Cập nhật: 07/04/2025 11:02:00
Xem cỡ chữ

Hơn 50 quốc gia đã tiếp cận Nhà Trắng để thảo luận về việc hạ thuế, song Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick đã khẳng định, sẽ không có sự trì hoãn nào và các biện pháp thuế quan "chắc chắn sẽ được áp dụng".

Hơn 50 nước tiếp cận Nhà Trắng đề nghị đàm phán giảm thuế

Các quan chức cấp cao của chính quyền ông Trump đang đưa ra những thông điệp trái chiều về khả năng đàm phán về mức thuế quan mới được Tổng thống công bố, coi động thái này là một sự tái thiết lập cần thiết nền kinh tế, cũng như hạ thấp mức độ biến động và tình trạng bất ổn nghiêm trọng của thị trường.

Tổng thống Donald Trump từ lâu đã tự coi mình là một người tiến hành thỏa thuận và để ngỏ khả năng cắt giảm các thỏa thuận thuế quan với các quốc gia. Tuy nhiên, thông điệp từ các quan chức kinh tế hàng đầu của ông Trump hôm 6/4 đã vẽ nên một bức tranh u ám về khả năng giảm nhẹ thuế quan.

Dong thai cua chinh quyen ong trump khi hon 50 nuoc de nghi dam phan giam thue hinh anh 1

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters

Tuần trước, Tổng thống Trump đã công bố mức thuế ít nhất là 10% đối với tất cả các quốc gia và mức thuế thậm chí còn cao hơn đối với 60 quốc gia được coi là "những nước vi phạm tồi tệ nhất". Mức thuế chung 10% có hiệu lực vào 5/4 trong khi các mức thuế tùy chỉnh có hiệu lực vào 9/4.

Hơn 50 quốc gia đã tiếp cận Nhà Trắng để thảo luận về việc hạ thuế sau thông báo của ông Trump, các quan chức cho biết hôm 6/4.

Mặc dù trước đây Tổng thống đã tạm dừng thuế quan để đàm phán trong các tình huống khác nhưng Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick đã nói rõ rằng chính quyền ông Trump vẫn có kế hoạch thực hiện mức thuế quan sẽ có hiệu lực vào 9/4.

"Sẽ không có sự trì hoãn nào. Chúng chắc chắn sẽ được áp dụng trong nhiều ngày và nhiều tuần. Điều đó khá rõ ràng. Tổng thống cần thiết lập lại thương mại toàn cầu", ông Lutnick nói.

Theo Bộ trưởng Thương mại Mỹ: "Tổng thống đã thông báo điều đó và ông ấy không đùa về các biện pháp thuế quan sẽ được áp dụng".

CNN đưa tin, chính quyền ông Trump đang tích cực thảo luận với Israel, Việt Nam và Ấn Độ về khả năng đạt được các thỏa thuận thương mại riêng, theo đó Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu sẽ gặp ông Trump tại Nhà Trắng vào ngày 7/4 để đàm phán trực tiếp.

Bộ trưởng Nông nghiệp Brooke Rollins hôm 6/4 vẫn chưa thể xác định rõ liệu các mức thuế quan mới có được duy trì lâu dài hay vẫn còn chỗ cho các thỏa thuận thương mại. Phát biểu trên chương trình State of the Union của CNN, bà Rollins cho biết: “Tổng thống là một doanh nhân, một người luôn được biết đến với khả năng đàm phán thượng thừa... Tuy nhiên, ông ấy cũng rất kiên định, táo bạo, không ngần ngại và không bỏ cuộc trong việc đặt lợi ích nước Mỹ lên hàng đầu thông qua chính sách thuế quan".

Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent cũng khẳng định trên NBC rằng Tổng thống Trump “đã tạo ra lợi thế đàm phán tối đa cho chính mình”, đồng thời lưu ý rằng “đây không phải là vấn đề có thể giải quyết chỉ trong vài ngày hay vài tuần.”

Elon Musk, một trong những cố vấn có ảnh hưởng nhất của ông Trump, đồng thời là người đứng đầu Ban Hiệu suất Chính phủ cho biết hôm 5/4 rằng ông hy vọng Mỹ và châu Âu có thể đạt được một “tình huống không thuế quan” - dấu hiệu cho thấy vẫn còn cơ hội cho đàm phán thương mại.

“Cuối cùng, tôi hy vọng hai bên sẽ đồng thuận rằng cả châu Âu và Mỹ nên hướng tới việc dỡ bỏ hoàn toàn thuế quan, trên thực tế là thiết lập một khu vực thương mại tự do giữa châu Âu và Bắc Mỹ", ông Musk phát biểu trong một cuộc trả lời phỏng vấn trực tuyến với Phó Thủ tướng Italy Matteo Salvini.

Chính quyền ông Trump vẫn giữ niềm tin vào chính sách thuế quan

Ngày 6/4, các quan chức trong chính quyền ông Trump đã liên tục hạ thấp mức độ nghiêm trọng của tình trạng biến động kinh tế đang làm rung chuyển thị trường.

Cố vấn cấp cao về thương mại và sản xuất của Tổng thống Trump, ông Peter Navarro kêu gọi các nhà đầu tư Mỹ "ngồi yên" và "đừng hoảng sợ".

"Chiến lược thông minh là đừng hoảng loạn, hãy cứ giữ nguyên trạng thái. Chúng ta sắp chứng kiến cú bùng nổ lớn nhất từ trước đến nay trên thị trường chứng khoán dưới các chính sách của ông Trump. Mọi người chỉ cần bình tĩnh và để thị trường tự điều chỉnh. Đừng bị lung lay bởi sự hoảng loạn do truyền thông tạo ra. Cuộc sống sẽ trở nên tuyệt vời dưới thời Tổng thống Donald Trump".

Trước lo ngại ngày càng gia tăng từ các chuyên gia kinh tế về khả năng nước Mỹ rơi vào suy thoái, Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent đã bác bỏ giả định này.

“Không nhất thiết phải xảy ra suy thoái. Ai biết được thị trường sẽ phản ứng như thế nào trong một ngày hay một tuần tới? Điều chúng tôi đang hướng tới là xây dựng các nền tảng kinh tế dài hạn cho sự thịnh vượng”, ông Bessent nói.

Tuy nhiên, các nhà phân tích của Goldman Sachs trong một báo cáo tuần trước cho rằng tăng trưởng kinh tế do chính sách tài khóa của ông Trump thúc đẩy sẽ không thể bù đắp được những tổn thất mà kế hoạch áp thuế quy mô lớn gây ra.

Trong khi đó, Bộ trưởng Nông nghiệp Brooke Rollins không đồng tình với cách gọi tình trạng hiện tại là “sụp đổ thị trường” và cho rằng đó chỉ là “một sự điều chỉnh”.

Bộ trưởng Nông nghiệp Brooke Rollins cho biết bà tin rằng nền kinh tế và thị trường đang trong giai đoạn điều chỉnh và sẽ sớm chuyển biến tích cực.

“Khi nền kinh tế và thị trường bắt đầu điều chỉnh, chúng ta sẽ chứng kiến những dấu hiệu tích cực hơn, tôi tin là điều này sẽ diễn ra nhanh chóng", Bộ trưởng Nông nghiệp nói với CNN.

Bà Rollins cũng cho biết, chính quyền có thể hỗ trợ nông dân chịu ảnh hưởng từ chính sách thuế quan, tương tự như gói cứu trợ đã từng được triển khai trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump.

“Chúng ta phải chuẩn bị tinh thần rằng nếu có những thiệt hại kéo dài…thì chúng tôi sẽ đảm bảo có đủ nguồn lực, làm việc với các thượng nghị sĩ và các ủy ban phân bổ ngân sách để có thể triển khai hỗ trợ như trước đây”, bà Rollins nói.

Theo Kiều Anh/VOV.VN (biên dịch)

https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/dong-thai-cua-chinh-quyen-ong-trump-khi-hon-50-nuoc-de-nghi-dam-phan-giam-thue-post1190200.vov