Theo Tiến sĩ Vũ Thị Hồng Dung, nếu không xây dựng lực lượng vũ trang, thực lực mạnh thì khó có thể nắm bắt được thời cơ. Cách mạng Tháng Tám là một ví dụ điển hình.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã khẳng định sức mạnh của nhân dân, vai trò quan trọng của tập hợp lực lượng, đoàn kết toàn dân để giành độc lập dân tộc. Những bài học từ sự kiện lịch sử này vẫn còn nguyên giá trị cho việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong tình hình hiện nay.
Phóng viên VOV phỏng vấn Tiến sĩ Vũ Thị Hồng Dung, Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh về nội dung này.
Tiến sĩ Vũ Thị Hồng Dung, Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh
PV: Để chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, Đảng ta đã có sự chuẩn bị về lực lượng vũ trang như thế nào, thưa bà?
TS Vũ Thị Hồng Dung: Xuất phát từ quan điểm cách mạng là sự nghiệp của quần chúng và cách mạng muốn thành công thì phải dùng bạo lực cách mạng. Trong đó, lực lượng vũ trang là một trong những lực lượng quan trọng của bạo lực cách mạng. Để cách mạng giải phóng dân tộc, tổng khởi thành công, Đảng đã chủ trương xây dựng lực lượng vũ trang từ sớm.
Từ chủ trương của Hội nghị Trung ương Đảng lần 8 (5/1941): Cách mạng Đông Dương phải kết liễu bằng một cuộc khởi nghĩa võ trang, theo đó công tác xây dựng lực lượng vũ trang được đẩy mạnh. Sau Hội nghị Trung ương 8, Đội Du kích Bắc Sơn đã được thành lập.
Từ năm 1941 đến 1944, ba trung đội cứu quốc quân được thành lập. Cuối năm 1944, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân và giao nhiệm vụ cho đồng chí Võ Nguyên Giáp chịu trách nhiệm thành lập Đội. Ngày 22/12/1944, Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân được thành lập.
Như vậy, Đảng đã lãnh đạo xây dựng lực lượng vũ trang của tổng khởi nghĩa Tháng Tám là các đội tự vệ, các đội du kích, các trung đội cứu quốc quân; Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân… và đến ngày 15/5/1945, Nghị quyết Hội nghị Quân sự Bắc Kỳ đã quyết định hợp nhất Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân với Cứu quốc quân và các lực lượng vũ trang khác thành Việt Nam Giải phóng quân.
Xe loa phát lệnh Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945 tại Hà Nội. Ảnh tư liệu
PV: Sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc, trong đó đoàn kết giữa lực lượng vũ trang với quần chúng là yếu tố then chốt để giành thắng lợi trong Cách mạng Tháng Tám. Trong tình hình hiện nay, đoàn kết quân – dân có được coi là một nền tảng vững chắc để chúng ta có thể xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân cũng như thế trận quốc phòng toàn dân?
TS Vũ Thị Hồng Dung: Đúng vậy. Đại đoàn kết là truyền thống của dân tộc Việt Nam và là một trong những cội nguồn làm nên sức mạnh nội lực của dân tộc. Nhờ có đại đoàn kết, nhân dân ta mới giành được những thắng lợi trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm và trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đúc kết “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công.” Mới đây, ngày 24/11/2023, Nghị quyết số 43-NQ/TƯ của Đảng về “Tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc” nêu rõ, cần củng cố đoàn kết trong nội bộ Đảng, đoàn kết giữa Việt Nam với quốc tế, và đoàn kết giữa Đảng với nhân dân.
Xây dựng đoàn kết giữa quân và dân là một nền tảng cơ bản để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đều nói: “Quân đội ta từ nhân dân mà ra”, quan hệ giữa quân và dân như “cá với nước". Nếu không có nhân dân thì không có quân đội, và quân đội là một lực lượng nòng cốt để bảo vệ nhân dân. Quan hệ giữa quân với dân là mối quan hệ bổ trợ, tác động qua lại và song hành, tạo nên tình đoàn kết khăng khít, gắn bó. Đó là mối quan hệ tự nhiên được hình thành từ truyền thống, thực tiễn đấu tranh cách mạng và tạo nên sức mạnh của dân tộc.
Ngày 19/8/1945, hàng vạn người dân Thủ đô dự míttinh tại Quảng trường Nhà hát Lớn thành phố chào mừng thắng lợi của Cách mạng tháng Tám. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
PV: Trong Cách mạng Tháng Tám, lực lượng vũ trang của ta còn rất non trẻ, vũ khí trang bị thô sơ nhưng đã hỗ trợ quần chúng khởi nghĩa đấu tranh giành chính quyền. Hiện nay, lưc lượng vũ trang, trong đó có quân đội được xây dựng theo hướng tinh, gọn, mạnh và phấn đấu từ năm 2030 xây dựng quân đội hiện đại. Theo bà, điều này có ý nghĩa như thế nào trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc hiện nay?
TS Vũ Thị Hồng Dung: Ngược dòng lịch sử trở về thời điểm ra đời của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân – một đội quân đàn anh của lực lượng vũ trang cách mạng lúc đó. Khi Đội thành lập, chỉ có 34 chiến sĩ toàn là nam giới. Về trang thiết bị vũ khí, Đội có: 2 khẩu súng thập, 17 khẩu súng trường giáp năm, giáp ba của Pháp, một số khẩu súng kíp, súng hoả mai, 1 khẩu tiểu liên, 3 khẩu Cônbát Mỹ, 6 quả bom lửa, 150 viên đạn, 1 hộp bom nổ chậm, còn lại là mã tấu, giáo, mác. Đội có 500 đồng tiền Đông Dương để chi dùng do Hồ Chí Minh trích từ quỹ Đảng ra.
Đưa ra những con số này để chúng ta thấy rằng buổi ban đầu, lực lượng vũ trang về mọi mặt đều rất nhỏ bé và thiếu thốn. Nhưng nhờ kết hợp với sức mạnh của quần chúng nhân dân, chúng ta đã giành được thắng lợi trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Trong bối cảnh hiện nay, với chủ trương xây dựng quân đội tinh, gọn, mạnh, từng bước hiện đại, có một số lực lượng tiến thẳng lên hiện đại và mục tiêu phấn đấu từ năm 2030 xây dựng quân đội hiện đại, tôi thấy là hoàn toàn phù hợp. Bởi vì, so với trước, bối cảnh tình hình, yêu cầu nhiệm vụ có khác biệt lớn. Nhiệm vụ bây giờ là xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước, bảo vệ nhân dân, bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Nếu không xây dựng lực lượng vũ trang, thực lực mạnh thì khó có thể nắm bắt được thời cơ.
Cách mạng Tháng Tám là một ví dụ điển hình. Khi chiến tranh thế giới thứ hai gần đến hồi kết thúc, phát xít Nhật tuyên bố đầu hàng đồng minh, đem đến thời cơ thuận lợi cho tất cả các nước là thuộc địa của phát xít Nhật, Pháp, nhưng chỉ có Việt Nam là nước tiến hành tổng khởi nghĩa giành được độc lập. Điều này chứng tỏ chúng ta đã xây dựng được thực lực, có sức mạnh nội lực, nên khi thời cơ đến mới nắm bắt được.
Hiện tại, Việt Nam chưa phải là một quốc gia giàu mạnh như các cường quốc, nhưng việc đầu tư, tập trung xây dựng quân đội tinh, gọn, mạnh theo hướng hiện đại là điều hết sức cần thiết. Vì quân đội là một lực lượng vũ trang nòng cốt để bảo vệ Tổ quốc trong bất kỳ tình huống nào, đảm bảo cuộc sống bình yên, hoà bình cho nhân dân. Tuy nhiên, việc tập trung nguồn lực cho đầu tư xây dựng quân đội hiện đại nên cần phải phù hợp với điều kiện của đất nước.
Đường lối chiến tranh nhân dân là nhân tố quyết định đến thắng lợi của cách mạng
PV: Bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ và trách nhiệm của toàn dân, trong đó lực lượng vũ trang là nòng cốt. Như vậy, nếu bảo vệ Tổ quốc mà chỉ dựa vào sức mạnh của lực lượng vũ trang là chưa đủ, mà cần phải huy động sự vào cuộc của toàn dân. Đây là việc chúng ta tiếp tục kế thừa và phát triển đường lối chiến tranh nhân dân trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc hiện nay?
TS Vũ Thị Hồng Dung: Đúng như vậy. Đảng ta đã đúc kết rằng, cách mạng là sự nghiệp của quần chúng và nhân dân là người làm nên lịch sử. Đảng luôn lấy dân làm gốc và xác định xây dựng chế độ nhà nước trong đó Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân là chủ thể. Như vậy, nhân dân vừa là chủ thể xây dựng, bảo vệ đất nước, vừa là đối tượng thụ hưởng thành quả.
Trong thời đại ngày nay, khi chúng ta phát triển, mặc dù xu hướng chung của thế giới là hòa bình, hữu nghị, hợp tác, nhưng thực tiễn cho thấy vẫn có những điểm nóng như xung đột Nga-Ukraine, dải Gaza… cùng mối quan hệ phức tạp giữa các cường quốc có ảnh hưởng đến nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Vì thế, mỗi quốc gia đều cần có thực lực để phát triển và cùng tồn tại hoà bình. Yếu tố quan trọng để bảo vệ đất nước, chứng tỏ sức mạnh nội lực của quốc gia chính là tiềm lực, sức mạnh quốc phòng, an ninh và sức mạnh của quần chúng nhân dân. Trong đó, lực lượng vũ trang, quân đội nhân dân, phải được xây dựng vững mạnh và phải phát huy được sức mạnh, sự sáng tạo của nhân dân, của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Chỉ khi có thực lực, chúng ta mới có thể mạnh mẽ, tồn tại và hội nhập quốc tế…
PV: Quay trở lại lịch sử, sau Cách mạng Tháng Tám, chúng ta phải đương đầu với thù trong giặc ngoài và nếu không huy động được sức mạnh của toàn dân, không tiến hành đường lối chiến tranh nhân dân thì khó lòng mà bảo vệ được thành quả cách mạng?
TS Vũ Thị Hồng Dung: Một trong những phương châm xử thế của chúng ta khi đó là “Dĩ bất biến ứng vạn biến” và phát huy sức mạnh của khối đoàn kết toàn dân dưới hình thức chiến tranh nhân dân. Chiến tranh nhân dân là một nghệ thuật quân sự đặc sắc của dân tộc. Lấy yếu thắng mạnh, lấy ít địch nhiều, đánh lâu dài để chuyển hóa lực lượng, vừa đánh vừa xây dựng lực lượng và buộc địch phải đánh theo cách đánh của ta… nó giúp chúng ta giành những thắng lợi vĩ đại.
Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, nếu không có sức mạnh của quần chúng nhân dân và chiến tranh nhân dân, sẽ không có chiến thắng Điện Biên Phủ. Sức người, sức của chúng ta huy động cho chiến dịch này đã khiến người Pháp và thế giới không thể ngờ tới. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đường lối chiến tranh nhân dân, kháng chiến toàn dân đã trở thành nghệ thuật chiến tranh nhân dân. Nhiều học giả nước ngoài thừa nhận sức mạnh kỳ diệu của đường lối chiến tranh nhân dân và Mỹ cũng cho rằng nhân dân Việt Nam, quân đội Việt Nam mới là lực lượng cơ động mạnh nhất thế giới chứ không phải quân đội Mỹ.
Vì Việt Nam với lực lượng vũ trang ba thứ quân, với tinh thần ý chí của nhân dân Việt Nam, quân Mỹ có thể bị tấn công ở bất kỳ đâu, bất cứ khi nào, bởi bất cứ lực lượng nào từ bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích đến quần chúng nhân dân với mọi lứa tuổi bằng mọi thứ vũ khí có trong tay. Đường lối chiến tranh nhân dân là nhân tố quyết định quan trọng đến thắng lợi của cách mạng.
PV: Hiện nay, quân đội đã đầu tư mua sắm thêm nhiều trang thiết bị hiện đại để củng cố tiềm lực quốc phòng, gia tăng sức mạnh bảo vệ Tổ quốc. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, hiện nay xu thế hoà bình hợp tác là dòng chảy chủ đạo, chúng ta không nhất thiết phải đầu tư mua sắm nhiều vũ khí thế, sẽ gây tốn kém cho ngân sách. Dưới góc nhìn của người nghiên cứu lịch sử, bà có quan điểm như thế nào?
TS Vũ Thị Hồng Dung: Hiện nay chúng ta đang kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Để thực hiện thắng lợi mục tiêu trên chúng ta cần có tiềm lực, sức mạnh quốc phòng hỗ trợ. Khi công cuộc xây dựng đất nước thắng lợi, thực lực đất nước mạnh thì sẽ có điều kiện đầu tư cho xây dựng quân đội mạnh.
Xu thế phát triển của thế giới hiện tại với những thời cơ, thách thức, khó khăn không nhỏ đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Thế nên, dù là thời bình thì việc mua sắm vũ khí để tăng cường sức mạnh của lực lượng vũ trang, quân đội vẫn rất cần thiết. Song, cần xác định thế nào để phù hợp với điều kiện hoàn cảnh của đất nước, đảm bảo hài hoà giữa các yếu tố để đất nước phát triển vững mạnh.
PV: Xin cảm ơn bà.
Theo Trường Giang/VOV
https://vov.vn/chinh-tri/cach-mang-thang-tam-la-mot-vi-du-dien-hinh-ve-xay-dung-luc-luong-vu-trang-manh-post1114747.vov