Những năm gần đây, tiếng Anh là một trong những môn học được phụ huynh, học sinh đặc biệt quan tâm. Từ việc chạy đua thi chứng chỉ IELTS để được tuyển thẳng các cấp học, cho đến việc Bộ GD-ĐT phải rà soát lại việc tổ chức thi chứng chỉ này, tất cả đã cho thấy sức nóng của môn học.
Mới đây, đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học là một nội dung quan trọng từ Kết luận 91 của Bộ Chính trị. Tuy vậy, vẫn còn nhiều rào cản để tiếng Anh có thể trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học.
Phụ huynh chú trọng đầu tư hơn cho con học Tiếng Anh từ bé.
Nhận định về thực trạng dạy và học tiếng Anh ở các trường học hiện nay, các chuyên gia cho rằng, vị thế của môn học này đã tăng đáng kể, phụ huynh chú trọng đầu tư hơn, các nhà trường cũng tăng cường hợp đồng với các giáo viên nước ngoài. Mặc dù vậy, môn tiếng Anh nói riêng và môn học ngoại ngữ nói chung vẫn là điểm trũng của đa số học sinh tại các địa phương. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này như thiếu giáo viên tiếng Anh đặc biệt là vùng miền núi, thiếu giáo viên có chất lượng, thiếu cơ sở vật chất và tư duy dạy học ngoại ngữ của giáo viên chưa thực sự thay đổi. Tiến sỹ Lê Đức Thuận, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình, Hà Nội cho biết: "Thứ nhất là đội ngũ thầy thiếu cả số lượng và chất lượng. Nguyên nhân rất là nhiều, từ vấn đề lương, từ vấn đề nguồn tuyển sinh từ các trường đại học… Thứ 2 là mục tiêu chương trình 2018 đã có rồi, nhưng khi thực hiện thì cũng có thể do cái cố hữu ăn mòn quá lâu bám rễ quá lâu của các thầy cô rồi là dạy để thi, rồi thì học sinh học để đi thi, phụ huynh cũng học vì điểm số. cho nên mục tiêu của việc dạy học ngoại ngữ đã bị lệch đi".
Cùng với vấn đề thiếu giáo viên, nhận thức của học sinh và phụ huynh cũng đang là trở ngại trong việc dạy và học ngoại ngữ. Theo Phó Giáo sư Hà Lê Kim Anh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội, trong thực tế, việc học tiếng Anh của nhiều học sinh vẫn còn nặng tư duy điểm số, học để thi, học sinh có thể thi được điểm cao nhưng lại không thể tự tin giao tiếp như một ngôn ngữ thứ 2:
"Chỉ cần học để qua được chuẩn đầu ra mà không ý thức được rằng tiếng Anh nó có cái tầm quan trọng để giúp họ nâng cao năng lực tạo được sức cạnh tranh khi tốt nghiệp ra trường và vươn ra được những cơ hội làm việc trong môi trường quốc tế thì người ta sẽ chỉ học tiếng Anh để học mà thôi để qua môn mà thôi thì chắc chắn là sẽ rất khó để có thể là tạo được sức bật và nâng cao được chất lượng".
Kết quả thi môn tiếng Anh trong các kỳ thi tốt nghiệp THPT gần đây cho thấy, dù điểm thi trung bình đã được cải thiện, nhưng có sự phân hóa lớn, đặc biệt là phân hóa theo khu vực, tỉnh thành. Ở các tỉnh, thành phố lớn, việc học tiếng Anh và thi các chứng chỉ ngoại ngữ nở rộ, trong khi đó việc dạy và học tiếng Anh ở các khu vực vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn, điển hình như không có giáo viên, phải học online với sự hỗ trợ từ các tỉnh thành khác.
Vì vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, để đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học, thì cần phải có lộ trình nhất định, trong đó cần hoàn thiện cơ sở pháp lý, đồng thời kèm theo đó là những đề án cụ thể rõ ràng cho vấn đề này, nhất là liên quan đến nâng cao cả về số lượng và chất lượng đội ngũ giáo viên. Bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nêu ý kiến:
"Rõ ràng phải có chiến lược, phải có chính sách và chiến lược chính sách này nó không chỉ là đường hướng trong các văn bản mà phải được cụ thể hóa thành các đề án, phải có nguồn lực, không có tiền người ta không thể làm được. Tôi nghĩ rằng là ưu tiên đầu tiên phải là đề án đào tạo đội ngũ giáo viên. Bởi vì muốn thực hiện đội ngũ giáo viên để thực hiện dạy tiếng Anh là ngôn ngữ thứ 2 không chỉ đơn thuần là giáo viên dạy ngoại ngữ mà bây giờ chúng ta phải thấy được rằng cần có những giáo viên dạy song ngữ cho những môn khoa học cơ bản trong nhà trường. Đây mới là cái khó".
Một số chuyên gia cũng cho rằng, cùng với chuẩn bị đầy đủ hành lang pháp lý, cần tăng cường chế độ đãi ngộ để thu hút giáo viên, tháo gỡ những khó khăn cho trường công lập khi tuyển dụng giáo viên nước ngoài. Nhìn từ kinh nghiệm của các nước để đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong nhà trường, trong xã hội là một mục tiêu không hề đơn giản, khó có thể làm được trong ngày một ngày hai. Nhưng đây cũng đang gần như xu hướng tất yếu khi Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng, ngôn ngữ chính là công cụ quan trọng của tiến trình hội nhập đó.
Theo Minh Hường/VOV1
https://vov.vn/xa-hoi/dua-tieng-anh-tro-thanh-ngon-ngu-thu-hai-trong-truong-hoc-post1124715.vov