Thống kê từ Tổng cục Thuế, tính từ năm 2023 đến hết tháng 9/2024, toàn ngành đã ban hành gần 23.800 thông báo tạm hoãn xuất cảnh với số tiền thuế nợ là trên 50.000 tỷ đồng. Thông qua biện pháp tạm hoãn xuất cảnh, ngành Thuế đã thu được gần 2000 tỷ đồng từ cá nhân nợ thuế.
Điều này cho thấy, biện pháp tạm hoãn xuất cảnh đã mang lại hiệu quả tích cực trong công tác quản lý nợ thuế. Tuy nhiên, theo quy định của Luật Quản lý thuế thì nếu cá nhân nợ thuế sẽ có hình thức bị tạm hoãn xuất cảnh. Điều này đang nhận được nhiều ý kiến của người dân, doanh nghiệp và chuyên gia. Để thuận lợi cho việc triển khai biện pháp tạm hoãn xuất cảnh do nợ thuế, Tổng cục Thuế chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành để đảm bảo vừa nâng cao hiệu quả thu hồi tiền thuế nợ vừa tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người nộp thuế phát triển sản xuất, kinh doanh ổn định cũng như các hoạt động đi lại giao thương được thuận lợi.
Thời gian qua, nhiều người có thu nhập từ nhiều nơi bỗng bị cơ quan thuế gửi thông báo truy thu thuế thu nhập cá nhân trong nhiều năm, với số tiền lên tới hàng trăm triệu đồng. Trong số đó, nhiều cá nhân cho rằng có gần một nửa số tiền bị truy thu là tiền phạt do chậm nộp và nợ thuế. Theo người nộp thuế, có nhiều người vì vô tình chưa kê khai khoản thu nhập chỉ vài trăm nghìn đồng, nhưng trong nhiều năm cộng dồn nên số tiền bị tính phạt do chậm nộp lên tới hàng chục triệu đồng. Thậm chí, thực tế đã có người khi ra tới sân bay làm thủ tục xuất cảnh thì mới biết mình bị nợ thuế và bị tạm hoãn xuất cảnh.
(Cơ quan thuế sẽ nghiên cứu tạo thuận lợi cho việc đi lại, giao thương của các doanh nghiệp, cá nhân có nợ thuế)
Chị Trần Thị Huế và anh Hoàng Công Minh ở Hà Nội cho biết: "Lúc đấy, tôi khá bất ngờ vì tôi cũng nghĩ rằng là tôi đã đóng thuế ở công ty thứ nhất rồi thì công ty thứ hai cũng đóng cho mình. Tôi không để ý khi mà hoá ra là tôi chưa đóng phần thu nhập thứ hai đấy thì một phần là nợ thuế và một phần là bị phạt vi đóng chậm. Tôi khá bất ngờ và tôi khá sốc bởi vì tôi đã đóng thuế thu nhập cá nhân cho một công ty rồi và khi tôi làm thêm ở công ty thứ hai thì thuế thông báo với tôi là tôi phải đóng thêm 10% thuế thu nhập cá nhân nữa".
Thực tế, hiện nay rất nhiều trường hợp gặp vướng mắc trong quyết toán thuế thu nhập cá nhân, tuy nhiên, nhiều người nộp thuế cũng không biết mình bị nợ thuế. Theo Tiến sĩ Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, cơ quan thuế cần có giải pháp hỗ trợ, hướng dẫn cụ thể hơn.
"Trong thời gian vừa qua chúng ta thấy có rất nhiều trường hợp mà trước đây là người chủ của doanh nghiệp thì khi ra sân bay thì bị hoãn xuất cảnh do liên quan đến thuế. Ở đây tôi thấy có 2 nguyên nhân: thứ nhất là từ cá nhân nộp thuế có thiếu sót, chủ quan trong việc theo dõi các nguồn thu nhập của mình nên thiếu sót trong kê khai quyết toán thuế vì vậy dẫn tới có cá nhân nợ thuế trong nhiều năm, mặc dù số lượng không nhiều nhưng chúng ta chưa thực hiện trách nhiệm nộp thuế, cần phải được nâng cao hơn và cần hiểu biết hơn về nghĩa vụ của mình. Yếu tố thứ hai mà tôi nhìn nhận ở đây là sự hỗ trợ của cơ quan thuế là chưa thực sự kịp thời đối với người nộp thuế. các công cụ về thuế của chúng ta chưa hoàn thiện, dẫn tới người nộp thuế còn khó khăn khi thực hiện các thủ tục quyết toán và các nghĩa vụ thuế của mình"- Tiến sĩ Nguyễn Minh Thảo
Theo số liệu của Tổng Cục thuế, từ đầu năm tới nay đã có hơn 6.500 trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh vì nợ thuế. Con số này tăng mạnh so với năm ngoái- chỉ có hơn 2400 trường hợp. Tổng Cục thuế cho biết, không phải trường hợp nợ thuế nào cũng bị tạm hoãn xuất cảnh. Biện pháp cưỡng chế này được tăng cường áp dụng đối với những người nộp thuế nợ lớn, quá lâu, các trường hợp nợ chây ì, không chấp hành nộp vào ngân sách nhà nước.
Đặc biệt, ngành thuế tập trung rà soát và áp dụng tạm hoãn xuất cảnh đối với những người nộp thuế không còn hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký với cơ quan thuế, nhưng không thông báo với cơ quan quản lý trong khi vẫn còn nợ thuế. Để giúp người nộp thuế tránh tình trạng để nợ tiền thuế quá hạn đến mức phải bị tạm hoãn xuất cảnh, cơ quan thuế đang tích cực tuyên truyền, phổ biến cho người nộp thuế biết, theo dõi, tra cứu nghĩa vụ thuế, trong đó có số tiền thuế nợ. Hơn nữa, cơ quan thuế khuyến khích cá nhân, doanh nghiệp nộp khoản nợ thuế bằng phương thức điện tử qua cổng thông tin điện tử của Tổng cục thuế, hoặc nộp qua ứng dụng eTax Mobile cho thuận tiện, nhanh chóng.
Bà Nguyễn Thu Trà, Vụ trưởng Vụ Quản lý nợ, Tổng cục thuế cho biết: "Thực tế cơ quan thuế thường xuyên có thông báo nợ đến người nộp thuế. Những trường hợp mà người nộp thuế không nhận được thì thường là khi thay đổi địa chỉ kinh doanh, người nộp thuế không báo lại cho cơ quan thuế để thông báo của cơ quan thuế không đến đúng nơi của người nhận. Đó là một điểm mà cơ quan thuế cũng thường xuyên khuyến nghị với người nộp thuế là thường xuyên phải cập nhật các thông tin liên quan đến địa chỉ thông báo thuế cũng như thông tin liên lạc từ cơ quan thuế thì người nộp thuế đều có thể nhận được một cách đầy đủ".
Cũng theo Vụ trưởng Vụ Quản lý nợ, Tổng cục thuế cho biết, còn đối với trường hợp ra đến sân bay rồi mà mới biết bị hoãn xuất cảnh thì đó rất có thể người nộp thuế mà thông tin địa chỉ của họ không được chính xác, không nhận được thông báo của cơ quan thuế. Ngành thuế sẽ liên tục cải tiến các biện pháp để thu hồi nợ thuế của mình, làm sao vừa thu hồi hiệu quả nhưng cũng tạo điểu kiện cho người nộp thuế thuận lợi trong việc sản xuất kinh doanh cũng như không gây cản trở đến các hoạt động xuất cảnh của người nộp thuế.
Trong quá trình triển khai, ngành Thuế đã tiếp nhận nhiều ý kiến của doanh nghiệp và người nộp thuế về những bất cập khi triển khai biện pháp tạm hoãn xuất cảnh do nợ thuế. Điển hình như: khi tạm hoãn xuất cảnh đối với người đại diện pháp luật, cơ quan Thuế phát hiện, người đại diện pháp luật có khi chỉ là người lao động làm thuê cho doanh nghiệp, không phải là chủ sở hữu, hay người nắm giữ cổ phần của doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo quy định của Luật Doanh nghiệp hiện hành, người đại diện pháp luật của doanh nghiệp là cá nhân đại diện cho doanh nghiệp thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của doanh nghiệp, đại diện cho doanh nghiệp thực hiện các quyền, nghĩa vụ theo quy định của pháp luật. Từ thực tiễn này, Tổng cục Thuế cho rằng, việc xem xét đối tượng nào thực sự là người chịu trách nhiệm với khoản nợ, là người đại diện pháp luật hay người chủ sở hữu hay người nắm giữ cổ phần... là nội dung cần được cân nhắc, nghiên cứu.
Một bất cập khác, quy định hiện hành chưa có quy định cụ thể về mức nợ thuế (ngưỡng) bị áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh trong quá trình thực hiện tạm hoãn xuất cảnh. Do đó, Thủ trưởng cơ quan quản lý thuế căn cứ tình hình thực tế và công tác quản lý thuế trên địa bàn để quyết định áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh đối với từng trường hợp nợ thuế cụ thể. Tổng cục Thuế sẽ tiếp thu và tập trung nghiên cứu, báo cáo các cấp có thẩm quyền về ngưỡng nợ thuế phù hợp đối với từng đối tượng nợ thuế trong việc áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh.
Đồng thời, Tổng cục Thuế sẽ xem xét các quy định về đối tượng bị tạm hoãn xuất cảnh tại Luật Quản lý thuế và Nghị định số 126/2020 của Chính phủ và các quy định pháp luật liên quan, để vừa đảm bảo tính công bằng vừa đảm bảo hỗ trợ người nộp thuế do khó khăn, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Với những bất cập trong thực tế triển khai, hiện Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý thuế. Trong quá trình sửa Luật, cơ quan Thuế sẽ rà soát, nghiên cứu, đề xuất những giải pháp phù hợp để tháo gỡ khó khăn cho người nộp thuế.
Theo Phạm Thị Hạnh/VOV1
https://vov.vn/kinh-te/nghien-cuu-xem-xet-va-de-xuat-sua-doi-quy-dinh-tam-hoan-xuat-canh-do-no-thue-post1127893.vov