Nhìn lại mấy tháng gần đây, không khí sáp nhập bộ ngành từ Trung ương đến địa phương đã được triển khai với tinh thần “chỉ bàn làm không bàn lùi”. Các chuyên gia tin tưởng, một bộ máy tinh gọn sẽ đưa đất nước bay cao, bay xa hơn trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên phát triển phồn vinh và thịnh vượng.
Chủ trương sắp xếp tổ chức bộ máy đang được triển khai quyết liệt từ Trung ương đến các địa phương, với tinh thần khẩn trương. Trung ương không chờ tỉnh, tỉnh không chờ huyện, huyện không chờ cơ sở. Bộ chính trị, Ban Bí thư vừa ban hành Kết luận số 127 về triển khai nghiên cứu, đề xuất tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, trong đó nêu rõ các nội dung quan trọng và tiến độ cụ thể cho từng phần việc.

Trong Kết luận, Bộ Chính trị, Ban Bí thư yêu cầu xây dựng Đề án sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện, tiếp tục sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã. Việc tiếp thu ý kiến Bộ Chính trị, Ban Bí thư, ý kiến các cơ quan, để hoàn thiện Đề án, Tờ trình và trình Ban Chấp hành Trung ương Đảng qua Ban tổ chức Trung ương phải hoàn thành trước ngày 7/4/2025.
Xây dựng đề án sắp xếp tinh gọn các cơ quan Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội, các hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ cấp Trung ương cấp tỉnh và cấp xã sau khi sáp nhập, hợp nhất. Xây dựng Đề án về hệ thống tổ chức Đảng ở địa phương cấp tỉnh và cấp xã xây dựng báo cáo Tờ trình gửi Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định của Đảng, Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước. Thời gian hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp chậm nhất là ngày 30/6/2025 theo yêu cầu của Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo tạm dừng tổ chức Đại hội Đảng bộ cấp xã, cấp huyện sau Hội nghị lần thứ 11, Ban chấp hành Trung ương Đảng bộ Chính trị sẽ có chỉ đạo hướng dẫn cụ thể…
Trong đó, định hướng sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện và tiếp tục sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã nhận được sự quan tâm, đặc biệt sự đồng thuận của các nhà quản lý, nhà khoa học và nhân dân, khi cho rằng đây là tiền đề để đất nước bước vào kỷ nguyên mới kỷ nguyên phát triển phồn vinh và thịnh vượng.
Trao đổi với PV VOV, GS.TS Trần Ngọc Đường, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy Ban Trung ương Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, đây là chủ tương hoàn toàn đúng đắn và phù hợp với điều kiện hiện nay khi cả nước đang phấn đấu để bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên dân tộc vươn mình. Phân tích cụ thể, ông Đường cho rằng, trong điều kiện phát triển kinh tế mới hiện nay, việc tổ chức bộ máy, hoàn thiện các đơn vị hành chính có vai trò hết sức quan trọng giúp cho phát triển kinh tế. Việc nhập một số tỉnh sẽ tạo một vùng có động lực phát triển mạnh mẽ, nhân lực sản xuất lớn và hỗ trợ, bổ sung cho nhau để phát triển.
“Trong khi thực hiện tinh giản bộ máy để bộ máy đạt hiệu năng, hiệu quả thì việc sáp nhập các tỉnh thành cũng hết sức quan trọng. Tôi cho rằng, chủ trương này rất hợp lý vì đã bỏ được cái “cát cứ” giữa các tỉnh để tạo một tỉnh lớn hơn, để bổ sung cho nhau và tạo ra động lực chung cho sự phát triển. Thực tiễn, nước ta cũng đã có lúc chỉ có khoảng 30 tỉnh. Trong điều kiện hiện nay, khoa học công nghệ phát triển như vũ bão, quản lý Nhà nước thuận lợi ở một vùng lãnh thổ rộng lớn hơn", GS.TS Trần Ngọc Đường nói.

GS.TS Trần Ngọc Đường, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy Ban Trung ương Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. Ảnh: Quốc hội
Trước đây, các đơn vị hành chính cấp tỉnh cũng đã có một số lần nhập và tách. Cụ thể, tháng 4/1975, nước ta có 72 đơn vị hành chính cấp tỉnh. Năm 1976, giảm xuống còn 38 đơn vị hành chính cấp tỉnh và lại tăng lên 64 vào năm 2004. Đến giữa năm 2008, Quốc hội cũng thông qua Nghị quyết sáp nhập tỉnh Hà Tây, 4 xã của tỉnh Hòa Bình và huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc vào Hà Nội. Như vậy, từ năm 2008 đến nay, Việt Nam giữ nguyên số đơn vị hành chính gồm 63 tỉnh, thành phố.
Từ thực tế những lần sáp nhập trước đây, GS.TS Trần Ngọc Đường chỉ ra bài học quan trọng để tạo sự đồng thuận và hoàn thành được mục tiêu đề ra. Ông Đường cho rằng, bài học đầu tiên là phải nhận thức.
“Nhận thức trước hết phải thông suốt và đầy đủ. Thứ hai, phải có quyết tâm mạnh mẽ tinh giản bộ máy của Đảng. Như vậy chủ trương này sẽ được thực hiện tốt, vì đây là chủ trương đúng đắn, có lợi cho đất nước, góp phần phát triển đất nước” - GS.TS Trần Ngọc Đường cho hay.
Sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy được ví như một cuộc cách mạng và là đòi hỏi tất yếu, nhằm nâng cao hiệu năng hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy, đáp ứng yêu cầu xây dựng một hệ thống chính trị hiện đại minh bạch vì sự phát triển nhanh, bền vững của Việt Nam trong kỷ nguyên mới. Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ bắt đầu đi vào hoạt động sau khi hoàn thành bước đầu sắp xếp tinh gọn, tổ chức bộ máy.
Tinh thần quyết liệt của lần cải cách tổ chức bộ máy lần này diễn ra rất thuận lợi và nhận được sự đồng thuận của xã hội, công chức, viên chức và người dân, trong đó, rất nhiều người giữ vị trí lãnh đạo tình nguyện xin nghỉ chế độ trước tuổi. Điều này trái với lo ngại ban đầu là “rất khó tinh giản biên chế” vì động chạm đến quyền lợi nên rất phức tạp và nhạy cảm.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh nhận định: “Nhiều cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, kể cả nhiều đồng chí lãnh đạo các cấp đã thấy trách nhiệm của mình. Theo đó, không những thực hiện mà còn tự giác xin nghỉ hưu trước tuổi, để tạo điều kiện cho sắp xếp tổ chức bộ máy, cho thế hệ trẻ kế tiếp có cơ hội vươn lên, cống hiến cho sự nghiệp chung. Nhiều bộ, ngành, các địa phương có hàng trăm cán bộ, công chức xin tự nguyện làm đơn về hưu trước tuổi. Điều đó không những tạo thuận lợi cho cơ quan, tổ chức trong việc sắp xếp tổ chức bộ máy cán bộ mà còn là động lực cho cán bộ, đảng viên, công chức học tập noi theo”.
Sáp nhập tinh gọn đầu mối các bộ, ngành ở Trung ương và hệ thống dọc ở địa phương đã đi được một nửa chặng đường. Nửa chặng đường còn lại là sắp xếp lại các địa phương ở cả cấp tỉnh, huyện, lẫn cấp xã. Nhìn lại mấy tháng gần đây, không khí sáp nhập bộ ngành từ Trung ương đến địa phương đã được triển khai với tinh thần “chỉ bàn làm không bàn lùi”. Các chuyên gia tin tưởng, một bộ máy tinh gọn sẽ đưa đất nước bay cao, bay xa hơn trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên phát triển phồn vinh và thịnh vượng.
Theo VOV.VN
https://vov.vn/chinh-tri/tu-trung-uong-den-dia-phuong-chi-ban-lam-khong-ban-lui-khi-sap-nhap-tinh-gon-post1190586.vov