Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV, ngày 25/10, đồng chí Nguyễn Văn Mạnh, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh và các ông, bà Đại biểu Quốc hội khóa XV tỉnh Vĩnh Phúc đã tham dự phiên thảo luận tại hội trường về dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn và dự án Luật Công chứng (sửa đổi).
Đại biểu Trần Văn Tiến, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc thảo luận tại phiên họp.
Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, đại biểu Trần Văn Tiến, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị cần quy định thêm về quy mô dân số tối thiểu phải đáp ứng tiêu chí của đô thị loại 5, phù hợp với từng vùng miền; bổ sung hệ thống hạ tầng kỹ thuật thủy lợi theo Luật Thủy lợi; quy định về quy chế quản lý kiến trúc; bổ sung quy định về thời gian hoàn thành quy hoạch để tránh tình trạng kéo dài thời gian lập nhiệm vụ quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn; quy định về thời gian hoàn thành việc lập các cấp độ quy hoạch đối với các khu chức năng và không gian ngầm; quy định cụ thể về lấy ý kiến nhiệm vụ quy hoạch đô thị và nông thôn cũng như quy định về quản lý quy hoạch đô thị và nông thôn; bổ sung quy định về lập quy hoạch không gian ngầm và quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật nhằm đảm bảo đồng bộ với quy hoạch chung.
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc thảo luận tại phiên họp.
Cho ý kiến vào dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi), Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị cần làm rõ trong dự thảo về nội dung hành nghề công chứng liên quan đến công chứng viên bị miễn nhiệm do không hành nghề liên tục từ 12 tháng trở lên để tránh tình trạng người có thẻ công chứng viên mỗi năm chỉ thực hiện một số công việc công chứng hoặc chứng thực để đối phó với quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, nghiên cứu kỹ quy định về thu hồi quyết định cho phép thành lập văn phòng công chứng khi không hoạt động liên tục 3 tháng trở lên, trừ trường hợp tạm ngừng hoạt động theo quy định của Luật để thuận lợi cho cơ quan quản lý Nhà nước khi tiến hành đánh giá tiêu chí này.
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh cũng đề nghị bổ sung, làm rõ thêm điều kiện về quyền rút vốn hoặc chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp của mình cho thành viên hợp danh khác là công chứng viên đối với các văn phòng công chứng có từ 1 đến 2 thành viên đối với các trường hợp bất khả kháng khi có thành viên chuyển nơi ở, đi nước ngoài thì không thể tiếp tục thực hiện nghĩa vụ làm việc ở văn phòng công chứng thì rất khó khăn cho việc rút vốn tại văn phòng công chứng.
Ngày mai (26/10), Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về tình hình KT-XH, ngân sách Nhà nước; chủ trương điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam và dự án Luật Điện lực (sửa đổi).
Ngọc Anh