Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đổi mới tư duy xây dựng pháp luật theo hướng: Bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn khách quan; nội dung chính sách phải khái quát, ngắn gọn, cụ thể, đi thẳng vấn đề.
Sáng 27/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 8 năm 2024 (lần thứ hai) để thảo luận, cho ý kiến đối với các Dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp (sửa đổi), Dự án Luật Nhà giáo, Dự án Luật Công nghiệp công nghệ số.
Dự phiên họp có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Nguyễn Hòa Bình, Lê Thành Long, Hồ Đức Phớc; các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.
Mở đầu Phiên họp, chào mừng các Phó Thủ tướng, Bộ trưởng mới được Quốc hội phê chuẩn và Tổng bí thư, Chủ tịch nước trao quyết định bổ nhiệm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính mong muốn các Phó Thủ tướng, Bộ trưởng mới được bổ nhiệm cùng tập thể Chính phủ phát huy hơn nữa đoàn kết, thống nhất, kỷ cương, liêm chính, đổi mới sáng tạo, hành động quyết liệt, hiệu quả, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, nhất là các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.
Trước mắt là nỗ lực hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2024 và đề ra phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội năm 2025; góp phần vào kết quả 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030, phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2026-2030.
Phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Thủ tướng Chính phủ cho biết phiên họp này là phiên họp thứ 2 trong tháng 8 năm 2024 và là Phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật thứ 8 trong năm nay của Chính phủ; tiếp tục thực hiện một trong 3 đột phá chiến lược đã được Đại hội lần thứ XIII của Đảng xác định, nhằm bổ sung, hoàn thiện thể chế, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khơi thông cho phát triển.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đổi mới tư duy xây dựng pháp luật theo hướng: Bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn khách quan; những vấn đề đã chín, đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, đa số đồng tình, thực hiện có hiệu quả thì luật hóa; những vấn đề chưa chín, chưa rõ thì thực hiện thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần; không cầu toàn, không nóng vội; nội dung chính sách pháp luật phải khái quát, ngắn gọn, cụ thể, đi thẳng vấn đề.
Theo Thủ tướng, các dự án luật được xem xét tại Phiên họp đều là những nội dung quan trọng, xuất phát từ yêu cầu thực tiễn. Trong số đó, việc xây dựng Dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp (sửa đổi) nhằm quản lý tốt hơn vốn nhà nước tại doanh nghiệp, song cũng tháo gỡ vướng mắc, huy động nguồn lực, tài sản của Nhà nước cho phát triển.
Dự án Luật Nhà giáo nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, sứ mệnh trồng người của đội ngũ nhà giáo trong điều kiện mới, với quan điểm “thầy cô giáo là động lực, truyền cảm hứng cho học sinh, sinh viên.”
Dự án Luật Công nghiệp công nghệ số nhằm tạo hành lang pháp lý thúc đẩy thúc đẩy phát triển, song tăng quản lý nhà nước trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ số.
Theo chương trình, tại Phiên họp, Chính phủ nghe trình bày Tờ trình tóm tắt, báo cáo tiếp thu ý kiến thẩm định; đồng thời thảo luận các nội dung chính sách tại các Dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp (sửa đổi), Dự án Luật Nhà giáo, Dự án Luật Công nghiệp công nghệ số./.
Theo (TTXVN/Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/thu-tuong-chinh-sach-phap-luat-phai-khai-quat-ngan-gon-di-thang-van-de-post972718.vnp