Chiều nay (27/12), tại trụ sở Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị tổng kết năm 2024 và triển khai kế hoạch năm 2025 ngành nông nghiệp, nông thôn.
Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan chủ trì hội nghị, cùng dự có Bộ trưởng Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, lãnh đạo các Bộ ngành cơ quan trung ương và địa phương.
Trong năm 2024, nông nghiệp vượt qua nhiều khó khăn, tiếp tục là điểm sáng, phát triển ổn định, thể hiện rõ vai trò trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm đủ nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Toàn ngành đã nỗ lực phấn đấu đạt và vượt 04/05 chỉ tiêu Chính phủ giao, trong đó tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành khoảng 3,3% (vượt chỉ tiêu Chính phủ giao là 3,0 -3,2%); tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 62,5 tỷ USD, vượt chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao là 55 tỷ USD và lập mức kỷ lục mới.
Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đón Thủ tướng
Trong đó điểm sáng quan trọng, nổi bật của ngành nông nghiệp là công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và xây dựng, hoàn thiện thể chế: Thực hiện các nhiệm vụ được giao, tập thể Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã đoàn kết, đổi mới tư duy, cách thức tổ chức thực hiện, bám sát các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương, của các đồng chí lãnh đạo chủ chốt để triển khai quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo, kịp thời, hiệu quả hoàn thành tốt nhiệm vụ trong năm 2024.
Đã tập trung xây dựng, trình 09/09 Nghị định của Chính phủ, 1 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 04 Nghị định và 1 Quyết định đã được ban hành, trong đó có một số văn bản kịp thời để triển khai văn bản luật, xử lý, khắc phục hậu quả thiên tai, tháo gỡ các "điểm nghẽn" để khơi thông nguồn lực, phục vụ người dân, như Nghị định quy định chi tiết về đất trồng lúa, Nghị định quy định về thanh lý rừng trồng, Quyết định về tín dụng nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn...
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị tổng kết năm 2024 và triển khai kế hoạch năm 2025 ngành nông nghiệp, nông thôn.
Đồng thời tích cực triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả 9 chiến lược, 4 quy hoạch ngành cấp quốc gia lĩnh vực nông nghiệp, các chương trình, đề án, dự án lớn có tính đột phá bao trùm, tiêu biểu là triển khai nhanh, hiệu quả Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030 (bước đầu kết quả 7 mô hình thí điểm vụ Hè Thu 2024 đã cho kết quả rất tích cực: giảm 20-30% chi phí vật tư đầu vào; tăng 10% năng suất; tăng 20-25% thu nhập; giảm 5-6 tấn CO2 trên 01 ha). Qua đó góp phần thực hiện cam kết của Chính phủ tại Hội nghị COP-26 và COP-28 nhằm phấn đấu đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050. Chủ động đề xuất với lãnh đạo Chính phủ về thí điểm chính sách đặc thù đối với dự án vốn vay ưu đãi từ WB để thực hiện Đề án.
Về đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, bên cạnh làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống: đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu. Thực hiện chuyển đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp: Cơ cấu sản xuất nông nghiệp tiếp tục chuyển biến tích cực theo thế mạnh của vùng, miền và nhu cầu thị trường. Công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản được quan tâm chỉ đạo, góp phần quan trọng nâng cao giá trị, đưa ra các tiêu chuẩn, quy chuẩn mới và là động lực mới cho phát triển sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản.
Trong đó nổi bật là tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành năm 2024 khoảng 3,3% (cao hơn mức Chính phủ giao: 3 - 3,2%), chất lượng tăng trưởng được cải thiện rõ nét (năng suất lao động tăng, giá trị trên một diện tích đất canh tác tăng, chất lượng sản phẩm NLTS nâng cao, tích hợp đa giá trị). Đây là một sự cố gắng, quyết tâm lớn của toàn Ngành trong bối cảnh cả nước đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt thiệt hại lớn do thiên tai (Cơn bão số 3 - Yagi gây thiệt hại khoảng 31.800 tỷ đồng cho sản xuất NLTS) gây ra chưa có tiền lệ như thời gian vừa qua.
Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 62,5 tỷ USD, thặng dư thương mại 17,9 tỷ USD; tạo lập mức kỷ lục mới cả về tổng kim ngạch xuất khẩu và thặng dư thương mại (chiếm khoảng 72% thặng dư thương mại toàn nền kinh tế). Có 07 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD (tăng 01 nhóm mặt hàng Cao su so với năm 2023). Đặc biệt một số ngành hàng có bước phát triển vượt bậc, đạt mức xuất khẩu cao kỷ lục và khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế, như: Rau quả 7,12 tỷ USD (tăng 27,1%); Gạo xuất khẩu trên 9 triệu tấn và đạt gần 5,8 tỷ USD (tăng 23%); Cà phê gần 5,5 tỷ USD (tăng 29,1%)...
Thủ tướng tham quan các gian hàng giới thiệu sản phẩm OCOP của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn trước khi tham dự Hội nghị
Về xúc tiến thương mại, mở cửa thị trường: Phát triển thị trường gắn với sản xuất, chế biến nông sản hàng hóa theo chuỗi giá trị; tăng cường quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản; chuyển đổi số, thương mại điện tử được quan tâm triển khai. Điểm nổi bật là đã ký kết 21 Bản ghi nhớ cấp Bộ và cấp Chính phủ; tổ chức tiếp đón và làm việc với 49 đoàn vào về hợp tác nông nghiệp, nông thôn để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong xuất, nhập khẩu nông lâm thủy sản, kết nối doanh nghiệp, phát triển thị trường, trong đó có các thị trường mới Halal, châu Phi... Cả nước xây dựng, phát triển 2.500 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn; trong các chuỗi này, có sự tham gia của nhiều hợp tác xã, doanh nghiệp, tập đoàn lớn.
Nổi bật là thực hiện hiệu quả các Đề án thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản sang các thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản và EU; bên cạnh đó linh hoạt thích ứng theo biển động thị trường thế giới, đồng thời coi trọng thị trường nội địa; trình Thủ tướng chính phủ Đề án "Phát triển hệ thống logistics nhằm nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh của nông sản Việt Nam đến năm 2030".
Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) phát triển mạnh mẽ, các nhóm sản phẩm OCOP đã kết hợp, kết tinh các giá trị kinh tế với giá trị văn hóa truyền thống của địa phương, tạo nhiều sản phẩm đa dạng, phong phú; (số lượng sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên đạt trên 14.600 sản phẩm, tăng trên 3.500 sản phẩm so với năm 2023).
Thủ tướng tham quan các gian hàng giới thiệu sản phẩm OCOP của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn trước khi tham dự Hội nghị
Cùng với đó, nâng cao trình độ nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ, gắn với đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn; nâng cao hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững Ngành.
Qua đó, thúc đẩy phát triển các nhóm sản phẩm chủ lực bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm, nâng cao giá trị gia tăng. Năm 2024, đã công nhận, ban hành 42 giống mới, 14 tiến bộ kỹ thuật, 13 quy trình công nghệ; đã có trên 90% diện tích lúa, 80% diện tích ngô, 60% diện tích mía, cây ăn quả... được dùng giống mới. Đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp có tính hệ thống, bài bản tạo 3 trục sản phẩm chất lượng, an toàn thực phẩm.
Thực hiện đột phá chiến lược phát triển hạ tầng nông nghiệp, nông thôn: Công tác thủy lợi và phòng chống thiên tai đã có nhiều chuyển biến tích cực, chủ động ứng phó và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra. Các công trình thủy lợi, đê điều, phòng chống thiên tai lớn được hoàn thành đi vào sử dụng, phát huy hiệu lực, hiệu quả phục vụ thiết thực cho sản xuất và đời sống người dân: Một số dự án thủy lợi triển khai vượt tiến độ, như: Công trình chính Cống âu Nguyễn Tấn Thành, tỉnh Tiền Giang kịp phục vụ chống hạn mặn mùa khô 2024; các công trình kè chống sạt lở khu vực ĐBSCL vượt tiến độ 2-4 tháng...
Đặc biệt, trước, trong và sau bão số 3 (Yagi - cơn bão mạnh nhất trong 70 năm qua trên đất liền với nhiều đặc điểm chưa từng có), Bộ đã chủ động, khẩn trương triển khai các giải pháp ứng phó, giảm thiểu thiệt hại cho nhân dân, bảo vệ Thủ đô Hà Nội, kịp thời tham mưu đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp để sớm phục hồi sản xuất nông nghiệp, ổn định đời sống người dân, góp phần thúc đẩy tăng trưởng nông nghiệp và kinh tế cả nước. Cùng với đó, công tác phòng, chống dịch bệnh, xây dựng cơ bản, giải ngân vốn đầu tư công... được quan tâm thực hiện bài bản, chủ động, đạt được những kết quả tốt.
Theo Vũ Khuyên/VOV
https://vov.vn/chinh-tri/thu-tuong-pham-minh-chinh-du-tong-ket-nganh-nong-nghiep-nong-thon-post1144967.vov