Các nhà đàm phán của Mỹ đang gây áp lực với Kiev để có quyền tiếp cận các khoáng sản quan trọng của Ukraine. Washington đã nêu khả năng cắt quyền truy cập của Ukraine vào hệ thống internet vệ tinh Starlink của tỷ phú Elon Musk.
Reuters dẫn các nguồn thạo tin cho hay, quyền truy cập liên tục của Ukraine vào Starlink, thuộc sở hữu của SpaceX, đã được đề cập trong các cuộc thảo luận giữa quan chức Mỹ và Ukraine sau khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky từ chối đề xuất ban đầu từ Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent, theo các nguồn tin.

Binh sĩ Ukraine và một thiết bị đầu cuối Starlink. Ảnh: Quân đội Ukraine
Vấn đề này lại được nêu ra hôm 20/2 trong cuộc họp giữa Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về Ukraine, ông Keith Kellogg với Tổng thống Zelensky.
Trong cuộc họp, phía Ukraine được thông báo rằng họ có thể sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị ngừng cung cấp dịch vụ Starlink nếu không đạt được thỏa thuận về khoáng sản với Mỹ.
Cuộc đàm phán suốt đêm
Truyền thông Mỹ cho hay các quan chức Ukraine và Mỹ đã họp suốt đêm 20/2 đến sáng 21/2 để thảo luận về một thỏa thuận khoáng sản đất hiếm song phương sửa đổi.
Ngày 21/2, Tổng thống Zelensky cho biết các nhóm đàm phán của Mỹ và Ukraine đang làm việc về một thỏa thuận. Tổng thống Mỹ Trump nói rằng ông hy vọng văn bản này sẽ sớm được ký kết.
Trước đó, ông Zelensky đã từ chối yêu cầu của chính quyền Tổng thống Donald Trump về việc trao 500 tỷ USD tài nguyên khoáng sản của Ukraine để hoàn trả khoản viện trợ từ Washington. Nhà lãnh đạo Ukraine nêu lý do là vì Mỹ không đưa ra bất kỳ đảm bảo an ninh cụ thể nào cho Kiev.
Theo các nguồn tin, ông Trump muốn Mỹ được sở hữu 50% tài nguyên khoáng sản của Ukraine, bao gồm graphite, lithium và uranium, để đổi lấy viện trợ. Đề xuất không nêu rõ đây là khoản hoàn trả cho các viện trợ trong quá khứ của Washington cho Kiev hay bao gồm cả viện trợ mới.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã bác bỏ đề xuất này với lý do thỏa thuận không công bằng, không bao gồm các đảm bảo an ninh cho Kiev.
Hai nhà lãnh đạo đã xảy ra rạn nứt và công kích lẫn nhau. Hôm 19/2, ông Trump gọi ông Zelensky là “nhà độc tài không qua bầu cử”. Trong khi đó nhà lãnh đạo Ukraine cho rằng Tổng thống đương nhiệm của Mỹ đang bị mắc kẹt trong các thông tin sai lệch của Nga, đáp trả việc ông Trump đổ lỗi cho Ukraine trong cuộc xung đột với Nga.
Nhà Trắng đã điều chỉnh đề xuất và gửi cho phía Ukraine hôm 20/2. Hiện chưa rõ chi tiết đề xuất sửa đổi nhưng một quan chức Mỹ mô tả đây sẽ là thỏa thuận mang tính quyết định đối với Ukraine. Bây giờ việc chấp nhận thỏa thuận mới là tùy thuộc vào ông Zelensky.
Các nguồn tin đều bày tỏ lo ngại rạn nứt giữa Tổng thống Trump và người đồng cấp Zelensky có thể trở nên tồi tệ hơn nếu Ukraine không chấp nhận thỏa thuận.
Nguy cơ mất “ngôi sao dẫn đường”
Kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, SpaceX đã cung cấp hàng chục nghìn thiết bị kết nối internet vệ tinh Starlink cho Ukraine. Ngay cả khi mạng di động và internet bị phá hủy do chiến sự, các thiết bị Starlink vẫn cho phép Ukraine duy trì kết nối.
Nhờ Starlink, quân đội Ukraine có một hệ thống thông tin liên lạc đáng tin cậy. Các binh sỹ Ukraine sử dụng các hệ thống này để phối hợp các nhiệm vụ phản công hoặc yêu cầu hỗ trợ pháo binh, cũng như điều khiển các thiết bị không người lái tấn công Nga.
Các chuyên gia cho rằng Ukraine đang quá phụ thuộc hệ thống internet Starlink, tuy nhiên, Kiev hầu như không có lựa chọn nào khác.
“Ukraine phụ thuộc vào Starlink. Họ coi đó như ngôi sao dẫn đường của mình. Mất Starlink sẽ là một cú sốc lớn”, nguồn tin của Reuters cho hay.
Bà Melinda Haring, học giả cấp cao tại Hội đồng Đại Tây Dương, cho biết Starlink đóng vai trò quan trọng đối với hoạt động vận hành máy bay không người lái của Ukraine, một trụ cột trong chiến lược quân sự của nước này.
“Mất Starlink sẽ là một bước ngoặt lớn”, bà Haring nói, nhấn mạnh rằng Ukraine hiện đã đạt mức ngang bằng với Nga về việc sử dụng máy bay không người lái và đạn pháo. Ukraine sở hữu nhiều loại thiết bị không người lái khác nhau, từ các phương tiện không người lái trên biển, máy bay trinh sát đến thiết bị bay không người lái tầm xa. Starlink được xem là thành tố quan trọng giúp Ukraine vận hành hiệu quả các thiết bị này.
Đại sứ quán Ukraine tại Washington, Nhà Trắng, Bộ Quốc phòng Mỹ và cả SpaceX – công ty vận hành Starlink đều chưa bình luận về thông tin trên.
Mùa thu năm 2024, Ukraine đã đề xuất mở cửa lĩnh vực khoáng sản quan trọng để thu hút đầu tư từ các đồng minh. Đây là một phần của “kế hoạch chiến thắng” nhằm đưa Ukraine vào vị thế mạnh nhất trong các cuộc đàm phán và buộc Moscow phải nhượng bộ.
Theo Hoàng Phạm/VOV.VN
https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/la-bai-dac-biet-my-co-the-dung-de-buoc-ukraine-ky-thoa-thuan-khoang-san-post1156550.vov