Cập nhật: 08/09/2024 20:28:00
Xem cỡ chữ

Sáng 8/9, đồng chí Dương Văn An, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh và đồng chí Trần Duy Đông, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh chủ trì tại điểm cầu Vĩnh Phúc dự hội nghị trực tuyến của Chính phủ đánh giá công tác chỉ đạo ứng phó, tình hình thiệt hại và triển khai các biện pháp cấp bách khắc phục hậu quả bão số 3.

Cùng dự tại điểm cầu Vĩnh Phúc có đồng chí Vũ Việt Văn, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh; Đại tá Thân Văn Hải, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Giám đốc Công an tỉnh; lãnh đạo các ban, sở, ngành, huyện, thành phố trong tỉnh. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị tại điểm cầu trung tâm Thủ đô Hà Nội.

Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông chủ trì tại điểm cầu tỉnh Vĩnh Phúc 

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: bão số 3 đã hoành hành trên đất liền hơn 1 ngày, gây hậu quả nghiêm trọng và hoàn lưu bão sẽ tiếp tục gây mưa lũ, nhất là các tỉnh miền núi phía Bắc. Thủ tướng chuyển lời thăm hỏi của các đồng chí lãnh đạo, Đảng, nhà nước đến các gia đình chịu thiệt thòi mất mát về người, tài sản do bão số 3; biểu dương Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn, các bộ, ngành, cấp uỷ, chính quyền các địa phương đã tập trung lực lượng, phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất trong ứng phó và khắc phục hậu quả bão số 3.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh đến những nhiệm vụ trọng tâm cần làm ngay, trong đó tập trung cao độ cho công tác cứu người, cứu chữa người bị thương với mục tiêu cao nhất: không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu chỗ ở, không để học sinh thiếu trường, lớp; người bệnh được đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh và không để ai bị bỏ lại phía sau.

Bên cạnh đó, tập trung khắc phục ngay những sự cố về điện, nước, viễn thông, đảm bảo các dịch vụ thiết yếu phục vụ chỉ đạo, điều hành ứng phó với thiên tai; chủ động các giải pháp ứng phó với hoàn lưu bão, lũ ống, lũ quét, sạt lở, nhất là với các địa bàn miền núi. Cấp uỷ, chính quyền các cấp, các bộ, ngành liên quan chủ động tích cực chỉ đạo khắc phục hậu quả sau bão; thực hiện nghiêm công tác quản lý nhà nước thuộc thẩm quyền, ban hành các hướng dẫn, quy định thẩm quyền, bám sát tình hình thực tiễn.

Bộ Quốc phòng, Bộ Công an phân công lực lượng ứng trực và làm tốt công tác cứu nạn cứu hộ sau bão. Các cơ quan báo chí làm tốt công tác dự báo và truyền thông, đặc biệt là hướng dẫn kỹ năng, cách phòng chống, ứng phó với thiên tai. Các địa phương khẩn trương rà soát dự trữ, dự phòng về tài chính, phương tiện vật tư và điều kiện khác để khôi phục hoạt động bình thường sau bão; đề xuất hỗ trợ của Trung ương từ nguồn dự phòng Trung ương; quản lý thống kê các tài sản thiệt hại hư hỏng để đầu tư, tránh lãng phí.

Thủ tướng cũng chỉ rõ những bài học kinh nghiệm rút ra trong công tác chỉ đạo ứng phó và khắc phục thiệt hại bão số 3, trong đó nhấn mạnh tinh thần không chủ quan lơ là; quyết liệt sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo, bám sát và nắm chắc tình hình; huy động cả hệ thống chính trị trong phòng chống và khắc phục hậu quả thiên tai; huy động triệt để lực lượng tại chỗ; chuẩn bị sẵn sàng và thường xuyên diễn tập, tập huấn ứng phó với thiên tai. Thủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi các tầng lớp Nhân dân, doanh nghiệp trên tinh thần tương thân, tương ái cùng hỗ trợ lẫn nhau để vượt qua ảnh hưởng của thiên tai.

Ngay sau khi kết thúc hội nghị trực tuyến của Chính phủ, đồng chí Dương Văn An, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh và đồng chí Trần Duy Đông, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã chủ trì buổi làm việc với các sở, ngành, địa phương trong tỉnh về công tác ứng phó và khắc phục hậu quả bão số 3.

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, tính đến sáng ngày 8/9, bão số 3 đã làm 100 nhà ở, 10 điểm trường bị tốc mái, hư hại; 6.000ha lúa và 456ha hoa màu bị ảnh hưởng; 4.000 cây xanh gãy đổ. Bão số 3 làm 16 trạm điện hạ thế hư hỏng, gãy hỏng 72 cột điện điện hạ thế. Một số tuyến đường, ngầm tràn bị ngập. Tổng thiệt hại ước tính trên 20 tỷ đồng. Đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh không có thiệt hại về người do ảnh hưởng của bão số 3.

Phát biểu chỉ đạo, Bí thư Tỉnh uỷ Dương Văn An yêu cầu các sở, ngành, cấp uỷ, chính quyền các cấp tiếp tục quán triệt nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, của Tỉnh uỷ và UBND tỉnh để chủ động ứng phó và khắc phục thiệt hại bão số 3 với nỗ lực quyết tâm cao nhất, đặc biệt không chủ quan, lơ là trong mọi tình huống; đề phòng những tình huống đột xuất, bất ngờ có thể xảy ra, nhất là hoàn lưu bão gây mưa, mực nước các sông dâng ảnh hưởng đến đời sống Nhân dân và sản xuất nông nghiệp.

Đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ Dương Văn An yêu cầu sở, ngành liên quan và huyện Tam Dương theo dõi sát diễn biến của tuyến đê sông Phó Đáy qua địa phận xã Đồng Tĩnh huyện Tam Dương, sẵn sàng ứng phó với sự cố có thể xảy ra, đảm bảo an toàn hành lang đê điều. Đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, các cơ quan liên quan chỉ đạo các lực lượng dọn dẹp cây xanh, cột điện đổ ngã để đảm bảo an toàn giao thông; có biện pháp cắt cây, tỉa cành để vừa bảo vệ cây xanh giữ gìn môi trường sống trong lành, đồng thời đảm bảo an toàn, tính mạng Nhân dân trong mùa mưa bão.

Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông, Trưởng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh giao Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với Bộ Tài chính để xây dựng nguồn hỗ trợ từ ngân sách của Trung ương đối với công tác phòng chống lụt bão; tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng cơ chế hỗ trợ từ ngân sách tỉnh hỗ trợ phòng chống thiên tai tại những vị trí xung yếu. Các cấp, các ngành, địa phương tiếp tục chủ động, bám sát tình hình thiên tai để ứng phó và khắc phục thiệt hại, bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản Nhân dân.

Ngọc Anh