Cập nhật: 05/10/2024 07:08:00
Xem cỡ chữ

Tách thửa, hợp thửa đất là một trong các thủ tục hành chính được quy định tại Luật Đất đai 2024 với nhiều điểm mới, được người dân đặc biệt quan tâm.

Tách thửa đất là việc thực hiện thủ tục phân chia quyền sử dụng và quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất thành nhiều phần đất khác nhau, còn hợp thửa đất là việc gộp nhiều phần đất nằm liền kề nhau của một chủ sử dụng thành một thửa đất có quyền sử dụng đất chung. Từ ngày 1/8/2024, Luật đất đai (sửa đổi) có hiệu lực, một số địa phương đã dựa vào tình hình thực tế để đưa ra quy định mới về tách thửa đất, hợp thửa đất.

- Theo Quyết định 61/2024/QĐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội, về tách thửa đất ở, tại các phường, thị trấn, thửa đất phải có chiều dài và chiều rộng từ 4m trở lên, diện tích tối thiểu là 50m².

- UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng vừa ban hành quyết định số 24/2024/QĐ-UBND quy định về điều kiện tách thửa đất, hợp thửa đất và diện tích tối thiểu được tách thửa đối với từng loại đất trên địa bàn. Theo đó, diện tích đất tối thiểu sau khi tách thửa đối với đất ở là 80m2, có cạnh không nhỏ hơn 5 m (riêng tại Côn Đảo là 60 m2) và tiếp xúc hoặc có lối đi kết nối với đường giao thông do Nhà nước quản lý.

- Tại tỉnh Bình Định, theo quy định mới thửa đất ở tại đô thị sau khi được tách thửa phải đảm bảo diện tích tối thiểu là 40m2, kích thước chiều rộng và chiều dài thửa đất tối thiểu 3m. Đất ở tại nông thôn sau khi được tách thửa phải đảm bảo diện tích tối thiểu là 50m2, kích thước chiều rộng và chiều dài thửa đất tối thiểu 4m. Đối với đất phi nông nghiệp, diện tích tối thiểu tách thửa đối với đất phi nông nghiệp không phải là đất ở (không thuộc dự án đầu tư được Nhà nước giao, cho thuê) là 100m2, kích thước chiều rộng (mặt tiền) và chiều dài từ 5m trở lên.

- Còn ở Thanh Hóa, đối với đất ở đô thị, diện tích thửa đất được tách thửa phải đảm bảo thửa đất còn lại và các thửa đất được hình thành sau khi tách thửa có diện tích 40m2 và kích thước cạnh tối thiểu là 3m. Đối với đất ở nông thôn, diện tích thửa đất được tách thửa phải đảm bảo thửa đất còn lại và các thửa đất được hình thành sau khi tách thửa có diện tích 50m2 và kích thước cạnh tối thiểu là 4m.

phap luat quy dinh ve tach thua dat, hop thua dat phai dam bao dieu kien gi hinh anh 1

Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp

Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp cho biết, căn cứ theo khoản 1 Điều 220 Luật Đất đai 2024 quy định việc tách thửa đất, hợp thửa đất phải bảo đảm các nguyên tắc, điều kiện sau đây:

- Thửa đất đã được cấp một trong các loại giấy chứng nhận:

+ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

+ Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở

+ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất

+ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất

- Thửa đất còn trong thời hạn sử dụng đất;

- Đất không có tranh chấp, không bị kê biên để bảo đảm thi hành án, không bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Trường hợp đất có tranh chấp nhưng xác định được phạm vi diện tích, ranh giới đang tranh chấp thì phần diện tích, ranh giới còn lại không tranh chấp của thửa đất đó được phép tách thửa đất, hợp thửa đất;

- Việc tách thửa đất, hợp thửa đất phải bảo đảm có lối đi; được kết nối với đường giao thông công cộng hiện có; bảo đảm cấp nước, thoát nước và nhu cầu cần thiết khác một cách hợp lý.

Trường hợp người sử dụng đất dành một phần diện tích của thửa đất ở hoặc thửa đất có đất ở và đất khác trong cùng thửa đất để làm lối đi, khi thực hiện việc tách thửa đất hoặc hợp thửa đất thì không phải thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất đối với phần diện tích đất để làm lối đi đó.

Bên cạnh các nguyên tắc, điều kiện quy định tại khoản 1 của Điều 220 thì việc tách thửa đất còn phải đảm bảo các điều kiện sau đây:

- Các thửa đất sau khi tách thửa phải bảo đảm diện tích tối thiểu với loại đất đang sử dụng theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

Trường hợp thửa đất được tách có diện tích nhỏ hơn diện tích tối thiểu được phép tách thửa thì phải thực hiện đồng thời việc hợp thửa với thửa đất liền kề;

- Trường hợp chuyển mục đích sử dụng một phần thửa đất thì thực hiện tách thửa, diện tích tối thiểu của thửa đất sau khi tách phải bằng hoặc lớn hơn diện tích tối thiểu của loại đất sau khi chuyển mục đích sử dụng. Đối với thửa đất có đất ở và đất khác thì không bắt buộc thực hiện tách thửa khi chuyển mục đích sử dụng một phần thửa đất, trừ trường hợp người sử dụng đất có nhu cầu tách thửa;

- Trường hợp phân chia quyền sử dụng đất theo bản án, quyết định của Tòa án mà việc phân chia không bảo đảm các điều kiện, diện tích, kích thước tách thửa theo quy định thì không thực hiện tách thửa.

Còn trong trường hợp hợp thửa đất thì ngoài các nguyên tắc, điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 220 Luật đất đai 2024 còn phải bảo đảm các điều kiện sau đây:

- Việc hợp các thửa đất phải bảo đảm có cùng mục đích sử dụng đất, thời hạn sử dụng đất, hình thức trả tiền thuê đất trừ trường hợp hợp toàn bộ hoặc một phần thửa đất có đất ở và đất khác trong cùng thửa đất với nhau và trường hợp hợp thửa đất có đất ở và đất khác trong cùng thửa đất với thửa đất ở;

- Trường hợp các thửa đất khác nhau về mục đích sử dụng đất, thời hạn sử dụng đất, hình thức trả tiền thuê đất thì phải thực hiện đồng thời với thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất, điều chỉnh thời hạn sử dụng đất, chuyển hình thức trả tiền thuê đất để thống nhất theo một mục đích, một thời hạn sử dụng đất, một hình thức trả tiền thuê đất theo quy định của pháp luật.

- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này, quy định khác của pháp luật có liên quan và phong tục, tập quán tại địa phương để quy định cụ thể điều kiện, diện tích tối thiểu của việc tách thửa đất, hợp thửa đất đối với từng loại đất.

Theo Thu Hằng/VOV2

 https://vov.vn/phap-luat/phap-luat-quy-dinh-ve-tach-thua-dat-hop-thua-dat-phai-dam-bao-dieu-kien-gi-post1126163.vov