Thời gian vừa qua, một số lô hàng sầu riêng Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc bị trả lại do bị nhiễm kim loại nặng (cadimi) hoặc chế phẩm xử lý, bảo quản sầu riêng dẫn đến giá giảm mạnh.
Cử tri tỉnh Lâm Đồng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần sớm ban hành quy trình trồng, chăm sóc, công nhận các chế phẩm xử lý chín sầu riêng, nhằm tạo sự minh bạch trong sử dụng các chế phẩm, đồng thời tăng cường sự quản lý quy trình, công nghệ sau thu hoạch sầu riêng.
Trả lời kiến nghị cử tri tỉnh Lâm Đồng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, với chủ trương phát triển bền vững sầu riêng thành ngành hàng có sức cạnh tranh cao trên cơ sở phát huy tối đa lợi thế về sản xuất, điều kiện sinh thái, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tập trung chỉ đạo các giải pháp đồng bộ theo chuỗi giá trị, đảm bảo chất lượng, truy xuất nguồn gốc. Đồng thời, tuân thủ nghiêm chỉnh các quy định của nước nhập khẩu, thúc đẩy liên kết bền vững trong sản xuất và tiêu thụ; nâng cao giá trị gia tăng, củng cố và phát triển thương hiệu, vị thế của sầu riêng Việt Nam.
Thời gian qua Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành các quy trình trồng, chăm sóc sầu riêng như: quy trình kỹ thuật xử lý ra hoa trái vụ cho cây sầu riêng cho các tỉnh Nam Bộ; quy trình kỹ thuật thâm canh tổng hợp một số giống sầu riêng tại Tây Nguyên; quy trình kỹ thuật thâm canh tổng hợp cây sầu riêng cho các tỉnh Nam Bộ.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã ban hành quy trình tạm thời kỹ thuật cắt tỉa hoa, quả và thu hoạch sầu riêng; sổ tay hướng dẫn kỹ thuật canh tác cây sầu riêng theo VietGAP.
Về công nhận, sử dụng các chế phẩm xử lý chín trái sầu riêng, hiện nay các hóa chất, chế phẩm điều hoà sinh trưởng (thuốc điều hòa sinh trưởng) nói chung và hóa chất, chế phẩm sử dụng để làm chín sầu riêng nói riêng trong Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam vẫn còn hạn chế.
Tại Thông tư số 09/2023/TT-BNNPTNT ngày 24/10/2023 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam, hoạt chất Ethephon là một hoạt chất có thể đăng ký sử dụng để ủ chín trái cây. Tuy nhiên, hoạt chất này hiện nay chỉ được đăng ký để kích thích sinh trưởng một số cây trồng chủ yếu như cao su, xoài, nhãn, thanh long, cây cảnh.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành văn bản hướng dẫn, tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân thực hiện đăng ký các hoạt chất trên cũng như nghiên cứu, đăng ký các hoạt chất mới khác với mục đích sử dụng ủ chín trái cây vào Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam. Tuy nhiên đến thời điểm hiện nay mới có một số tổ chức, cá nhân đang hoàn thiện thủ tục đăng ký.
Theo quy định của Luật Trồng trọt, cùng với trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức quản lý hoạt động trồng trọt trên địa bàn; hướng dẫn, ban hành quy trình sản xuất phù hợp.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đề nghị Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng kiến nghị UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng, đề xuất ban hành quy trình sản xuất phù hợp; tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, giám sát sử dụng vật tư đầu vào, thực hiện quy trình chăm sóc, công nghệ sau thu hoạch… đảm bảo phát triển sầu riêng hiệu quả, bền vững trên địa bàn.
Theo Bích Hồng (TTXVN)
https://baotintuc.vn/kinh-te/cac-che-pham-lam-chin-sau-rieng-duoc-phep-su-dung-con-han-che-20241009160154761.htm