Cập nhật: 13/10/2024 07:32:00
Xem cỡ chữ

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 9 tháng năm 2024 có 105 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn là 177,5 triệu USD, giảm 27,5% so với cùng kỳ năm trước. Có 20 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn điều chỉnh 12 triệu USD, giảm 93%.

Chú thích ảnh

Dây chuyền sản xuất bản mạch điện tử tại Công ty TNHH Nexcon Việt Nam, vốn đầu tư của Hàn Quốc tại Bắc Ninh. Ảnh minh họa: Danh Lam/TTXVN

Tính chung 9 tháng năm 2024, tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (bao gồm cả vốn cấp mới và điều chỉnh) đạt 189,6 triệu USD, giảm 54,5% so với cùng kỳ năm trước.

Về lĩnh vực đầu tư, các nhà đầu tư Việt Nam đã đầu tư ra nước ngoài ở 15 ngành; trong đó, vốn đầu tư tập trung nhiều nhất vào các ngành khai khoáng với 58,6 triệu USD, chiếm 30,9% tổng vốn đầu tư. Công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 34,7 triệu USD, chiếm 18,3%.

Theo sau đó là bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác đạt 30,9 triệu USD, chiếm 16,3% tổng vốn đầu tư. Sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng và điều hòa không khí đạt 23,5 triệu USD, chiếm 12,4%...

Về lãnh thổ đầu tư, 9 tháng năm 2024, có 27 quốc gia và vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam; trong đó, Hà Lan là nước dẫn đầu với 54,6 triệu USD, chiếm 28,8% tổng vốn đầu tư. Lào nhận khoản đầu tư 43,5 triệu USD, chiếm 22,9%.

Các quốc gia nhận vốn đầu tư tiếp theo lần lượt là: Hoa Kỳ với 41,8 triệu USD, chiếm 22% tổng vốn đầu tư; Campuchia với 21,8 triệu USD, chiếm 11,5%; Vương quốc Anh với 20,4 triệu USD, chiếm 10,7%; Indonesia với 6,3 triệu USD, chiếm 3,3%...

Lũy kế đến tháng 9 năm 2024, Việt Nam đã có 1.772 dự án đầu tư ra nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư Việt Nam gần 22,11 tỷ USD. Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài tập trung nhiều nhất vào các ngành khai khoáng, chiếm 31,8% tổng vốn đầu tư và nông, lâm nghiệp, thủy sản, chiếm 15,3% tổng vốn đầu tư.

Hai địa bàn nhận đầu tư của Việt Nam nhiều nhất lần lượt là 2 quốc gia thuộc khu vực ASEAN, trong đó Lào nhận 24,9% tổng vốn đầu tư và Campuchia nhận 13,3% tổng vốn đầu tư.

Đối với quốc gia Lào, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho hay, hợp tác đầu tư Việt Nam - Lào đã có sự phát triển không ngừng. Lào là một trong số các quốc gia, vùng lãnh thổ mà Việt Nam đầu tư ra nước ngoài.

Theo đó, một số dự án đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam tại Lào có hiệu quả, tiếp tục tăng vốn đầu tư mở rộng trong năm 2024.

Hiện, nhiều dự án đã đi vào hoạt động ổn định, hiệu quả, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội, nộp ngân sách, thực hiện công tác an sinh xã hội; đồng thời, tạo công ăn việc làm, đào tạo và nâng cao tay nghề, trình độ của người lao động, cải thiện cơ sở hạ tầng tại một số địa phương… được Chính phủ Lào ghi nhận và đánh giá cao.

Ở chiều ngược lại, tính đến 30/9/2024, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt hơn 24,78 tỷ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2023. Vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt khoảng hơn 17,3 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2023.

Theo Thúy Hiền (TTXVN)

https://baotintuc.vn/kinh-te/dau-tu-ra-nuoc-ngoai-cua-doanh-nghiep-viet-giam-20241012182141464.htm