Cập nhật: 13/12/2024 08:13:00
Xem cỡ chữ

Viêm xoang là một trong những bệnh lý phổ biến, đặc biệt là ở nơi có khí hậu nóng ẩm như Việt Nam. Bệnh bao gồm giai đoạn cấp tính và mạn tính, với thời tiết lạnh như hiện nay sẽ khiến tỷ lệ mắc bệnh viêm xoang tái phát cao.

Viêm xoang là tình trạng viêm của lớp niêm mạc lót trong xoang. Khi các xoang bị viêm, lớp niêm mạc trong xoang bị phù nề, tăng ứ đọng dịch nhầy mủ trong xoang, gây hiện tượng tắc các lỗ thông từ xoang đổ ra hốc mũi. Khí các lỗ thông xoang bị tắc, các dịch nhầy sẽ bị tích tụ. Và đây chính là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển dẫn tới nhiễm trùng xoang.

Vệ sinh mũi họng kém là một trong những nguyên nhân gây viêm xoang. Khi mũi họng không được chú ý chăm sóc và vệ sinh tốt, các tác nhân gây bệnh là vi khuẩn và virus sẽ có cơ hội tấn công hệ thống mũi xoang gây viêm xoang. Các dị tật về cấu trúc mũi xoang như polyp mũi, vẹo vách ngăn là nguyên nhân gây giảm thông khí, thông dịch tại các xoang khiến vi khuẩn phát triển gây bệnh.

Môi trường sống cũng là yếu tố vô cùng quan trọng. Nếu sống trong một môi trường không khí ô nhiễm (khói, bụi, thuốc lá..), vi khuẩn, virus trong các hạt bụi li ti sẽ xâm nhập vào cơ thể thông qua luồng khí thở gây viêm mũi, sau đó phát triển thành viêm xoang.

Thời tiết thay đổi cũng là nguyên nhân khiến sức đề kháng của cơ thể suy giảm, độ nhạy cảm của lớp niêm mạc các xoang tăng lên tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển gây viêm xoang.

5 cách chữa viêm xoang tại nhà an toàn- Ảnh 2.

Viêm xoang là một trong những bệnh lý phổ biến.

Khi bị viêm xoang cần làm gì?

Hầu hết các trường hợp viêm xoang là do nhiễm virus và có thể không cần điều trị. Thuốc không kê đơn (OTC) và phương pháp điều trị tại nhà có thể giúp giảm bớt triệu chứng của bệnh. Dưới đây là những bí quyết giúp người bị viêm xoang chữa bệnh tại nhà an toàn.

Vệ sinh mũi, xoang bằng nước muối sinh lý

Nước muối sinh lý rất tốt trong việc làm sạch vi khuẩn đường mũi, họng. Người bệnh có thể rửa mũi bằng muối sinh lý hàng ngày giúp giảm các triệu chứng của viêm xoang.

Tuy nhiên, nên dùng nước muối sinh lý, không nên dùng nước muối tự pha vì nồng độ nước muối quá cao nên có thể gây tổn thương niêm mạc mũi, trong khi nếu nồng độ quá nhạt lại không đủ tác dụng sát khuẩn.

Chườm ấm

Các triệu chứng đau nhức xoang có thể được cải thiện khi chườm ấm. Người bệnh có thể dùng một chiếc khăn bông nhúng vào nước ấm, vắt khô rồi chườm lên vùng mũi sẽ thấy tình trạng nghẹt mũi được cải thiện đáng kể. Các dịch nhầy được đẩy ra ngoài và người bệnh sẽ cảm thấy dễ chịu ngay sau đó.

Dùng trà thảo dược

Dùng trà thảo dược là cách điều trị viêm xoang tại nhà tự nhiên, an toàn, hiệu quả mà có thể áp dụng ngay tại nhà. Thông thường các loại trà thảo dược hỗ trợ điều trị viêm xoang có chứa một số thảo dược như trà gừng, tía tô, quế… ngoài ra, có thể dùng tinh dầu khuynh diệp, bạc hà thoa lên vùng mũi để cải thiện đau nhức xoang, thông xoang mũi. Cũng có thể nhỏ một ít tinh dầu khuynh diệp, bạc hà vào máy xông tinh dầu đặt trong phòng ngủ.

Uống nhiều nước

Uống nhiều nước mỗi ngày cũng là một phương pháp cải thiện đáng kể tình trạng viêm xoang. Uống nhiều nước sẽ giúp giữ ẩm cho niêm mạc mũi, làm loãng dịch nhầy trong mũi giúp dịch nhầy được tống ra ngoài một cách dễ dàng, giảm triệu chứng nghẹt mũi. Ngoài ra, bổ sung nhiều nước còn thúc đẩy quá trình trao đổi chất trong cơ thể, giúp các cơ quan trong cơ thể hoạt động tốt hơn.

Thay đổi tư thế ngủ

Giấc ngủ ngon rất cần thiết để cơ thể phục hồi và sửa chữa các tổn thương. Lý do là trong lúc ngủ cơ thể sẽ sản sinh nhiều tế bào bạch cầu có tác dụng chống lại các tác nhân xấu tấn công cơ thể, cụ thể là các vi khuẩn gây viêm xoang. Các chuyên gia hướng dẫn người bệnh nên nằm ngửa và kê cao gối để giúp mũi lưu thông khí tốt hơn.

Tóm lại: Để phòng ngừa mắc và tái phát viêm xoang thì cần giữ ấm cho cơ thể khi thời tiết trở lạnh, đặc biệt là giữ ấm ở vùng cổ, ngực và mũi. Sử dụng khẩu trang khi đi ra ngoài đường, bên cạnh việc giữ ấm còn có tác dụng ngăn chặn sự xâm nhập của bụi bẩn, vi khuẩn. Không tắm nước lạnh hoặc tắm trong buồng thông gió. Giữ cho môi trường sống xung quanh sạch sẽ để hạn chế các tác nhân gây bệnh như khói bụi và vi khuẩn.

Xây dựng chế độ ăn uống phù hợp, bổ sung đầy đủ dưỡng chất, từ bỏ việc hút thuốc lá, tránh xa môi trường có khói thuốc lá. Nên sử dụng gừng để chữa viêm xoang dị ứng, vì trong gừng có hàm lượng chất kháng sinh tự nhiên Histamine giúp kháng viêm, chống khuẩn, từ đó làm giảm tình trạng nghẹt mũi, chảy nước mũi.

Theo suckhoedoisong.vn
 https://suckhoedoisong.vn/5-cach-chua-viem-xoang-tai-nha-an-toan-169241210083832742.htm