầu đón khách tham quan.
Di tích Hải Vân Quan được tỉnh Thừa Thiên-Huế và thành phố Đà Nẵng phối hợp trùng tu từ cuối năm 2021, với tổng mức kinh phí hơn 42 tỷ đồng từ nguồn ngân sách của hai địa phương.
Đến nay, dự án đã hoàn thành và hai địa phương thống nhất công tác khai thác, phát huy giá trị di tích.
Đặc biệt, Di tích Hải Vân Quan sẽ miễn phí tham quan cho người dân, du khách cho đến khi thống nhất việc xây dựng bảng giá vé phù hợp.
Hải Vân Quan được xây dựng vào năm Minh Mạng thứ 7 (1826), tọa lạc trên đỉnh đèo Hải Vân (Ải Vân, Ngãi Lãnh, Ải Vân Sơn, Ải Lĩnh…), phía Tây núi Hải Vân, chỗ giáp vai giữa hai ngọn Hải Vân Sơn (phía Đông) và Bà Sơn (phía Tây), ở độ cao 496m so với mặt nước biển, thuộc dãy núi Bạch Mã-Hải Vân.
Hải Vân Quan nằm trên địa phận thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc (Thừa Thiên-Huế) và phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu (thành phố Đà Nẵng), cách trung tâm thành phố Huế khoảng 90km về phía Nam, trung tâm thành phố Đà Nẵng khoảng 28km về phía Bắc.
Ở Hải Vân Quan, cửa trông về phủ Thừa Thiên đề ba chữ "Hải Vân Quan," cửa trông xuống Quảng Nam đề "Thiên hạ đệ nhất hùng quan."
Một bên góc bảng còn ghi thêm "Minh Mệnh thất niên cát nhật tạo" và làm vào ngày tốt năm Minh Mệnh thứ 7 (1826).
Nhiều thư tịch cổ đã ghi lại vị trí và tầm quan trọng của núi Hải Vân và Hải Vân Quan: trong “Dư địa chí” do Nguyễn Trãi biên soạn vào năm 1435, đã nói đến địa danh “Ải Vân,” Dương Văn An đời Mạc trong “Ô châu cận lục” (1555), Hòa thượng Thích Đại Sán trong “Hải ngoại ký sự” (cuối thế kỷ 17), Lê Quý Đôn trong “Phủ biên tạp lục” (cuối thế kỷ 18) đều cho biết sự bao la hiểm trở của núi và ải Hải Vân, là một nơi xung yếu trên con đường từ Thuận Hóa đi vào Quảng Nam và đều có cửa ải, đặt binh canh giữ.
Cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, Đại Nam nhất thống chí của Quốc Sử quán triều Nguyễn và nhiều bản đồ xuất bản dưới thời Nguyễn như Thừa Thiên toàn đồ (1832), Đồng Khánh ngự lãm địa dư chí đồ (1886- 1888), Đại Nam nhất thống chí (Duy Tân năm thứ 3-1909) đều ghi rõ, chi tiết vị trí của núi Hải Vân và Hải Vân Quan.
Di tích Hải Vân Quan là một đồn lũy quân sự trấn thủ tại đỉnh đèo Hải Vân với nhiều công trình gồm hệ thống thành lũy, nhà kho, trụ sự, pháo đài thần công…
Dưới thời nhà Nguyễn, Hải Vân Quan là cửa ải quan trọng, là cửa ngõ vào Kinh đô Huế từ phía Nam. Chính vì vậy triều Nguyễn đã tập trung lực lượng và vũ khí quy mô ở Hải Vân Quan để trấn giữ.
Đây là công trình chứa đựng nhiều giá trị về văn hóa, lịch sử và cũng là thắng cảnh nổi tiếng, góp phần vào sự phát triển du lịch của 2 địa phương Thừa Thiên-Huế và thành phố Đà Nẵng.
Năm 2017, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã có quyết định xếp hạng Hải Vân Quan là Di tích cấp Quốc gia.
Không chỉ là là di tích kiến trúc có giá trị to lớn về lịch sử, quân sự, Hải Vân quan còn có vị trí đẹp, nằm bên con đường thiên lý Bắc-Nam, thu hút đông đảo khách tham quan. Nếu có dịp du lịch Huế, du khách hãy ghé thăm nơi đây để hiểu hơn về lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc.
Đến với Hải Vân quan, du khách sẽ bị chinh phục hoàn toàn bởi cảnh sắc tuyệt đẹp tại nơi đây. Đứng từ cửa quan, phóng tầm mắt về phía đèo Hải Vân kỳ quan, bạn sẽ được chiêm ngưỡng trọn vẹn cảnh núi non hùng vỹ, những cung đường đèo uốn lượn, xa hơn là mặt biển xanh bao la, trời cao vời vợi./.
Theo (Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/thua-thien-hue-di-tich-hai-van-quan-se-don-khach-tham-quan-mien-phi-tu-ngay-18-post967872.vnp