Cập nhật: 25/12/2024 16:40:00
Xem cỡ chữ

Theo Công an Đà Nẵng, gần đây ở thành phố xảy ra nhiều vụ lừa đảo trực tuyến để lừa nạn nhân chuyển tiền đặt cọc nên người dân cẩn trọng khi đặt phòng khách sạn qua các nền tảng mạng xã hội.

(Nguồn: Vietnam+)

(Nguồn: Vietnam+)

Theo Công an thành phố Đà Nẵng, gần đây ở thành phố xảy ra nhiều vụ lừa đảo trực tuyến với thủ đoạn giả mạo thông tin khách sạn và cho thuê phòng trọ để lừa nạn nhân chuyển tiền đặt cọc.

Vì vậy, Công an thành phố Đà Nẵng khuyến cáo người dân cẩn trọng khi đặt phòng khách sạn, phòng trọ, nhà nghỉ thông qua các nền tảng mạng xã hội; kiểm tra và xác minh kỹ thông tin về vị trí, cơ sở vật chất của nơi ở cũng như lai lịch của người cung cấp dịch vụ.

Đồng thời, khi được yêu cầu chuyển tiền đặt cọc, người dân nên kiểm tra kỹ nguồn gốc của tài khoản và tính xác thực của thông tin được cung cấp trước khi chuyển khoản, ưu tiên thanh toán trực tiếp nếu có thể. Người dân cần cẩn trọng khi chuyển tiền cho các tài khoản cá nhân, vì các giao dịch chính thức thường được thực hiện qua tài khoản ngân hàng của các doanh nghiệp, tổ chức.

Nếu có thể, người dân cần đến trực tiếp địa điểm hoặc liên hệ qua số điện thoại chính thức của đơn vị để kiểm tra thông tin. Trong trường hợp nghi ngờ, hãy ngừng giao dịch và báo ngay cho cơ quan chức năng.

Việc giữ lại bằng chứng như tin nhắn, hóa đơn chuyển khoản không chỉ giúp bảo vệ quyền lợi cá nhân mà còn hỗ trợ cơ quan chức năng truy vết, ngăn chặn các đối tượng lừa đảo tiếp tục hành vi phạm pháp.

Trước đó, Công an thành phố Đà Nẵng đã nhận được trình báo của nhiều nạn nhân về việc bị các đối tượng mạo danh nhân viên khách sạn, người cho thuê nhà hoặc tài khoản uy tín để tạo lòng tin với nạn nhân. Sau đó, thúc giục nạn nhân chuyển tiền nhanh chóng, thường viện lý do lỗi hệ thống, điều kiện đặc biệt hoặc yêu cầu từ người thứ ba. Sau khi nhận tiền, các đối tượng lập tức chặn liên lạc, khiến nạn nhân mất khả năng truy vết.

Công an thành phố Đà Nẵng cũng khuyến cáo người dân cảnh giác để không sập bẫy lừa đảo “hỗ trợ lấy lại tiền” đã bị chiếm đoạt từ vụ án nhóm đối tượng do Phó Đức Nam (Tiktoker Mr Pips) cầm đầu chiếm đoạt hơn 5.200 tỷ đồng. Theo đó, lợi dụng tâm lý muốn lấy lại tiền bị lừa đảo của nhiều người, các đối tượng đã lập tài khoản Facebook có tên liên quan đến thu hồi vốn, đăng tải clip giới thiệu dịch vụ hỗ trợ lấy lại tiền bị nhóm đối tượng do Tiktoker Mr Pips cầm đầu chiếm đoạt.

Đồng thời, các tài khoản này cũng cam kết lấy lại trên 70% số tiền bị lừa. Bài đăng được chạy quảng cáo thu hút hàng chục nghìn lượt xem, lượt thích và bình luận.

Do đó, người dân cần tỉnh táo, cảnh giác trước chiêu lừa mới “hỗ trợ lấy lại tiền” để tránh trở thành nạn nhân. Người dân tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, không chuyển tiền cho người lạ, không cung cấp mã OTP, số tài khoản hoặc những thông tin nhạy cảm khác… Nếu phát hiện có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần trình báo ngay sự việc đến cơ quan Công an nơi gần nhất để nhận được tư vấn và hỗ trợ kịp thời./

Theo  (TTXVN/Vietnam+)

https://www.vietnamplus.vn/cong-an-da-nang-canh-bao-lua-dao-truc-tuyen-can-than-khi-dat-phong-khach-san-post1004029.vnp