Cập nhật: 07/09/2024 20:32:00
Xem cỡ chữ

Trước diễn biến nhanh, nguy hiểm của cơn bão số 3, ngay trong chiều tối 7/9, đồng chí Dương Văn An, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh và đồng chí Trần Duy Đông, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã chủ trì họp Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai tỉnh kết nối trực tuyến với điểm cầu các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh. Cùng dự họp có một số đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; các đồng chí Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành liên quan.

Theo báo cáo nhanh của các sở, ngành, địa phương, đến 14h30 chiều 7/9, bão số 3 chưa đổ bộ vào Vĩnh Phúc nhưng ảnh hưởng của bão đã gây thiệt hại, làm tốc mái nhiều trường học, nhà dân và một số cơ quan, đơn vị; gãy đổ nhiều cây xanh, cột điện; đổ 6.000ha diện tích lúa. Một số địa phương đã di dời người dân ra khỏi nhà ở thô sơ, không kiên cố, khu vực có nguy cơ sạt lở đất đến nơi an toàn.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An ghi nhận sự chủ động của các cấp, các ngành, các địa phương trong triển khai ứng phó với bão và đề nghị các cấp, các ngành, các địa phương và người dân tập trung cao độ, không chủ quan, lơ là, sẵn sàng ứng phó trong mọi tình huống với phương châm 4 chỗ tại chỗ.

Đến 16h00 ngày 7/9, bão số 3 có sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, giật cấp 15, di chuyển theo hướng Tây, tốc độ 15-20km/h. Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông yêu cầu các cấp, các ngành với trách nhiệm cao nhất bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của Nhân dân, tài sản của nhà nước và doanh nghiệp. Các cấp, các ngành tổ chức trực ban 24/24 theo dõi sát diễn biến của bão để ứng phó kịp thời, khuyến cáo người dân hạn chế ra ngoài, trường hợp cần thiết có thể cấm người dân ra ngoài.

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông yêu cầu các cơ quan truyền thông của tỉnh mở ngay chuyên mục cập nhật tình hình mưa bão và các biện pháp phòng chống đến người dân, đặc biệt là phải thật cụ thể, trực quan để người dân chủ động phòng tránh.

Triển khai các biện pháp bảo vệ sản xuất nông nghiệp, an toàn hồ đập, đê điều, kiểm tra hệ thống luồng tiêu, bơm tiêu đảm bảo sẵn sàng vận hành khi cần thiết. Đảm bảo cấp điện, thông tin liên lạc phục vụ phòng chống lụt bão; đảm bảo an toàn sản xuất của doanh nghiệp; sẵn sàng các điều kiện về nhu yếu phẩm cho Nhân dân; chủ động phương án sơ tán người dân ra khỏi những nơi nguy hiểm; tổ chức phân luồng giao thông; chủ động phương tiện cứu nạn, cứu hộ khi có tình huống xảy ra với mục tiêu cao nhất bảo vệ an toàn, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra.

Văn Hải - Kim Liên