Cập nhật: 06/01/2025 11:12:00
Xem cỡ chữ

Sáng 6/1, Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức Họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế xã hội năm 2024. GDP năm 2024 của Việt Nam tăng 7,09% so với năm 2023, chỉ thấp hơn tốc độ tăng của các năm 2018, 2019 (năm chưa xảy ra dịch COVID-19) và năm 2022 trong giai đoạn 2011-2024.

GDP tăng 7,09% vượt mục tiêu Quốc hội giao (6-6,5%)

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho biết, trong mức tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,27%, đóng góp 5,37%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,24%, đóng góp 45,17%; khu vực dịch vụ tăng 7,38%, đóng góp 49,46%. Về sử dụng GDP năm 2024, tiêu dùng cuối cùng tăng 6,57% so với năm 2023; tích lũy tài sản tăng 7,20%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 15,45%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 16,10%. 

Quy mô GDP theo giá hiện hành năm 2024 ước đạt 11.511.900 tỷ đồng, GDP bình quân đầu người năm 2024 theo giá hiện hành ước đạt 114 triệu đồng/người, tương đương 4.700 USD, tăng 377 USD so với năm 2023. Năng suất lao động của toàn nền kinh tế năm 2024 theo giá hiện hành ước đạt 221,9 triệu đồng/lao động; theo giá so sánh, năng suất lao động tăng 5,88% do trình độ của người lao động được cải thiện (tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ năm 2024 ước đạt 28,3%, cao hơn 1,1 điểm phần trăm so với năm 2023).

Chú thích ảnh

Không khí mua sắm Tết rộn ràng tại các siêu thị ở Hà Nội.

CPI tăng 3,63% đạt mục tiêu Quốc hội đề ra

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2024 tăng 3,63% so với năm 2023, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra. Trong 11 nhóm hàng tiêu dùng chính, có 5 nhóm tăng giá và 1 nhóm giảm giá. Chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 4,03% so với năm trước, tác động làm CPI chung tăng 1,35 điểm phần trăm.

Chỉ số giá nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 5,2% so với năm trước, tác động làm CPI chung tăng 0,98 điểm phần trăm, chủ yếu do chỉ số giá điện sinh hoạt tăng 7,68% do nhu cầu sử dụng điện tăng cùng với việc EVN điều chỉnh mức bán lẻ giá điện bình quân làm CPI chung tăng 0,25 điểm phần trăm; chỉ số giá nhà ở thuê và nhà chủ sở hữu tính quy đổi tăng 4,6% do nhu cầu thuê nhà tăng, tác động làm CPI tăng 0,48 điểm phần trăm. Bên cạnh đó, chỉ số giá nước sinh hoạt năm 2024 tăng 8,33% so với năm trước.

Chỉ số giá nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 7,16%, tác động làm CPI chung tăng 0,39 điểm phần trăm do giá dịch vụ y tế được điều chỉnh theo Thông tư số 22/2023/TT-BYT từ ngày 17/11/2023 và Thông tư số 21/2024/TT-BYT từ ngày 17/10/2024 của Bộ Y tế.

Chỉ số giá nhóm giáo dục tăng 5,37% do trong năm học 2023-2024 và 2024-2025 một số địa phương đã tăng mức học phí, tác động làm CPI chung tăng 0,33 điểm phần trăm. Chỉ số giá nhóm giao thông tăng 0,76%, tác động làm CPI chung tăng 0,07 điểm phần trăm. Riêng chỉ số giá nhóm bưu chính, viễn thông năm 2024 giảm 1,02% so với năm 2023 do giá điện thoại thế hệ cũ giảm khi các doanh nghiệp áp dụng chương trình giảm giá, kích cầu đối với các dòng điện thoại thông minh đưa ra thị trường sau một thời gian.

Bình quân năm 2024, lạm phát cơ bản tăng 2,71% so với năm 2023, thấp hơn mức tăng CPI bình quân chung (3,63%), chủ yếu do giá lương thực, thực phẩm, điện sinh hoạt, dịch vụ giáo dục, dịch vụ y tế là yếu tố tác động làm tăng CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.

Xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 786,29 tỷ USD

Tính chung năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 786,29 tỷ USD, tăng 15,4% so với năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 14,3%; nhập khẩu tăng 16,7%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 24,77 tỷ USD. Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 119,6 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 144,3 tỷ USD.

Trong năm 2024, xuất siêu sang Hoa Kỳ đạt 104,6 tỷ USD tăng 25,6% so với năm trước; xuất siêu sang EU 35,4 tỷ USD, tăng 23,2%; xuất siêu sang Nhật Bản 3,2 tỷ USD, tăng 91,9%; nhập siêu từ Trung Quốc 83,7 tỷ USD, tăng 69,5%; nhập siêu từ Hàn Quốc 30,7 tỷ USD, tăng 5,9%; nhập siêu từ ASEAN 9,9 tỷ USD, tăng 18,9%.

Vốn FDI thực hiện đạt 25,35 tỷ USD

Tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 31/12/2024 bao gồm: Vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 38,23 tỷ USD, giảm 3,0% so với cùng kỳ năm trước.

Trong số 80 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam năm 2024, Singapoe là nhà đầu tư lớn nhất với 6,26 tỷ USD, chiếm 31,7% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Hàn Quốc 2,89 tỷ USD, chiếm 14,6%; Trung Quốc 2,84 tỷ USD, chiếm 14,4%; Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) 2,17 tỷ USD, chiếm 11,0%.

Đáng nói, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam năm 2024 ước đạt 25,35 tỷ USD, tăng 9,4% so với năm trước. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 20,62 tỷ USD, chiếm 81,4% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1,84 tỷ USD, chiếm 7,2%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 1,07 tỷ USD, chiếm 4,2%.

Khách quốc tế đạt gần 17,6 triệu lượt người

Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, chính sách thị thực thuận lợi, các chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch được đẩy mạnh cùng với những giải thưởng du lịch danh giá được các tổ chức quốc tế trao tặng đã thu hút khách quốc tế đến Việt Nam tăng cao trong năm 2024. 

Năm 2024, khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 17,6 triệu lượt người, tăng 39,5% so với năm trước và bằng 97,6% năm 2019, năm chưa xảy ra dịch COVID-19. Trong đó, khách đến bằng đường hàng không đạt hơn 14,8 triệu lượt người, chiếm 84,4% lượng khách quốc tế đến Việt Nam và tăng 35,6% so với năm trước; bằng đường bộ đạt gần 2,5 triệu lượt người, chiếm 14,2% và tăng 63,3%; bằng đường biển đạt gần 248.100 lượt người, chiếm 1,4% và tăng 96,7%.

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương, kết quả tích cực của năm 2024 là tiền đề quan trọng để bước sang năm 2025, nền kinh tế sẽ tăng tốc và về đích, hoàn thành cao nhất các mục tiêu trong Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025. Để hoàn thành nhiệm vụ quan trọng này, theo Tổng cục Thống kê, các bộ, ngành, địa phương cần chủ động điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ, ổn định tỷ giá, mặt bằng lãi suất; kiểm soát giá cả, thị trường; bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; đẩy mạnh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, triển khai nhanh, hiệu quả các nhiệm vụ, dự án đầu tư quy mô lớn, tăng cường thu hút vốn đầu tư nước ngoài chất lượng cao.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh tiêu dùng, tập trung phát triển thị trường trong nước; tăng cường các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp; thúc đẩy, tạo đột phá cho các động lực tăng trưởng mới, đẩy mạnh phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thương mại điện tử, các mô hình kinh doanh mới và tăng cường công tác phòng chống bệnh dịch; chủ động phương án phòng chống thiên tai…

Theo Thế Đoàn/Báo Tin tức

 https://baotintuc.vn/kinh-te/cac-chi-so-phat-trien-kinh-te-viet-nam-deu-khoi-sac-tao-da-don-dau-nam-2025-thuan-loi-20250106095459186.htm