Cập nhật: 08/01/2025 16:27:00
Xem cỡ chữ

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình vừa đề nghị mức án tù đối với 5 bị cáo, đó có ông Lưu Bình Nhưỡng và Lê Thanh Vân.

Chiều 8/1, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình đã tiến hành đề nghị mức án với 5 bị cáo trong vụ án “Cưỡng đoạt tài sản” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”. 

Các bị cáo trong vụ án này gồm: Hai cựu đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng và Lê Thanh Vân; Nguyễn Văn Vương (trú tại xã Đặng Xá, huyện Gia Lâm, Hà Nội, cựu chuyên viên Vụ Pháp luật, Văn phòng Chủ tịch nước, đã bị buộc thôi việc từ ngày 19/9/2024); Phạm Minh Cường (có biệt danh "Cường quắt", có 3 tiền án, trú tại xã Thụy Xuân, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình); Nguyễn Văn Phương (trú tại xã Thụy Trường, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình).

vien kiem sat de nghi muc an tu doi voi ong luu binh nhuong va le thanh van hinh anh 1

Ông Lưu Bình Nhưỡng tại phiên toà

Theo ý kiến của VKSND tỉnh Thái Bình, bị cáo Nhưỡng và bị cáo Vân đã dùng tư cách Đại biểu Quốc hội chuyển đơn đến Chính phủ, các tỉnh thành, cơ quan, hướng dẫn công dân viết đơn để thúc đẩy giải quyết theo nguyện vọng của người gửi đơn. Từ những việc trên, các bị cáo nhận hoặc hưởng các lợi ích vật chất. 

Đại diện VKS đề nghị Hội đồng xét xử sơ thẩm TAND tỉnh Thái Bình xử phạt bị cáo Lưu Bình Nhưỡng mức án từ 3 năm - 3 năm 6 tháng tù về tội “Cưỡng đoạt tài sản” và 10 - 12 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”; tổng hình phạt chung cho cả 2 tội danh đại diện VKS đề nghị HĐXX xử phạt bị cáo Nhưỡng là từ 13 năm đến 15 năm 6 tháng tù.

Viện kiểm sát đề nghị tuyên phạt bị cáo Lê Thanh Vân mức án từ 7 - 9 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”.

Bị cáo Phạm Minh Cường bị đề nghị mức án từ 7 - 8 năm tù về tội “Cưỡng đoạt tài sản”; Vũ Đăng Phương là 6 - 7 năm tù về tội “Cưỡng đoạt tài sản”; Nguyễn Văn Vương bị đề nghị từ 13 - 14 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi.

Theo đại diện VKS, trong khoảng thời gian từ năm 2020-2023, các bị cáo trên đã có hành vi cưỡng đoạt tài sản, lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi, xảy ra tại Thái Bình, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội được thể hiện qua 5 vụ việc.

Vụ thứ nhất, bị cáo Nhưỡng bị cáo buộc can thiệp với lãnh đạo Công an tỉnh Thái Bình, qua đó ông "bảo kê" cho một nhóm giang hồ chuyên cưỡng đoạt tài sản của doanh nghiệp khai thác cát tại vùng biển xã Thụy Trường, huyện Thái Thụy, Thái Bình.

Vụ việc thứ hai, bị cáo Nhưỡng bị cáo buộc vào tháng 12/2020 và tháng 5/2021, lấy tư cách đại biểu Quốc hội ký văn bản gửi lãnh đạo UBND TP Hải Phòng, Chánh án, Viện trưởng Viện Kiểm sát và Giám đốc Công an TP Hải Phòng can thiệp để giải quyết theo hướng có lợi cho vụ án tranh chấp đất đai đã bị TAND huyện Thủy Nguyên xử sơ thẩm, tuyên thua của Bùi Văn Thao (người làm thuê cho Cường "quắt"). Bị cáo Nhưỡng sau đó hưởng lợi bộ cánh cổng nhà thờ bằng gỗ lim trị giá 75 triệu đồng do Thao "biếu".

Tuy nhiên, tháng 6/2021, tòa phúc thẩm giữ nguyên nội dung sơ thẩm, buộc vợ chồng Thao phải bàn giao lại nhà đất. Lúc này bị cáo Nhưỡng tiếp tục hướng dẫn anh Thao gửi đơn kiến nghị đến Văn phòng Quốc hội đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm. Biết không có kết quả nên anh Thao dừng lại.

Trong vụ việc thứ ba, bị cáo Nhưỡng bị cáo buộc đã hướng dẫn doanh nghiệp làm đơn "kêu cứu" khẩn cấp để gỡ khó cho việc phê duyệt dự án Quế Võ 3 (tỉnh Bắc Ninh). Sau khi nhận đơn của doanh nghiệp, bị cáo Nhưỡng lấy tư cách đại biểu Quốc hội viết phiếu chuyển đơn và sau đó nhận 300.000 USD, tương đương 6,9 tỉ đồng. Gia đình bị cáo đã nộp lại toàn bộ số tiền này.

Vụ việc thứ tư xảy ra trong năm 2019, bị cáo Nhưỡng bị cáo buộc can thiệp đến UBND tỉnh Quảng Ninh cho Công ty Hạ Long được tiếp tục thực hiện dự án 36ha. Sau đó bị cáo hưởng lợi lợi về đất đai.

Từ tháng 7 đến tháng 10/2023, bị cáo Nhưỡng bị cáo buộc đã gọi điện, ký văn bản gửi lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh can thiệp cho doanh nghiệp sớm được cấp phép khai thác dự án và hưởng lợi 210 triệu đồng.

Đáng chú ý, trong một vụ án thứ năm, bị cáo Nhưỡng và bị cáo Vân còn "bắt tay", phân chia gọi điện cho lãnh đạo, gây áp lực cho chính quyền tỉnh Quảng Ninh để "giúp đỡ" Công ty Trường Sinh sớm được cấp phép thực hiện dự án, thăm dò, khai thác mỏ đất.

VKS cáo buộc quá trình can thiệp, bị cáo Nhưỡng và bị cáo Vân đã nhiều lần nhận tiền của doanh nghiệp Trường Sinh. Trong đó bị cáo Vân nhận 2 lần, tổng 60 triệu đồng. Bị cáo Nhưỡng nhận 6 lần, tổng 210 triệu đồng.

Theo Trọng Phú/VOV.VN

https://vov.vn/phap-luat/vien-kiem-sat-de-nghi-muc-an-tu-doi-voi-ong-luu-binh-nhuong-va-le-thanh-van-post1147397.vov