Cập nhật: 15/08/2024 11:00:00
Xem cỡ chữ

Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị chức năng chỉ đạo các Tổng Công ty Điện lực dự báo chính xác về công suất phụ tải cực đại, có phương án vận hành phù hợp nhằm ứng phó với các tình huống cực đoan.

Nhân viên EVN kiểm tra vận hành các thiết bị điện. (Ảnh: Evn)

Nhân viên EVN kiểm tra vận hành các thiết bị điện. (Ảnh: Evn)

Dự báo nắng nóng vẫn tiếp tục kéo dài, do vậy Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị chức năng theo dõi sát tình hình thực tế để có phương thức vận hành hệ thống điện phù hợp, đảm bảo cung cấp điện.

Phụ tải điện tăng 11%

Báo cáo của Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) cho thấy từ ngày 5/8 đến 11/8, sản lượng điện trung bình ngày là 959,1 triệu kWh, cao hơn so với tuần trước khoảng 95,9 triệu kWh, trong đó phụ tải miền Bắc đạt 488,5 triệu kWh.

Trong khoảng thời gian từ ngày 7/8 đến ngày 10/8, do ảnh hưởng đợt nắng nóng gay gắt khu vực như Sơn La, Hòa Bình và đồng bằng Bắc Bộ đạt trên 38 độ C và lan rộng xuống các tỉnh miền Trung như Thanh Hóa và Phú Yên, phụ tải miền Bắc tăng dần từ mức 458 triệu kWh (ngày thứ 2) lên mức 528 triệu kWh (ngày thứ 7), trung bình mỗi ngày phụ tải tăng xấp xỉ 10-15 triệu kWh và công suất đỉnh tăng xấp xỉ 600-800 MW.

Thống kê cho thấy trong tuần trước, phụ tải miền Bắc và quốc gia đã đạt những giá trị lớn nhất tính từ đầu năm, cụ thể lúc 14h05 ngày 9/8 Pmax quốc gia đạt 48.954,6 MW, lúc 13h30 ngày 10/08 Pmax miền Bắc đạt 25.456,2 MW. Còn tính từ đầu năm đến nay, phụ tải Quốc gia tăng trưởng khoảng 11% so với cùng kỳ năm 2023 (miền Bắc tăng 11,1%, miền Trung 9,8%, miền Nam 11,3%).

Để đảm bảo đáp ứng phụ tải trong các ngày nắng nóng trong tuần vừa qua tại miền Bắc, ngay từ đầu tuần Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Vận hành hệ thống điện và thị trường điện Quốc gia (NSMO) đã lệnh khởi động các tổ máy đang dự phòng (xấp xỉ 3.000 MW), linh hoạt huy động các tổ máy tuabin khí miền Nam đang dự phòng để tăng cường công suất truyền tải ra miền Bắc trong các khung giờ cao điểm để đảm bảo an ninh cung cấp điện.

Đại diện cơ quan chức năng thông tin, trong tuần vừa qua đã tăng khai thác tối đa các hồ Sơn La, Hòa Bình, Tuyên Quang để đưa mức nước các hồ về mức nước trước lũ áp dụng trong thời kỳ lũ chính vụ từ ngày 20/7-21/8 quy định trong Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng (740/QĐ-TTg ngày 17/06/2019).

Sản lượng còn lại trong hồ tính đến 0h ngày 11/08 toàn hệ thống là 7415,6 triệu kWh, cao hơn 1417 triệu kWh so với kế hoạch năm. So sánh với kế hoạch tháng 8, sản lượng còn lại thực tế trong hồ cao hơn 1.299,7 triệu kWh. Sản lượng trung bình ngày trong tuần trước khoảng 422 triệu kWh.

Số liệu trong tuần trước, sản lượng trung bình ngày trong tuần huy động nhiệt điện than khoảng 349 triệu kWh. "Việc huy động các nhà máy nhiệt điện than theo nhu cầu hệ thống và để đảm bảo các ràng buộc giới hạn truyền tải của lưới điện, quán tính hệ thống và chất lượng điện áp. Đặc biệt, không có tổ máy bất khả dụng do thiếu than," đại diện Cục Điều tiết điện lực cho hay.

Trong khi đó, sản lượng nhiệt điện khí huy động trung bình khoảng 56,2 triệu kWh trong tuần trước, đơn cử năng lượng tái tạo (không tính thuỷ điện) sản lượng trung bình ngày trong tuần khoảng 113,7 triệu kWh, trong đó nguồn gió là 26,5 triệu kWh.

Ưu tiên huy động các nhà máy thủy điện

Để đảm bảo điện trong tuần (từ ngày 12/8 đến 18/8), cơ quan chức năng sẽ huy động các nhà máy thủy điện căn cứ tình hình thủy văn thực tế và định hướng điều tiết tối ưu trong kế hoạch vận hành tháng 8/2024, ưu tiên huy động các nhà máy thủy điện để tận dụng nguồn tài nguyên nước, hạn chế tối đa việc xả thừa đồng thời đáp ứng các ràng buộc lưới điện, nhu cầu hệ thống, mực nước và yêu cầu cấp nước hạ du theo Quy trình liên hồ.

IMG_6287.JPG

Phát triển điện gió tại tỉnh Bình Thuận. (Ảnh: Ngọc Long/Vietnam+)

Cơ quan chức năng cũng yêu cầu huy động các nhà máy nhiệt điện than theo nhu cầu hệ thống, đồng thời đảm bảo các ràng buộc giới hạn truyền tải của lưới điện, quán tính hệ thống và chất lượng điện áp, cũng như huy động các nhà máy tuabin khí theo theo nhu cầu hệ thống, khả năng cấp khí đồng thời đảm bảo các ràng buộc giới hạn truyền tải của lưới điện, chất lượng điện áp và yêu cầu vận hành an toàn, ổn định của các mỏ khí.

Đồi với năng lượng tái tạo, cơ quan chức năng lưu ý huy động cao nhất có thể theo nguồn nhiên liệu sơ cấp, đảm bảo hệ thống điện vận hành an toàn, tin cậy, ổn định và không làm quá tải các phần tử trên hệ thống điện.

Mặc dù về cơ bản hệ thống điện đáp ứng đủ nhu cầu phụ tải điện. Tuy vậy, nhằm chủ động ở mức cao nhất, Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị phát điện theo dõi sát sao lưu lượng nước về để điều chỉnh mức nước vận hành phù hợp đảm bảo an toàn công trình và không làm phát sinh dòng chảy đột biến ở hạ lưu.

Về công tác vận hành, chỉ đạo các Tổng Công ty Điện lực dự báo chính xác về công suất phụ tải cực đại, có phương án vận hành phù hợp nhằm ứng phó với các tình huống cực đoan, yêu cầu các đơn vị phát điện có giải pháp đảm bảo vận hành công suất ổn định thấp nhất, thời gian khởi động tổ máy, tăng giảm tải đúng quy định trong hợp đồng mua bán điện.

Song song đó, Bộ Công Thương cũng đề nghị các đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền tiết kiệm điện trên phạm vi ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam./.

Theo (Vietnam+)

 https://www.vietnamplus.vn/du-bao-chinh-xac-cong-suat-phu-tai-dien-ung-pho-voi-cac-tinh-huong-cuc-doan-post970248.vnp