Cập nhật: 09/11/2024 20:00:00
Xem cỡ chữ

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV, ngày 9/11, đồng chí Dương Văn An, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; đồng chí Nguyễn Văn Mạnh, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh và các ông, bà Đại biểu Quốc hội khóa XV tỉnh Vĩnh Phúc đã tham gia các phiên thảo luận tại hội trường và tại tổ về một số dự thảo Luật và Nghị quyết của Quốc hội.

Đại biểu Lê Tất Hiếu, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh thảo luận tại hội trường sáng 9/11.

Thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết về thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự, Đại biểu Lê Tất Hiếu, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh cho rằng, theo quy định, những vụ án Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo là những vụ việc, vụ án tham nhũng tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm; các vụ việc, vụ án tiêu cực khác ngoài tham nhũng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, uy tín, phẩm chất, đạo đức, vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức làm suy giảm niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ. Phạm vi vụ việc, vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương theo dõi, chỉ đạo không chỉ là đối với tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng mà còn có thể có cả tội phạm nghiêm trọng, ít nghiêm trọng. Về nguyên tắc, khi giải quyết tất các các vụ án, vụ việc mà cần xử lý vật chứng, tài sản bị thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa tuân theo đầy đủ các nguyên tắc và các điều kiện quy định của Nghị quyết này thì đều có thể giải quyết được theo nội dung của Nghị quyết. Do vậy, đại biểu cho rằng không cần bổ sung các tiêu chí khác như tính chất của tội phạm, phạm vi chương, mục cụ thể của Bộ luật Hình sự vào phạm vi dự thảo.

Tiếp đó, dưới sự chủ trì của đồng chí Dương Văn An, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Tổ trưởng tổ 5 gồm Đại biểu Quốc hội các tỉnh: Vĩnh Phúc, Kiên Giang, Lào Cai và Quảng Nam đã thảo luận tại tổ về dự án Luật Nhà giáo và Dự án Luật Việc làm sửa đổi.

Về dự án Luật Nhà giáo, Đại biểu Quốc hội cho rằng nên giao quyền và trách nhiệm đầy đủ hơn cho ngành Giáo dục trong việc tuyển dụng nhà giáo, để không quá phụ thuộc vào ngành Nội vụ trong việc tuyển dụng và cũng dễ dàng hơn trong việc bố trí, sắp xếp giáo viên ở các địa phương một cách phù hợp, khắc phục tình trạng thừa, thiếu cục bộ. Về thẩm quyền tuyển dụng, Đại biểu Quốc hội thống nhất với việc nhà giáo trong cơ sở giáo dục công lập do cơ quan quản lý giáo dục chủ trì tuyển dụng hoặc phân cấp, ủy quyền. Đối với cơ sở giáo dục được giao quyền tự chủ, người đứng đầu cơ sở giáo dục thực hiện việc tuyển dụng. Nhà giáo trong cơ sở giáo dục ngoài công lập do cơ sở giáo dục chủ trì tuyển dụng theo quy chế tổ chức, hoạt động của cơ sở giáo dục. Đại biểu Quốc hội cho rằng nếu vẫn giao cho ngành Nội vụ tuyển dụng giáo viên theo số học sinh/lớp sẽ khiến cho những vùng, miền khó khăn không thể tuyển đủ giáo viên các môn học. Cho ý kiến vào dự án Luật Việc làm (sửa đổi), Đại biểu Quốc hội nhất trí với sự cần thiết, mục tiêu và các quan điểm chỉ đạo xây dựng dự án Luật và cho rằng quy định của dự thảo Luật góp phần thể chế hóa quan điểm của Đảng về mục tiêu tạo việc làm bền vững, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và hỗ trợ phát triển thị trường lao động đồng bộ, linh hoạt, hội nhập.

Ngày mai (10/11), Quốc hội nghỉ. Ngày 11/11, Quốc hội bắt đầu tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ Tám.

Ngọc Anh