Cập nhật: 08/09/2024 19:20:00
Xem cỡ chữ

 

[2/9] Trong 4 ngày nghỉ Lễ Quốc khánh, Vĩnh Phúc đã đón khoảng 148.000 lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng các khu du lịch trên địa bàn tỉnh, chủ yếu tại các khu du lịch Tam Đảo, Tây thiên và Đại Lải.

Trong đó, khách Quốc tế 7.000 lượt, khách nội địa 141.000 lượt, tăng gần 15% so với cùng kỳ. Chỉ tỉnh riêng tại Khu du lịch Tam Đảo, trong 4 ngày nghỉ lễ đã đón trên 4 vạn lượt khách. Doanh thu từ du lịch của tỉnh trong dịp này ước đạt 72 tỷ đồng.

Về công tác đảm bảo an toàn giao thông, tại tuyến đường lên Khu du lịch Tam Đảo, trong 4 ngày nghỉ lễ, lượng du khách tăng đột biến nên có thời điểm xảy ra hiện tượng ùn tắc đường cục bộ. Nhìn chung, trong 4 ngày nghỉ lễ, trên địa bàn tỉnh không xảy ra tai nạn giao thông nghiêm trọng. Nhờ làm tốt công tác chuẩn bị, đồng thời đẩy mạnh kích cầu nâng cao chất lượng các dịch vụ du lịch và đảm bảo trật tự an toàn giao thông đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách khi đến tham quan, nghỉ dưỡng tại Vĩnh Phúc trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9.

[5/9] Cùng với 23 triệu học sinh, sinh viên cả nước, gần 370.000 học sinh Vĩnh Phúc tại hơn 500 trường học, cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh bước vào Lễ khai giảng năm học mới 2024-2025, năm học mà Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được triển khai ở tất cả các lớp từ tiểu học đến THPT và cũng là năm học đầu tiên tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã đến dự lễ khai giảng, hòa chung niềm hân hoan đón chào năm học mới với các thầy cô giáo và các em học sinh tại một số trường học trong tỉnh.

Đánh trống khai trường và phát biểu chúc mừng thầy và trò các nhà trường, các đồng chí lãnh đạo tỉnh nhấn mạnh: mỗi thầy cô giáo phải luôn tâm huyết, trách nhiệm với nghề, suy nghĩ, tìm tòi đổi mới phương pháp dạy học, truyền cảm hứng vào nhận thức và hành động của các em.

Ngành giáo dục đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động khuyến học, khuyến tài; quan tâm, chú ý phát hiện các tài năng trẻ để có kế hoạch bồi dưỡng nhân tài; các nhà trường tiếp tục đổi mới công tác quản lý, nâng cao chất lượng giáo dục cả về tri thức, nhân cách, thể chất cho học sinh; các em học sinh tiếp tục tu dưỡng đạo đức, xác định được động cơ, mục đích và nhiệm vụ học tập là quan trọng vì đó là hành trang của cuộc đời, là hành trang hội nhập với xu thế phát triển của toàn nhân loại, phấn đấu để trở thành những công dân toàn cầu, góp phần xây dựng tỉnh Vĩnh Phúc ngày càng giàu, đẹp, phồn vinh.

[5/9] Đồng chí Trần Duy Đông, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo triển khai công tác ứng phó với cơn bão số 3.

Nêu rõ mức độ nguy hiểm, phức tạp của cơn bão số 3 có nguy cơ ảnh hưởng đến Vĩnh Phúc, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông yêu cầu các cấp, các ngành thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công điện 86, 87, chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung triển khai kịp thời công tác phòng chống. Tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, đối với các địa phương vùng đồng bằng, sẵn sàng phương án sơ tán người dân ra khỏi khu vực có nguy cơ ngập sâu; chống ngập úng trong khu đô thị và Khu công nghiệp; hạn chế người dân ra ngoài đi lại khi có mưa bão.

Các địa phương vùng núi di dời người dân ra khỏi nơi có nguy cơ lũ quét, sát lở; làm tốt công tác phân luồng giao thông, cảnh báo, hướng dẫn người dân không qua các ngầm tràn, nước chảy siết. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện ứng phó với bão số 3 theo phương châm 4 tại chỗ. Đảm bảo an toàn đê điều, vận hành hồ chứa, rà soát đến tận từng thôn dân cư, đến từng hộ dân ở các điểm xung yếu để tuyên truyền người dân chủ động công tác phòng chống.

Hoãn các cuộc họp không thật sự cấp bách, tổ chức trực ban 24/24 giờ để tập trung ứng phó với cơn bão số 3. Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn - Cơ quan Thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị thực hiện nghiêm túc công tác phòng chống cơn bão số 3; kịp thời tham mưu, đề xuất UBND tỉnh những nội dung cần thiết để chủ động ứng phó và khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra.

Các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường thời lượng thông tin về diễn biến bão số 3, làm tốt công tác tuyên truyền về các giải pháp phòng chống dễ hiểu, dễ nhớ, trực quan để người dân dễ thực hiện nhằm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.

[5/9] Đồng chí Vũ Việt Văn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì buổi làm việc với các sở, ngành, huyện, thành phố về tiếp nhận, bàn giao hạ tầng của các dự án đô thị, nhà ở trên địa bàn tỉnh.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vũ Việt Văn yêu cầu các sở, ngành, địa phương làm rõ trách nhiệm công tác quản lý Nhà nước của ngành, địa phương quản lý về tình trạng chậm tiến độ bàn giao hạ tầng các dự án đô thị, nhà ở trên địa bàn tỉnh theo quyết định 49/2019 của UBND tỉnh quy định về bàn giao và tiếp nhận công trình hạ tầng kỹ thuật của các dự án đô thị, nhà ở trên địa bàn.

Đồng chí Vũ Việt Văn giao Sở kế hoạch và Đầu tư rà soát, điều chỉnh chủ trương đầu tư các dự án nhà ở, đô thị; tăng cường giám sát việc thực hiện chủ trương đầu tư và bàn giao hạ tầng kỹ thuật xã hội đối với các chủ đầu tư. Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng và UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác quản lý nhà nước, kiểm tra, rà soát 59 dự án đô thị, nhà ở, làm việc với các chủ đầu tư dự án, nếu phát hiện vi phạm về chuyển nhượng xử lý nghiêm theo quy định; kiểm tra việc cấp giấy phép xây dựng đối với các dự án.

Các sở, ngành, địa phương liên quan tham mưu đề xuất với UBND tỉnh sửa đổi quy định về bàn giao và tiếp nhận công trình hạ tầng kỹ thuật của các dự án đô thị, nhà ở, làm căn cứ pháp lý để xử lý các trường hợp chậm bàn giao theo quy định của pháp luật.

[5/9] Đồng chí Vũ Việt Văn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã đi kiểm tra tiến độ triển khai dự án đầu tư xây dựng Đài PT-TH tỉnh Vĩnh Phúc tại địa điểm mới.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vũ Việt Văn nhấn mạnh: dự án đầu tư xây dựng Đài PT-TH Vĩnh Phúc là công trình biểu tượng của tỉnh, do vậy đồng chí yêu cầu chủ đầu tư và nhà thầu thi công tiếp tục đẩy nhanh tiến độ để sớm bàn giao công trình theo cam kết, phối hợp chặt chẽ với đơn vị tiếp nhận rà soát tất cả các hạng mục để điều chỉnh phương án thi công cho phù hợp với công năng sử dụng.

Đài PT-TH Vĩnh Phúc phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư, đơn vị thi công xây dựng kế hoạch, phương án tiếp nhận, vận hành và sử dụng hiệu quả công trình sau khi bàn giao; tiếp tục nghiên cứu, đổi mới nội dung các chương trình phát thanh, truyền hình xứng tầm với công trình hiện đại được tỉnh quan tâm đầu tư.

[6/9] Làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Sông Lô, đồng chí Dương Văn An, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh nhấn mạnh: Huyện Sông Lô cần khơi dậy sức bật nội tại, khai thác các tiềm năng lợi thế để thúc đẩy sự phát triển toàn diện. Cùng chủ trì buổi làm việc có đồng chí Trần Duy Đông, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh. Dự buổi làm việc có đồng chí Nguyễn Trung Hải, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; lãnh đạo một số ban, sở, ngành của tỉnh.

Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế của huyện trong thực hiện các mục tiêu nhiệm vụ xây dựng Đảng, phát triển KT-XH thời gian qua và yêu cầu trong thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Sông Lô cần tập trung quyết liệt để hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đã đề ra; tập trung xây dựng chỉnh đốn Đảng, xây dựng sự đoàn kết, thống nhất trong toàn Đảng bộ; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, không để vi phạm nhỏ trở thành vi phạm lớn khó khắc phục; động viên cán bộ, đảng viên tu dưỡng rèn luyện nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tâm huyết trách nhiệm với công việc, suy nghĩ tìm tòi hướng đi, cách làm mới để đánh thức tiềm năng lợi thế, xây dựng Sông Lô phát triển toàn diện. Chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ gắn với sắp xếp cán bộ phục vụ Đại hội Đảng các cấp đảm bảo công tâm, khách quan trong bố trí cán bộ.

Về phát triển KT-XH, quy hoạch của địa phương phải có tầm nhìn xa, đột phá, lâu dài; sớm hoàn thành các khu, cụm công nghiệp gắn với thu hút có chọn lọc các doanh nghiệp có giá trị gia tăng cao, tạo nhiều việc làm cho lao động địa phương; đồng thời phát triển các lĩnh vực du lịch, dịch vụ là thế mạnh của địa phương. 

Đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ lưu ý địa phương tập trung nâng cao giá trị gia tăng ngành nông nghiệp với việc nhân rộng các mô hình nông nghiệp công nghệ cao gắn với thị trường; tập trung huy động sức dân trong các phong trào xây dựng nông thôn mới, cải tạo kênh mương thủy lợi, giao thông nội đồng; đẩy mạnh đô thị h hóa, tăng cường nâng cao hiệu quả cải cách hành chính, chuyển đổi số, xây dựng chính quyền hoạt động hiệu lực hiệu quả; quan tâm giải quyết đơn thư khiếu tại tố cáo trong Nhân dân, không để xảy ra điểm nóng gây mất an ninh trật tự ở cơ sở.

[6/9] Không để bị động, bất ngờ, tập trung ứng phó khẩn cấp với bão số 3, các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã trực tiếp xuống các địa bàn trọng điểm để lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, đôn đốc, kiểm tra công tác phòng, chống bão, lũ với tinh thần chủ động phòng ngừa, ứng phó ở mức cao nhất để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhà nước, của Nhân dân.

Sau khi kiểm tra thực tế tại các điểm xung yếu và trọng điểm, các đồng chí lãnh đạo tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành, địa phương quán triệt nghiêm túc công điện của Thủ tướng Chính phủ, các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về tập trung ứng phó khẩn cấp với cơn bão số 3; theo dõi chặt chẽ diễn biến cơn bão, chủ động triển khai quyết liệt, hiệu quả công tác phòng ngừa, ứng phó ở mức cao nhất với diễn biến bất thường của cơn bão để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhà nước và Nhân dân.

[7/9] Trước thời điểm cơn bão số 3 đổ bộ, đồng chí Trần Duy Đông, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã đi kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai tại hồ Thanh Lanh, xã Trung Mỹ, huyện Bình Xuyên; hồ Đại Lại, xã Ngọc Thanh, thành phố Phúc Yên và Trạm bơm tiêu Kim Xá, xã Hoàng Đan, huyện Tam Dương. Cùng đi có các thành viên Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh; lãnh đạo các đơn vị, địa phương liên quan.

Kiểm tra thực tế, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông yêu cầu các sở, ngành, địa phương tiếp tục theo dõi sát diễn biến của bão, tuyệt đối không được chủ quan lơ là, chủ động phòng ngừa, ứng phó ở mức cao nhất để bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản của Nhân dân và Nhà nước.

Đồng thời, chủ động sẵn sàng vật tư, phương tiện ứng phó với bão số 3; bố trí nhân lực, tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24h trong thời gian có mưa bão; đẩy mạnh tuyên truyền về diễn biến, hướng đi, ảnh hưởng của bão để người dân nâng cao cảnh giác, không chủ quan, lơ là trong việc bảo vệ tính mạng, tài sản.

Tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, có nguy cơ sạt lở, những đoạn đê xung yếu, phải cắm biển cảnh báo nguy hiểm, rào chắn; bố trí lực lượng để thực hiện công tác ứng trực, hướng dẫn giao thông. Đặc biệt, phải xây dựng kịch bản ứng phó trong mọi tình huống để không bị động, bất ngờ khi có sự cố xảy ra; sẵn sàng huy động các lực lượng vào cuộc khi cần thiết; phải có phương án chủ động nhân lực, phương tiện, sẵn sàng di dời người và tài sản khỏi khu vực nguy hiểm khi có sự cố do cơ bão số 3 gây ra.

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông yêu cầu các Công ty TNHH MTV Thủy lợi trên địa bàn tỉnh kiểm tra, rà soát 24/24h, sẵn sàng phương án bảo đảm an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ thủy lợi xung yếu; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra. Lưu ý phải thông báo cho các cấp chính quyền, người dân vùng hạ du về tình hình điều tiết xả nước hồ để các địa phương có phương án phòng tránh ngập úng và lập các chốt canh gác tại các ngầm, tràn bị ngập, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của Nhân dân vùng hạ du.

[7/9] Đồng chí Vũ Việt Văn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đi kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó với bão số 3 tại huyện Vĩnh Tường.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vũ Việt Văn đến kiểm tra tại trạm bơm tiêu Ngũ Kiên và trạm bơm tiêu Cao Đại. Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đề nghị các sở, ngành liên quan và huyện Vĩnh Tường theo dõi sát thông tin diễn biến tình hình mưa bão, kịp thời chỉ đạo triển khai công tác ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ”, hạn chế thiệt hại do mưa bão gây ra, bảo vệ tính mạng, tài sản của Nhân dân và Nhà nước.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vũ Việt Văn yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và huyện Vĩnh Tường bám sát diễn biến mưa bão để vận hành các công trình thủy lợi; huy động lực lượng, phương tiện, vận hành các trạm bơm tiêu thoát nước kịp thời, bảo vệ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và đời sống Nhân dân.

[7/9] Đồng chí Dương Văn An, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh và đồng chí Trần Duy Đông, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã chủ trì họp Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai tỉnh kết nối trực tuyến với điểm cầu các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh. Cùng dự họp có một số đồng chí Ủy viên BTV Tỉnh ủy; các đồng chí Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành liên quan.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An ghi nhận sự chủ động của các cấp, các ngành, các địa phương trong triển khai ứng phó với bão và đề nghị các cấp, các ngành, các địa phương và người dân tập trung cao độ, không chủ quan, lơ là, sẵn sàng ứng phó trong mọi tình huống với phương châm 4 chỗ tại chỗ.

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông yêu cầu các cấp, các ngành với trách nhiệm cao nhất bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của Nhân dân, tài sản của nhà nước và doanh nghiệp. Các cấp, các ngành tổ chức trực ban 24/24 theo dõi sát diễn biến của bão để ứng phó kịp thời, khuyến cáo người dân hạn chế ra ngoài, trường hợp cần thiết có thể cấm người dân ra ngoài.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan truyền thông của tỉnh mở ngay chuyên mục cập nhật tình hình mưa bão và các biện pháp phòng chống đến người dân, đặc biệt là phải thật cụ thể, trực quan để người dân chủ động phòng tránh. Triển khai các biện pháp bảo vệ sản xuất nông nghiệp, an toàn hồ đập, đê điều, kiểm tra hệ thống luồng tiêu, bơm tiêu đảm bảo sẵn sàng vận hành khi cần thiết.

Đảm bảo cấp điện, thông tin liên lạc phục vụ phòng chống lụt bão; đảm bảo an toàn sản xuất của doanh nghiệp; sẵn sàng các điều kiện về nhu yếu phẩm cho Nhân dân; chủ động phương án sơ tán người dân ra khỏi những nơi nguy hiểm; tổ chức phân luồng giao thông; chủ động phương tiện cứu nạn, cứu hộ khi có tình huống xảy ra với mục tiêu cao nhất bảo vệ an toàn, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra.

[8/9] Đồng chí Dương Văn An, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh và đồng chí Trần Duy Đông, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh chủ trì tại điểm cầu Vĩnh Phúc dự hội nghị trực tuyến của Chính phủ đánh giá công tác chỉ đạo ứng phó, tình hình thiệt hại và triển khai các biện pháp cấp bách khắc phục hậu quả bão số 3.

Ngay sau khi kết thúc hội nghị trực tuyến của Chính phủ, đồng chí Dương Văn An, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh và đồng chí Trần Duy Đông, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã chủ trì buổi làm việc với các sở, ngành, địa phương trong tỉnh về công tác ứng phó và khắc phục hậu quả bão số 3.

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, tính đến sáng ngày 8/9, bão số 3 đã làm 100 nhà ở, 10 điểm trường bị tốc mái, hư hại; 6.000ha lúa và 456ha hoa màu bị ảnh hưởng; 4.000 cây xanh gãy đổ. Bão số 3 làm 16 trạm điện hạ thế hư hỏng, gãy hỏng 72 cột điện điện hạ thế. Một số tuyến đường, ngầm tràn bị ngập. Tổng thiệt hại ước tính trên 20 tỷ đồng. Đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh không có thiệt hại về người do ảnh hưởng của bão số 3.

Phát biểu chỉ đạo, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An yêu cầu các sở, ngành, cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục quán triệt nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, của Tỉnh uỷ và UBND tỉnh để chủ động ứng phó và khắc phục thiệt hại bão số 3 với nỗ lực quyết tâm cao nhất, đặc biệt không chủ quan, lơ là trong mọi tình huống; đề phòng những tình huống đột xuất, bất ngờ có thể xảy ra, nhất là hoàn lưu bão gây mưa, mực nước các sông dâng ảnh hưởng đến đời sống Nhân dân và sản xuất nông nghiệp.

Đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ Dương Văn An yêu cầu sở, ngành liên quan và huyện Tam Dương theo dõi sát diễn biến của tuyến đê sông Phó Đáy qua địa phận xã Đồng Tĩnh huyện Tam Dương, sẵn sàng ứng phó với sự cố có thể xảy ra, đảm bảo an toàn hành lang đê điều. Đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, các cơ quan liên quan chỉ đạo các lực lượng dọn dẹp cây xanh, cột điện đổ ngã để đảm bảo an toàn giao thông; có biện pháp cắt cây, tỉa cành để vừa bảo vệ cây xanh giữ gìn môi trường sống trong lành, đồng thời đảm bảo an toàn, tính mạng Nhân dân trong mùa mưa bão.

Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông, Trưởng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh giao Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với Bộ Tài chính để xây dựng nguồn hỗ trợ từ ngân sách của Trung ương đối với công tác phòng chống lụt bão; tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng cơ chế hỗ trợ từ ngân sách tỉnh hỗ trợ phòng chống thiên tai tại những vị trí xung yếu. Các cấp, các ngành, địa phương tiếp tục chủ động, bám sát tình hình thiên tai để ứng phó và khắc phục thiệt hại, bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản Nhân dân.

[8/9] Đồng chí Trần Duy Đông, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã đi kiểm tra, chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả các biện pháp ứng phó với hoàn lưu bão số 3. Cùng đi có lãnh đạo một số sở, ngành, địa phương liên quan.

Kiểm tra tại tràn công nông binh trên đường tỉnh 310C nối quốc lộ 2B với đường tỉnh 310, Chủ tịch UBND Trần Duy Đông yêu cầu các lực lượng chức năng của huyện Tam Dương và Bình Xuyên cử lực lượng canh gác 24/24 giờ, cảnh báo nguy hiểm, không để người dân đi qua tràn. Về lâu dài, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông giao Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp các sở, ngành, địa phương liên quan tính toán cân đối nguồn vốn đầu tư công để đầu tư xây dựng cầu, đảm bảo an toàn khi xảy ra mưa lũ.

Kiểm tra công tác khắc phục hậu quả sạt lở đất và cây gãy đổ tại Km20 +800 quốc lộ 2B lên thị trấn Tam Đảo, huyện Tam Đảo, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông ghi nhận sự cố gắng của các lực lượng trong phân luồng giao thông và đề nghị huyện Tam Đảo chỉ đạo các lực lượng nhanh chóng khắc phục sạt lở đất, cây gãy đổ để đảm bảo an toàn giao thông, đồng thời theo dõi sát tình hình mưa lũ để có giải pháp ứng phó với hoàn lưu bão số 3.

Tại hồ Xạ Hương, chỉ đạo công tác vận hành hồ chứa, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Công ty TNHH MTV Thủy lợi Tam Đảo theo dõi sát mực nước, tiến hành xả tràn theo đúng quy trình để đảm bảo an toàn hồ đập, đặc biệt là đảm bảo an toàn vùng hạ du.

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông lưu ý bão số 3 đã đi qua Vĩnh Phúc, nhưng hoàn lưu bão số 3 sẽ gây mưa lớn, gây ngập úng vùng trũng, lũ quét, sạt lở đất vùng núi, vì vậy các cấp, các ngành, các địa phương không chủ quan, lơ là phải tập trung ứng phó thật tốt theo phương châm 4 tại chỗ sẵn sàng ứng phó trong mọi tình huống nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, bảo vệ tính mạng, tài sản của Nhân dân.

[8/9] Đồng chí Bùi Huy Vĩnh, Ủy viên Thường trực Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã đi kiểm tra công tác khắc phục hậu quả của bão số 3 tại thành phố Phúc Yên.

Sau khi đi kiểm tra thực tế tại một số điểm thiệt hại trên địa bàn phường Xuân Hòa, xã Ngọc Thanh và các khu vực tràn Hồ Đồng Câu, Hồ Đại Lải của thành phố Phúc Yên, Ủy viên Thường trực Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bùi Huy Vĩnh đánh giá cao những nỗ lực của thành phố trong công tác ứng phó với cơn bão số 3, nhất là đã kịp thời di dời các hộ dân ở các khu nhà tập thể xuống cấp đến nơi tránh trú an toàn.

Đồng chí yêu cầu Thành ủy, UBND thành phố Phúc Yên tiếp tục tập trung nhân lực, thiết bị tại chỗ để khẩn trương khắc phục hậu quả của cơn bão số 3. Nhanh chóng thu dọn các cây xanh, cột điện bị gãy đổ để giải tỏa giao thông trên các tuyến đường, chú trọng công tác vệ sinh môi trường. Tại những khu vực xung yếu, đập tràn cần bố trí lực lượng ứng trực, thực hiện các biện pháp cảnh báo nguy hiểm, hướng dẫn giao thông để không xảy ra thiệt hại về người và tài sản.

Tiếp tục theo dõi diễn biến của thời tiết sau bão số 3, không được chủ quan, lơ là; chủ động các phương án để ứng phó với tình hình mưa lớn kéo dài để kịp thời xử lý khi có tình huống mưa lũ xảy ra. Tăng cường công tác tuyên truyền, thông tin về tình hình mưa lũ để người dân, tổ chức liên quan chủ động ứng phó, tránh những thiệt hại không đáng có xảy ra.

Nhật Minh