Chiều 3/1, đồng chí Trần Duy Đông, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và đồng chí Phùng Thị Kim Nga, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Hội nghị nghe Sở Công Thương và các sở, ngành, đơn vị liên quan báo cáo tình hình, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh thời gian tới.
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông phát biểu tại cuộc họp
Theo báo cáo của Sở Công Thương, trên địa bàn tỉnh có 16/47 cụm công nghiệp được thành lập và giao chủ đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng với tổng diện tích hơn 490 ha, đạt tỷ lệ hơn 28% tổng diện tích theo phương án phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2030 đề ra trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong tổng số 16 cụm công nghiệp đã được thành lập, giao chủ đầu tư, có 12/16 cụm thu hút đầu tư được gần 700 cơ sở sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm cho khoảng 6.730 lao động.
Nhìn chung, công tác phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh còn nhiều bất cập, khó khăn như chất lượng công tác quy hoạch phát triển cụm công nghiệp còn hạn chế; nhiều cụm công nghiệp chưa có sự chọn lọc, nghiên cứu kỹ về vị trí, địa điểm, dẫn đến phải điều chỉnh nhiều lần hoặc không thu hút được các nhà đầu tư hạ tầng. Tiến độ triển khai các dự án hạ tầng cụm công nghiệp chậm, năng lực một số nhà đầu tư còn yếu kém; số lượng các cụm công nghiệp được đầu tư hệ thống xử lý nước thải đạt thấp.
Kết luận Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông chỉ rõ những tồn tại, vướng mắc cần tháo gỡ của các cụm công nghiệp và yêu cầu tất cả các cụm công nghiệp phải xây dựng được nhà máy xử lý nước thải mới được phép hoạt động. Các sở, ngành, địa phương phối hợp rà soát lại toàn bộ các dự án để phát triển cụm công nghiệp phù hợp, không ồ ạt. Ưu tiên các nhà đầu tư có năng lực; tổng hợp tất cả các khó khăn, vướng mắc của các cụm công nghiệp báo cáo UBND tỉnh để chỉ đạo biện pháp tháo gỡ.
Đôn đốc xây dựng hạ tầng các cụm công nghiệp; thu hồi các dự án không đủ điều kiện; nghiên cứu cơ chế chính sách hỗ trợ xây dựng hạ tầng ngoài hàng rào; đề xuất, định hướng thu hút các ngành nghề lĩnh vực vào cụm công nghiệp đảm bảo chất lượng. Tăng cường công tác quy hoạch, quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường. Các huyện, thành phố thực hiện tốt công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, quản lý môi trường, trật tự xây dựng. Chủ đầu tư hạ tầng các cụm công nghiệp chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc các cụm công nghiệp.
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông giao Văn phòng UBND tỉnh phối hợp các cơ quan liên quan tham mưu ban hành Chỉ thị của UBND tỉnh về phát triển cụm công nghiệp thời gian tới.
Văn Hải