Cập nhật: 02/12/2024 18:31:00
Xem cỡ chữ

Những năm qua, hải trình đến với các đảo, nhà giàn DK1 vùng biển tây nam của quân và dân Thành phố Hồ Chí Minh trở thành một hoạt động truyền thống ý nghĩa, thiết thực, trở thành sợi dây kết nối, biểu tượng cho sự keo sơn, đoàn kết của tình quân dân. Những chuyến thăm gieo niềm tin, nhân lên tình yêu quê hương biển đảo trong cán bộ, nhân dân trên thành phố mang tên Bác Hồ.

 

Cán bộ, chiến sĩ đảo Hòn Chuối đọc sách sau giờ huấn luyện.

 

Giữa tháng 11, từ Lữ đoàn 125, tàu KN 290 rời bến đưa đoàn cán bộ, chiến sĩ và nhân dân thuộc Quân chủng Hải quân và Thành phố Hồ Chí Minh hướng về vùng biển tây nam của Tổ quốc. Dọc hải trình kéo dài hơn 1.000 hải lý, những trở ngại của thời tiết, thay đổi thói quen sinh hoạt không những không làm chùn bước, giảm tinh thần của đoàn công tác mà thay vào đó là sự háo hức, hồi hộp. Đó là tinh thần của những người lần đầu ra thăm đảo, lần đầu bước lên Nhà giàn DK1 giữa biển trời quê hương.

Đến để thêm yêu biển đảo quê hương

Sau hơn một ngày vượt qua những cơn mưa lớn và biển động, chuyến hải trình với hơn 200 đại biểu mang theo tình cảm ấm áp và sự tri ân sâu sắc từ đất liền đến với đảo Hòn Khoai. Cụm đảo Hòn Khoai thuộc địa phận xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau, cách đất liền điểm gần nhất khoảng 14 km. Trên đảo có bốn lực lượng đang thực hiện nhiệm vụ gồm: Trạm ra-đa 595, Đồn Biên phòng, Trạm hải đăng, Hạt Kiểm lâm.

Đại úy Bùi Ngọc Định, Chính trị viên Trạm ra-đa 595 cho biết, vượt qua những khó khăn trên đảo, những người lính trẻ nơi đây vẫn luôn quyết tâm vượt khó, ngày đêm canh giữ biển trời hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo, góp phần giữ vững an ninh trật tự vùng biển tây nam.

Thay mặt đoàn, đồng chí Nguyễn Phước Lộc, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hồ Chí Minh, trưởng đoàn công tác và các thành viên đoàn đã trao tặng những phần quà thiết thực gồm máy móc, thiết bị, phương tiện vật dụng sinh hoạt, hệ thống máy lọc nước, không gian văn hóa Hồ Chí Minh và chuyển giao quy trình sơ cấp cứu, thuốc đặc trị cho Quân y Trạm ra-đa 595.

Trong hải trình trên vùng biển tây nam, Nhà giàn DK1/10 hẳn là nơi mang lại nhiều cảm xúc nhất cho các đại biểu. Sáng hôm đó, khi tàu KN 290 neo gần nhà giàn, thời gian chờ xuồng trung chuyển để lên nhà giàn tạo cho mọi người một cảm giác thật đặc biệt.

Thời tiết không thuận lợi, những con sóng cao dữ đánh mạnh vào chân nhà giàn khiến xuồng chở các thành viên phải nhiều lần vào-ra để tiếp cận chân thang. Đoàn chúng tôi phải mất hơn một giờ đồng hồ mới hoàn tất việc đưa người, quà tặng đến nhà giàn. Hình ảnh những người lính trẻ kiên cường bám trụ trên nhà giàn giữa biển khơi mênh mông đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng mỗi thành viên của đoàn. Sự hy sinh thầm lặng, tinh thần quả cảm của họ là nguồn cảm hứng, động viên những người lần đầu đặt chân đến đây.

Nghĩa tình quân dân biển đảo tây nam Tổ quốc ảnh 1

Lãnh đạo Quân chủng Hải quân, Thành phố Hồ Chí Minh thăm hỏi cán bộ, chiến sĩ đang công tác trên đảo Hòn Chuối.

20 tuổi, chiến sĩ Nguyễn Tấn Giàu, một người con của Thành phố Hồ Chí Minh đã có hai năm vững tay súng nơi nhà giàn này. Gạt đi nỗi nhớ nhà, cảm giác cô đơn những ngày đầu, trong sự yêu thương, chia sẻ của cán bộ, chiến sĩ nơi đây, cùng với sự kỷ luật của đơn vị, Giàu đã trưởng thành, chững chạc hơn rất nhiều so với chính mình hai năm trước. "Em tự hào khi được thực hiện nhiệm vụ giữa biển trời của Tổ quốc. Công tác ở đây cho em những trải nghiệm, bài học mà không dễ gì có được trong hoàn cảnh bình thường"-Nguyễn Tấn Giàu cho biết.

Chỉ có hơn một giờ đồng hồ bên nhau, những người lính nhà giàn không giấu được những cảm xúc đặc biệt khi gặp lại đại diện quân và dân đất liền ra thăm, động viên. Bên cạnh những món quà, tình cảm của đất liền gửi ra, đại diện quân và dân đất liền và biển đảo đã quây quần bên nhau, hát cho nhau nghe. Không gian chật chội không ảnh hưởng đến những đôi tay nắm chặt lấy nhau và hát vang giữa biển trời Tổ quốc. Tạm biệt nhau ở chân cầu thang nhà giàn, những giọt nước mắt của nhiều thành viên đã rơi xuống. Những cái ôm thật chặt như một lời cảm ơn, tri ân đặc biệt dành cho những cán bộ, chiến sĩ kiên cường bám trụ nơi đây.

Hành trình nối kết yêu thương

Hải trình của đoàn tiếp tục đi đến đảo Thổ Chu. Đây là quần đảo tiền tiêu nằm xa bờ nhất của tỉnh Kiên Giang. Đến với Thổ Chu, nhiều thành viên trong đoàn không khỏi xúc động, vui mừng trước sự đổi thay mạnh mẽ của hòn đảo này. Đời sống của người dân được nâng cao, nhiều công trình, thiết chế văn hóa được xây dựng khang trang, trong đó có những công trình là sự đóng góp của tuổi trẻ, nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. Kế đó là chuyến thăm, động viên, tặng quà cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo Hòn Chuối, đảo Nam Du, đảo Hòn Đốc, đảo ngọc Phú Quốc, đảo Côn Đảo.

Với Côn Đảo, nơi nhiều đại biểu đã đặt chân đến đây nhưng chắc hẳn mỗi lần đến đều mang những cảm xúc đặc biệt, bởi đây không chỉ là vùng đất thiêng liêng của Tổ quốc, ghi dấu những trang sử hào hùng của dân tộc, mà còn là "trường học cách mạng" của các thế hệ chiến sĩ cộng sản kiên trung. Nơi đây, giữa muôn vàn khó khăn, gian khổ, những người cộng sản đã biến nhà tù thành nơi rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất, lý tưởng cách mạng, hun đúc tinh thần đấu tranh bất khuất, kiên cường.

Hành trình đến với biển đảo tây nam của đoàn công tác khép lại, nhưng hình ảnh những người lính hải quân kiên cường, bám trụ giữa trùng khơi, bảo vệ biển trời Tổ quốc, nụ cười hồn nhiên của trẻ thơ trên đảo xa, những cái bắt tay nồng ấm, những lời thăm hỏi chân tình của người dân nơi đây... là những kỷ niệm quý giá khắc ghi trong tâm trí mỗi người. Chuyến đi không chỉ là hành trình nối kết yêu thương, sẻ chia, mà còn thắp lên ngọn lửa tự hào dân tộc, khơi dậy tinh thần yêu nước, ý thức trách nhiệm với biển, đảo quê hương.

Nghĩa tình quân dân biển đảo tây nam Tổ quốc ảnh 2

Cán bộ và nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Quân chủng Hải quân giao lưu văn nghệ cùng cán bộ, chiến sĩ đang công tác tại Nhà giàn DK1/10.

Một trong những điểm nhấn của chuyến đi lần này của đoàn cán bộ, nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đến với các hòn đảo tiền tiêu vùng biển tây nam chính là việc tổ chức kết nối các đơn vị y tế tuyến đầu của thành phố để tổ chức tập huấn, chuyển giao tài liệu, thuốc men, quy trình cấp cứu cho quân y trên các đảo, nhà giàn; bàn giao các sản phẩm văn hóa tinh thần và trao tặng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh cho các đơn vị; trao các trang, thiết bị dạy và học tặng các lớp học tình thương, trường học và tặng vườn cây ươm giống, trồng cây xanh tại các đảo…

Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hồ Chí Minh Phạm Minh Tuấn chia sẻ: Đây là những nội dung ý nghĩa thiết thực đã được thành phố khảo sát, làm việc với Quân chủng Hải quân, Vùng 2, Vùng 5 để mỗi phần quà trực tiếp góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho bộ đội, nhân dân trên các điểm đảo mà đoàn đến. Những phần quà đó cũng thể hiện tình cảm, sự chung sức, chung lòng của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Thành phố Hồ Chí Minh đối với cán bộ, chiến sĩ, nhân dân nơi "đầu sóng ngọn gió" vượt qua khó khăn, đoàn kết một lòng, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Đánh giá về chuyến đi, đồng chí Nguyễn Phước Lộc cho biết, những năm qua, Thành phố Hồ Chí Minh đã có nhiều chương trình như: "Vì biển đảo thân yêu, vì tuyến đầu Tổ quốc", "Cùng nhau thắp sáng nhà giàn DK1/10", "Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển", "Góp đá xây Trường Sa"… Thông qua đó, nhân dân thành phố mong muốn góp phần tạo những điều kiện tốt hơn nữa cho cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên các đảo, nhà giàn để họ yên tâm công tác, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc thân yêu.

Theo nhandan.vn

https://nhandan.vn/nghia-tinh-quan-dan-bien-dao-tay-nam-to-quoc-post847152.html