Với mỗi cán bộ chiến sĩ Hải quân Trạm Rađa 575 (Trung đoàn 451, Vùng 4 Hải quân) đứng chân trên huyện đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận thì: Đảo là nhà, biển cả là quê hương, màn hình hiện sóng là chiến trường. Cả đơn vị ngày đêm cùng “mắt thần” của biển canh gác, bảo vệ vùng trời, vùng biển của Tổ quốc.
Gạt nỗi nhớ, vượt khó khăn
Hơn 30 năm công tác tại Trạm Rađa 575, Thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp Lương Thế Tùng vẫn còn nhớ như in thời gian đầu mới về đây làm việc.
Thiếu tá Tùng cho biết, lúc mới bước chân lên đảo, nơi đây còn hoang sơ lắm, điện chưa có, người dân thưa thớt, cuộc sống của bà con cũng như người lính ở đây rất khó khăn. Thiếu thốn đủ bề, nhất là việc di chuyển ra vào đảo, phải đi bằng thuyền gỗ và mất hơn 12 tiếng đồng hồ.
Còn Thượng uý quân nhân chuyên nghiệp Diệp Thế Anh, nhân viên quân y đảm nhiệm luôn việc lái xe của Trạm Rađa 575 chia sẻ, dù đơn vị đóng quân trên núi cao đảo xa, điều kiện đi lại cũng khó khăn, vất vả nhưng anh luôn sẵn sàng nhận và hoàn thành nhiệm vụ cấp trên giao phó.
Khu tăng gia của Trạm. Ảnh: Đoàn Sĩ
Thượng uý Diệp Thế Anh về công tác ở đây từ năm 2013 và điều khiến anh ấn tượng nhất là sự chân chất, hiền lành của người dân vùng đảo: "Đối với công tác chuyên môn, tôi cũng tham gia vào các hoạt động khám chữa bệnh, tư vấn cũng như điều trị cho nhân dân địa phương nơi đóng quân. Nhân dân cần sự hỗ trợ thì tôi sẵn sàng giúp đỡ. Có khi người dân tặng lại cho mình món quà rất dễ thương, điều đó làm tôi rất ấn tượng".
Chính sự chân chất, hiền lành của người dân huyện đảo Phú Quý đã “níu chân” anh Lương Thế Tùng và Diệp Thế Anh cùng với 5 cán bộ, chiến sĩ khác của Trạm ở lại đảo làm việc và dựng xây gia đình. Đây chính là nguồn động viên tinh thần để anh em cán bộ chiến sĩ Trạm Rađa 575 an tâm bám đảo hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Với cán bộ có gia đình ở đất liền như Trung uý quân nhân chuyên nghiệp Bùi Đình Thương thì nỗi nhớ được nén lại để bám đảo hoàn thành nhiệm vụ: "Tôi rất vinh dự và tự hào khi về đảo công tác. Dù xa gia đình, nhớ vợ con nhưng với ý chí quyết tâm, gạt đi nỗi nhớ để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Anh em ở đây rất hoà đồng, đoàn kết, yêu thương giúp đỡ lẫn nhau".
Trạm Rađa 575 thành lập 1977, là trạm được thành lập sớm nhất của Vùng 4 Hải quân. Trạm có chức năng tổ chức quan sát, phát hiện và theo dõi hoạt động của các phương tiện trên biển, trên không tầm thấp trong tầm quan sát của rađa và khí tài quang học. Bình quân mỗi năm Trạm Rađa 575 đã cung cấp thông tin cho cấp trên hàng chục vụ tàu thuyền xâm phạm vùng biển Việt Nam và được xử lý triệt để.
Khu A của Trạm Rada 575 cao hơn 100m so với mặt nước biển. Ảnh: Đoàn Sĩ
Đại uý Phạm Văn Vũ, Trạm trưởng Trạm Rađa 575 thông tin thêm, vì ở trên núi cao nên đường giao thông đi lại vất vả, thiếu nguồn nước phục vụ cho sinh hoạt hằng ngày, nhất là vào mùa nắng nóng: "Đặc thù của đơn vị là đóng quân chia làm 2 khu. Khu B ở dưới và khu A ở trên, trên đỉnh núi, cách so với mực nước biển là khoảng hơn 100 mét. Hiện tại, chưa có đường nhựa, khi hết ca sinh hoạt thì anh em từ trên khu A đi xuống khu B để tắm hằng ngày. Đặc biệt, là những hôm mà trời nắng nóng, anh em phải vận chuyển nước bằng can lên đây để phục vụ sinh hoạt".
Đi dân nhớ, ở dân thương
Khó khăn là vậy nhưng nhờ sự quan tâm của Đảng, chính quyền địa phương, sự chở che, đùm bọc của người dân trên đảo, cán bộ chiến sĩ Trạm Rađa 575 đã động viên nhau, đoàn kết, thương yêu, giúp nhau vượt qua, để hoàn thành nhiệm vụ.
Thượng uý Nguyễn Khắc Quân, Chính trị viên Trạm Rađa 575 cho biết, để đạt được kết quả trên, 100% cán bộ chiến sĩ đơn vị đều nêu cao tinh thần trách nhiệm của mình. Cùng với đó là sự tạo điều kiện từ chính quyền địa phương và bà con ở đây: "Bà con nhân dân ở đây cũng tạo điều kiện cho đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ tuần tra, quan sát và qua các hoạt động giúp dân thì cũng được bà con cũng như xã đánh giá rất cao về các hoạt động bảo vệ môi trường biển, làm sạch biển và trong thực hiện nhiệm vụ ở đơn vị thì cũng được sự giúp đỡ của bà con rất nhiều".
Không chỉ có vậy, đơn vị còn nhận đỡ đầu nhiều học sinh con em trên đảo có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục được đến trường. Chị Võ Thị Thảo, người dân xã Ngũ Phụng, huyện Phú Quý, tỉnh Bình Thuận, gần khu vực Trạm Rađa 575 cho biết, do chồng chị bị mất sớm, nên hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn. Từ lúc 2 đứa con của chị được trạm nhận đỡ đầu làm con nuôi, việc ăn học của các cháu được thuận tiện hơn rất nhiều: "Đơn vị luôn quan tâm và tạo điều kiện cho gia đình em. Từ khi có sự quan tâm của chỉ huy Trạm 575 nhận đỡ đầu cho con em, thành tích học tập của con em ngày càng tiến bộ. Vào năm học, các anh, các chú cũng xuống để thăm hỏi động viên, hay ngày lễ, Tết cũng xuống tặng quà".
Khó có thể kể hết sự hy sinh thầm lặng và những vất vả của những người lính rada Hải quân đang đứng chân trên đảo xa. Dù nắng gắt hay mưa giông, họ vẫn đang ngày đêm cùng “mắt thần” của biển canh gác, bảo vệ vùng biển, vùng trời Tổ quốc, góp phần mang lại sự bình yên cho cuộc sống.
Theo Đoàn Sĩ/VOV-TP.HCM
https://vov.vn/xa-hoi/nhung-nguoi-linh-mat-than-cua-bien-post1114583.vov