Các chuyên gia cho rằng, thay vì cạnh tranh sản phẩm bằng giá rẻ, doanh nghiệp nên đầu tư vào chất lượng sản phẩm để tránh điều tra phòng vệ thương mại.
Việc tham gia sâu vào sân chơi quốc tế, ký kết các cam kết hiệp định thương mại tự do (FTA) mở ra cơ hội cho xuất khẩu tăng trưởng. Thế nhưng, khi xu thế hàng rào thuế quan giảm, nhiều quốc gia tăng cường sử dụng hàng rào phi thuế quan như biện pháp phòng vệ thương mại với các quốc gia có kim ngạch xuất khẩu tăng cao nhằm bảo hộ nền sản xuất trong nước. Do đó, các chuyên gia cho rằng, thay vì cạnh tranh sản phẩm bằng giá rẻ, doanh nghiệp nên đầu tư vào chất lượng sản phẩm để tránh điều tra phòng vệ thương mại.
Bà Trương Thùy Linh, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương, cho biết, tính đến ngày 31/10, trong số các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại đối với Việt Nam, các vụ điều tra chống bán phá giá (147 vụ việc) và tự vệ (54 vụ việc) chiếm tỷ lệ cao nhất, tương ứng là 54,8% và 20,1%.
Trong khi đó, các vụ việc điều tra chống trợ cấp (29 vụ việc) chiếm tỷ lệ nhỏ hơn do tính chất phức tạp của vụ việc, tuy nhiên đang có xu hướng gia tăng do hiệu ứng domino, xu hướng bảo hộ. Ngoài ra, điều tra lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại (38 vụ việc) đang có xu hướng gia tăng và trở thành một công cụ bảo hộ được các nước ngày càng áp dụng nhiều.
Bởi vậy, trước khi một vụ việc phòng vệ thương mại xảy ra, theo bà Trương Thùy Linh, doanh nghiệp cần trang bị những kiến thức cơ bản về phòng vệ thương mại, song song với đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tránh tập trung xuất khẩu quá “nóng” vào một thị trường và cần tập trung cạnh tranh bằng chất lượng hơn là cạnh tranh bằng giá cả.
Bên cạnh đó, thường xuyên cập nhật thông tin với hiệp hội và cơ quan Chính phủ (Cục Phòng vệ thương mại), nhà nhập khẩu về khả năng một vụ việc có thể xảy ra, tham khảo danh sách các mặt hàng cảnh báo nguy cơ bị điều tra lẩn tránh thuế của Cục Phòng vệ thương mại.
Trong quá trình ứng phó, doanh nghiệp cần tham gia, hợp tác, cung cấp thông tin đầy đủ cho cơ quan điều tra trong tất cả các giai đoạn của vụ việc, đồng thời phối hợp với hiệp hội và Chính phủ trong toàn bộ diễn biến vụ việc để nhận được sự hỗ trợ cần thiết.
Ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán thương mại, Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ cho hay, khi xuất khẩu sang Hoa Kỳ, các doanh nghiệp phải luôn trong tâm thế sẵn sàng là mình có thể bị kiện phòng vệ thương mại bất cứ lúc nào, vì doanh nghiệp Hoa Kỳ tận dụng rất hiệu quả công cụ này. Hiện tại, Hoa Kỳ là quốc gia kiện phòng vệ thương mại nhiều nhất trên thế giới và trong Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) trên cơ sở yêu cầu từ doanh nghiệp Hoa Kỳ và trong một số trường hợp là do cơ quan thương mại Hoa Kỳ khởi xướng.
Để ứng phó với các vụ kiện từ thị trường, theo ông Đỗ Ngọc Hưng, doanh nghiệp cần tăng cường quan hệ với Hoa Kỳ để chủ động nắm bắt thông tin từ sớm, từ xa. Qua đó, cung cấp thông tin cho cơ quan liên quan trong quá trình vận động giải trình trong các vụ điều tra. Ngoài ra, doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ các công cụ phòng vệ thương mại của Hoa Kỳ, cũng như quy trình, thủ tục để có kiến thức pháp luật về vấn đề này.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải luôn chuẩn bị các nguồn lực cần thiết, phù hợp để xử lý vụ việc khi vụ việc xảy ra, như lưu trữ hồ sơ, tài liệu chứng từ về nguyên liệu đầu vào phục vụ xuất khẩu. Đặc biệt, cần nghiên cứu, xem xét hạn chế sử dụng các nguồn nguyên liệu từ thị trường bị Hoa Kỳ coi là đối tượng áp các biện pháp phòng vệ thương mại.
Bà Trần Thu Quỳnh, Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Canada cho biết, khi đã điều tra một sản phẩm, Canada thường xem xét luồng nhập khẩu từ tất cả các quốc gia liên quan, dù lượng xuất khẩu có thể không đáng kể. Ngoài ra, khi bị vào tầm ngắm, sản phẩm đều bị điều tra cả thuế chống bán phá giá và thuế đối kháng.
Vì vậy, bà Trần Thu Quỳnh khuyến cáo doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam cần quan tâm, theo dõi thông tin cảnh báo, nắm xu thế và tình hình các vụ việc phòng vệ thương mại liên quan đến mặt hàng mình sản xuất kể cả của các nước khác và khi bị điều tra, cần tích cực phối hợp cung cấp thông tin để tránh bị áp thuế cao.
Thương vụ Việt Nam đã và đang tổ chức nhiều sự kiện phổ biến Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hiểu về nguyên tắc xuất xứ và cách thức khai thác nguyên tắc xuất xứ cộng gộp trong sản xuất… và vận động Chính phủ Canada tài trợ cho dự án phát triển cơ sở dữ liệu các sản phẩm đầu vào gắn với năng lực cung cấp thoả mãn tiêu chuẩn xuất xứ để khai thác hiệu quả và bền vững các FTA.
Chia sẻ kinh nghiệm thực tế từ ngành nhôm Việt Nam, ông Nguyễn Minh Kế, Chủ tịch Hội Nhôm thanh định hình Việt Nam bày tỏ, để ứng phó tốt với các cuộc điều tra phòng vệ thương mại, doanh nghiệp cần chuẩn bị tâm thế sẵn sàng ứng phó thông qua việc nâng cao chất lượng sản phẩm, thường xuyên cập nhật thông tin về biện pháp phòng vệ thương mại và xu hướng thị trường quốc tế. Đồng thời, nâng cao nhận thức và kỹ năng ứng phó cho nhân viên, bên cạnh việc xây dựng hệ thống lưu trữ hồ sơ chi tiết và có tổ chức để dễ dàng cung cấp khi cần thiết.
Trong quá trình ứng phó điều tra phòng vệ thương mại, việc thu thập chứng cứ là bước quan trọng; trong đó, doanh nghiệp cần tập trung vào 3 loại chứng cứ chính gồm dữ liệu giá cả, chứng cứ thiệt hại và hồ sơ tài chính. Ngoài ra, việc hợp tác chặt chẽ với cơ quan điều tra cũng là yếu tố quan trọng để bảo đảm quá trình điều tra diễn ra suôn sẻ và công bằng, cùng với tìm kiếm hỗ trợ pháp lý chuyên nghiệp và học hỏi từ các trường hợp thực tế, giúp doanh nghiệp chuẩn bị tốt hơn cho điều tra phòng vệ thương mại.
Mặt khác, việc các quốc gia gia tăng áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, nhất là chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại cũng là do sự dịch chuyển sản xuất từ các quốc gia khác đến Việt Nam. Từ thực tế này, doanh nghiệp, ngành hàng cần chủ động trong chiến lược sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu để ứng phó trước xu thế điều tra phòng vệ thương mại của thị trường quốc tế.
Ông Trịnh Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại nhấn mạnh, Bộ Công Thương đã đưa ra danh sách cảnh báo sớm đối với các mặt hàng có nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại để doanh nghiệp chủ động xây dựng kế hoạch ứng phó. Cùng đó, Cục đã tiến hành trao đổi với hiệp hội, doanh nghiệp để cung cấp thông tin, cập nhật diễn biến vụ việc và thống nhất phương án ứng phó…
“Cục Phòng vệ thương mại luôn đồng hành với doanh nghiệp trong việc phòng vệ thương mại bảo vệ sản xuất, xuất khẩu bền vững”, ông Trịnh Anh Tuấn khẳng định.
Theo Uyên Hương (TTXVN)
https://baotintuc.vn/kinh-te/nang-chat-cho-san-pham-tranh-dieu-tra-phong-ve-thuong-mai-20241113112318268.htm