Tại kỳ họp thứ 8 vừa qua, Quốc hội đã thông qua nghị quyết tiếp tục kéo dài việc giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng (GTGT) thêm 6 tháng đến hết 30/6/2025.
Nhiều mặt hàng có mức thuế 10% sẽ được giảm về 8%, ngoại trừ các hàng hóa, dịch vụ thuộc nhóm viễn thông, ngân hàng, hay các loại chịu thuế tiêu thụ đặc biệt như rượu, thuốc lá.... Đây là lần thứ 5 quyết định này được đưa ra, nhằm hỗ trợ sản xuất kinh doanh, kích cầu nền kinh tế.
Thuế giá trị gia tăng là loại thuế gián thu, được cấu thành trong giá bán của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ. Do đó, khi giảm thuế thì giá hàng hóa, dịch vụ sẽ giảm, từ đó giúp kích cầu tiêu dùng. Đối với các doanh nghiệp bán lẻ, chính sách giảm thuế GTGT còn 8% trong cuối năm 2024 là một yếu tố cần thiết, giúp doanh nghiệp có thể kích cầu tiêu dùng.
Theo đánh giá của ngành Thuế Vĩnh Phúc, việc giảm thuế GTGT sẽ giúp cho gánh nặng chi phí của doanh nghiệp, người dân giảm xuống. Từ đó cầu tiêu dùng tăng lên, doanh nghiệp có điều kiện tập trung nguồn lực sản xuất, kinh doanh và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng kinh tế trong năm 2025.
Dự kiến việc giảm thuế giá trị gia tăng sẽ làm giảm thu ngân sách của Vĩnh Phúc khoảng trên 1.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi ích mang lại lớn hơn rất nhiều. Bởi nó không chỉ góp phần giảm giá hàng hóa, dịch vụ, thúc đẩy sản xuất kinh doanh mà còn tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động. Đây cũng chính là giải pháp nuôi dưỡng nguồn thu thuế bền vững cho ngân sách Nhà nước.
Phương Liên