Đề xuất đánh thuế thu nhập tiền lãi gửi tiết kiệm đang gây ra nhiều tranh cãi, với những lo ngại về tác động đến nguồn vốn huy động của ngân hàng và ảnh hưởng đến người gửi tiền.

Nhiều ý kiến trái chiều về đề xuất đánh thuế thu nhập tiền lãi gửi tiết kiệm. (Ảnh: Vietnam+)
Một vấn đề được dư luận quan tâm trong những ngày gần đây là góp ý về dự thảo đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế) của Bộ Tài chính, Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ đề xuất mở rộng diện đánh thuế thu nhập cá nhân với khoản lãi tiền tiết kiệm, chỉ miễn thuế thu nhập cá nhân với các khoản tiền gửi tiết kiệm nhỏ.
Lý do Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ đưa ra đề xuất trên với mục đích mở rộng cơ sở thuế, đảm bảo nguồn thu ngân sách. Bởi theo quy định hiện nay, cá nhân có các khoản lãi tiền gửi nhận được từ các tổ chức tín dụng, được miễn thuế. Ngay sau khi ý kiến này đưa ra, có rất nhiều quan điểm khác nhau xung quanh vấn đề này.
Thuế chồng thuế
Chị Nguyễn Thị Thảo, Cầu Giấy Hà Nội chia sẻ việc đánh thuế thu nhập cá nhân với khoản tiền gửi tiết kiệm là vô lý vì tiền tiết kiệm là phần còn lại sau tiền lương, đã bị thu thuế thu nhập cá nhân, bây giờ lại tính thêm thuế. Nếu tiếp tục đánh thuế lãi tiền gửi có nghĩa là đánh thuế hai lần, điều này là bất hợp lý.
"Chắc chắn là không một người gửi tiền nào đồng tình với đề xuất này. Thực tế người dân và doanh nghiệp, ai cũng phải đóng thuế. Việc Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ đề xuất đánh thuế đối với lãi tiền gửi quy mô lớn, nhưng câu chuyện ở đây không phải là lớn hay nhỏ, bởi không ai có thể đi đong đếm xem số tiền đang gửi tiết kiệm đã được quay vòng lần thứ hai hay lần thứ ba từ số tiền lãi trước đó,” chị Thảo phân tích.
Đồng quan điểm, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Hữu Huân, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh nêu ý kiến, việc áp thuế tiền gửi tiết kiệm chắc chắn sẽ tác động đến nguồn vốn huy động của các nhà băng. Trong khi đó, các doanh nghiệp đang phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng khá nhiều. Để có vốn cho vay, các ngân hàng phải thực hiện huy động vốn từ tổ chức, cá nhân.
Theo vị chuyên gia này, nếu tính thuế trên số tiền gửi tiết kiệm thì chẳng khác nào đánh thuế 2 lần trên một khoản thu nhập. Bởi người làm công ăn lương sau khi trừ đi thuế, còn dư một phần tiền gửi tiết kiệm mà số tiền này lại tính thuế lần nữa thì không hợp lý.
Ông Nguyễn Đức Nghĩa, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc Hội Doanh nhân Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho rằng tiết kiệm có 2 dạng. Một là tiết kiệm của người lao động, hai là gửi tiết kiệm như một khoản đầu tư tiền tệ hưởng lãi cao. Đối với đối tượng thứ hai thì cần điều tiết thuế để tạo công bằng xã hội, tăng thu ngân sách, hướng dòng tiền vào sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Đức Nghĩa cũng băn khoăn nếu đưa thu nhập lãi tiết kiệm vào tính thuế thì cũng phải cân nhắc mức bao nhiêu, biểu thuế lũy tiến như thế nào để có thể đúng mục tiêu đề ra.
Trên thực tế, đề xuất tính thuế nói trên từng được nêu ra từ năm 2005, với tỷ lệ 10% tiền lãi gửi tiết kiệm, tiền gửi ngân hàng, trái phiếu, kỳ phiếu của người gửi. Năm 2013, Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh cũng đề xuất đánh thuế thu nhập với khoản tiền gửi tiết kiệm 1 tỷ đồng trở lên.
Bình luận về đề xuất thu thuế thu nhập cá nhân với lãi tiền gửi, chuyên gia tài chính, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đinh Trọng Thịnh cho rằng có nhiều lý do không nên đánh thuế thu nhập cá nhân từ tiền lãi do ngân hàng trả cho người gửi tiền.

Nhiều người cho rằng tiền gửi tiết kiệm là số tiền đã bị trừ thuế thu nhập cá nhân. (Ảnh: Vietnam+)
Theo ông Thịnh, thứ nhất, lãi suất tiền gửi ngân hàng đang rất thấp. Nếu gửi tiết kiệm 100 triệu đồng vào ngân hàng, mỗi năm người gửi sẽ nhận được khoảng 6 triệu đồng tiền lãi. Với mức lãi suất như vậy, nguồn thu thuế từ lãi tiền gửi không quá lớn.
Thứ hai, để có được 100 triệu đồng gửi ngân hàng, người dân đã phải hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ thuế với Nhà nước. Với số tiền tích luỹ được để gửi vào ngân hàng như hiện nay, nếu tính đến yếu tố lạm phát, số tiền lãi nhận được của người gửi thực chất không còn được bao nhiêu.
Lo ngại tiền sẽ chảy vào lĩnh vực khác
Một số chuyên gia cho rằng việc đánh thuế lãi tiền gửi có thể phù hợp với các nước phát triển, nơi thị trường tài chính đã hoàn thiện và chính phủ khuyến khích dòng tiền chảy vào đầu tư, tiêu dùng thay vì tiết kiệm. Một số quốc gia cũng áp thuế nhưng chỉ đối với các khoản tiết kiệm trên một mức nhất định để định hướng dòng vốn vào sản xuất, kinh doanh.
Tuy nhiên, tại Việt Nam, hệ thống tài chính vẫn phụ thuộc lớn vào ngân hàng. Tiền gửi tiết kiệm không chỉ là kênh tích lũy cá nhân mà còn là nguồn vốn để ngân hàng cung cấp tín dụng cho nền kinh tế. Các kênh đầu tư khác như chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp vẫn chưa đủ hấp dẫn và an toàn để thay thế hoàn toàn kênh tiết kiệm.
Chính vì thế, nếu đánh thuế đối với tiền gửi tiết kiệm, điều này có thể gây ra tác dụng ngược đó là dòng tiền sẽ không còn mặn mà tìm tới ngân hàng mà chảy vào vàng, bất động sản hoặc các kênh đầu cơ khác, gây mất cân đối thị trường tài chính. Chưa kể hiện rất nhiều khoản thu nhập của người dân đang thuộc diện chịu thuế thu nhập cá nhân, mức giảm trừ gia cảnh thuế thu nhập cá nhân đã lỗi thời đang kiến nghị điều chỉnh.
Anh Ngô Văn Thắng, Long Biên, Hà Nội cho rằng thay vì đánh thuế tiền lãi tiết kiệm, chúng ta nên nghĩ cách tạo thêm nhiều việc làm cho người dân rồi đánh thuế trên thu nhập tăng thêm sẽ ích nước lợi nhà. Tất cả các ý kiến đề xuất cần cân nhắc cẩn thận. Nếu đánh thuế vào tiền gửi tiết kiệm hay tiền lãi từ tiết kiệm có thể gây ra hệ quả như thế nào? Mong các chuyên gia nghiên cứu vì quyền lợi của người dân và đất nước.

Người dân cho biết nếu đánh thuế tiền gửi tiết kiệm thì dòng tiền có thể sẽ bị chảy sang các lĩnh vực khác như bất động sản, vàng, chứng khoán... (Ảnh: Vietnam+)
Cũng theo chuyên gia Đinh Trọng Thịnh, tiền gửi tiết kiệm là kênh chủ đạo giúp ngân hàng tạo ra nguồn lực tài chính, hỗ trợ phát triển nền kinh tế bằng việc cho vay tín dụng, kinh doanh. Nếu phải đóng thuế tiền gửi ngân hàng, kênh huy động vốn này sẽ mất đi lợi thế hút khách, gây tổn thất về nguồn lực phát triển kinh tế.
Thực tế, giá cả hàng hóa liên tục lên giá. Bất chấp việc khoản tiền gửi tiết kiệm vẫn sinh lời hàng tháng, hàng năm nhưng khoản tiền tăng thêm không theo kịp sự tăng giá của hàng hóa, đặc biệt là sự tăng giá của bất động sản và vàng. Do đó, việc đánh thuế tiền gửi tiết kiệm là không đáng.
“Người dân gửi tiền là yếu tố quan trọng giúp các ngân hàng huy động nguồn lực để cho vay đối với nền kinh tế. Nếu người dân không gửi tiền thì ngân hàng lấy đâu ra tiền để cho vay? Rõ ràng việc đánh thuế tiền gửi của người dân là không bõ và cũng không đáng,” ông Thịnh nêu rõ./.
Theo (Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/nhieu-y-kien-trai-chieu-ve-de-xuat-danh-thue-thu-nhap-tien-lai-gui-tiet-kiem-post1013338.vnp