Tỉnh Đồng Tháp bao bọc bởi sông Tiền và sông Hậu mang nhiều phù sa, bồi đắp cho những vườn cây trĩu quả bốn mùa và những cánh đồng bát ngát.
Nơi đây được xem là “vựa lúa của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long”. Đồng Tháp có nhiều tiềm năng, tài nguyên du lịch phong phú, đặc biệt là tài nguyên du lịch sinh thái.
Thu hút du khách từ du lịch xanh
Năm 2025, du lịch Đồng Tháp đề ra mục tiêu thu hút 5 triệu lượt khách đến tham quan, trải nghiệm; tổng thu từ du lịch đạt 2.100 tỷ đồng. Du lịch Đồng Tháp xây dựng, phát triển hoàn thiện sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với lợi thế địa phương, phù hợp với từng thị trường khách nội địa, khách quốc tế. Tỉnh hướng phát triển du lịch theo hướng xanh, bền vững.
Bà Huỳnh Thị Hoài Thu, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh cho biết, Đồng Tháp phát triển du lịch xanh là tận dụng những thứ đang có để tạo kinh tế tuần hoàn, xanh hóa, giảm thiểu carbon. Tỉnh phát triển các sản phẩm phục vụ du lịch xanh, góp phần thay đổi nhận thức, hành vi tiêu dùng của du khách, nâng cao thu nhập cho người dân, đồng thời giữ được cảnh quan thiên nhiên, chất lượng môi trường bản địa, truyền thống, bản sắc văn hóa.
Năm 2025, tỉnh tiếp tục phát triển, hoàn thiện sản phẩm du lịch đặc trưng từng khu, điểm du lịch trọng điểm; củng cố, nâng cấp chất lượng các chương trình du lịch của tỉnh như: Trải nghiệm mùa nước nổi tại Vườn Quốc gia Tràm Chim; Trải nghiệm một ngày làm nông dân ở Xẻo Quít; Trải nghiệm mỗi ngày một nghề tại thành phố Sa Đéc; Đi trong màu xanh của vườn trái cây đặc sản như Quýt hồng Lai Vung, Xoài Cao Lãnh, Nhãn Châu Thành...
Với các sản phẩm du lịch xanh, du khách còn được thưởng thức ẩm thực đặc trưng của Đồng Tháp Mười như: Cá lóc nướng trui gói lá sen non, lẩu cá linh bông điên điển, bông súng mắm kho, chuột quay lu, các món ăn từ ếch đồng, từ cây sen. Đặc biệt, có 200 món ăn từ sen mà Đồng Tháp đã được xác lập kỷ lục Việt Nam và châu Á, được nhiều người yêu thích như cơm hạt sen, gỏi ngó sen, chè sen, canh củ sen, cánh hoa sen chiên giòn, củ sen chiên giòn, chả giò sen….
Tỉnh còn phát triển xanh từ sản phẩm du lịch nông nghiệp gắn với làng nghề. Theo đó, đến cuối năm 2024, tỉnh phát triển được 100 điểm tham quan du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng và trải nghiệm làng nghề tại các huyện, thành phố. Nhiều mô hình du lịch kết hợp với nông nghiệp hoạt động khá hiệu quả, giúp gia tăng giá trị nông sản, tạo thêm việc làm ở nông thôn, đem lại nguồn thu ổn định cho nông dân.
Trong du lịch nông nghiệp, tỉnh xây dựng được 8 bộ sản phẩm: "Tui làm nông dân xứ Sen hồng", "Kể chuyện nhà nông", "Khám phá Làng hoa Sa Đéc - Hương sắc trăm năm", "Tháp Mười - Vương quốc Sen hồng", "Cao Lãnh - Xứ sở xoài", "Lai Vung - Thế giới quýt hồng", "Hồng Ngự - Thủ phủ cá tra", "Học kỳ nông nghiệp".
Chú trọng khu, điểm du lịch đặc thù
Du khách trải nghiệm thu hoạch quýt hồng Lai Vung. Ảnh: Nhựt An/TTXVN
Bà Võ Thị Bình, Phó Chủ tịch UBND thành phố Sa Đéc cho biết, thành phố Sa Đéc hiện có hơn 800 ha, hơn 2.500 hộ sản xuất hoa kiểng, là điểm đến du lịch xanh khá hấp dẫn. Hiện, Sa Đéc có nhiều nhà vườn xây dựng các điểm du lịch từ hoa kiểng, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, tìm hiểu như: Khu Du lịch hoa kiểng Sa Đéc, Vườn hồng Tư Tôn, Cánh đồng hoa Hồng, Ngôi nhà úp ngược, Du thuyền vượt cạn, Ngôi nhà hoa...
Nổi bật còn có Khu du lịch Happy Land Hùng Thy là một điểm du lịch OCOP 4 sao tại làng hoa Sa Đéc. Khu du lịch có không gian mát mẻ để thưởng thức các loại hoa kiểng đẹp. Du khách còn được trải nghiệm các trò chơi dân gian thú vị tại đây như chèo xuồng, bơi thúng, đi cầu thăng bằng, đu dây qua sông, chạy xe đạp qua cầu khỉ, tát ao bắt cá... Bình quân mỗi năm có hơn 20 nghìn khách đến khu du lịch này tham quan, trải nghiệm.
Đồng Tháp có Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng (thuộc Ấp 6, xã Gáo Giồng, huyện Cao Lãnh) có tổng diện tích rừng gần 1.600 ha, trong đó có 1.200 ha là rừng tràm sản xuất. Ông Huỳnh Thanh Hiền, Trưởng Ban Quản lý rừng tràm Gáo Giồng cho biết, rừng tràm không chỉ bảo vệ tràm mà còn bảo vệ hơn 100 loài chim sinh sống và làm tổ như: Cò nhạn, cồng cộc, nhan điển, nhan sen, diệc, vạc, trích, le le, vịt trời…
Nơi đây được xem là vườn chim lớn nhất hiện nay ở tỉnh Đồng Tháp; trong đó có 2 loài quý hiếm trong sách đỏ Việt Nam là cò nhạn và nhan điển. Trong tương lai, Rừng tràm cũng là nơi bảo tồn 140 giống tre như tre gai, tre tầm vông, sọc vàng, tre hoa hậu, tre bườm móc, tre diễn đá, tre vầu, tre lò ô vàng… Đây là một trong những công trình thuộc Dự án “Khu bảo tồn tre gắn với Khu Du lịch sinh thái Gáo Giồng”.
Phía Nam sông Tiền, huyện Lai Vung là một điểm sáng về sản xuất nông nghiệp kết hợp làm du lịch xanh. Với lợi thế trái cây đặc sản nổi tiếng khắp cả nước, quýt hồng Lai Vung với vẻ đẹp rực rỡ làm say đắm lòng người. Đến Lai Vung vào mùa quýt hồng dịp cuối năm, du khách không chỉ được hít thở không khí trong lành tươi mát, mà còn có thể tự tay hái, thưởng thức trái quýt đặc sản và các sản phẩm chế biến từ quýt như nước quýt, mứt vỏ quýt các loại...
Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, năm 2025, Đồng Tháp phối hợp với Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh khai thác tuyến du lịch mới “Sắc màu vùng biên"; đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch, nhằm lan tỏa thương hiệu du lịch “Đồng Tháp - Thuần khiết như hồn sen”.
Đồng thời, tỉnh thực hiện nghiêm các quy định về môi trường tại các khu, điểm du lịch, cơ sở lưu trú, nhà hàng, điểm dừng chân trên các tuyến du lịch; khuyến khích cơ sở dịch vụ du lịch sử dụng năng lượng sạch, sản phẩm tái chế, ứng dụng công nghệ sạch để hạn chế ô nhiễm môi trường, giảm thiểu phát thải khí nhà kính theo hướng có trách nhiệm với môi trường và xã hội.
Theo Nguyễn Văn Trí (TTXVN)
https://baotintuc.vn/du-lich/tan-dung-loi-the-sinh-thai-phat-trien-du-lich-theo-huong-xanh-ben-vung-20250102130720900.htm